Theo thông tin của Tiền Phong, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trong ngành báo cáo về các trường hợp xin nghỉ ốm hay có những việc cá nhân bất thường.
"Bộ đã có chỉ đạo liên quan đến việc quản lý cán bộ ra nước ngoài hoặc xin đi chữa bệnh", một đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Động thái siết quản lý cán bộ đi ra nước ngoài tại các đơn vị thuộc ngành công thương được đưa ra sau khi hàng loạt cựu cán bộ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên tiếp bỏ trốn ra nước ngoài.
Có thể nói năm 2016 là năm bất thường đầu tiên trong lịch sử ngành công thương khi lãnh đạo Bộ này phải liên tiếp ra văn bản yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm theo đúng phân cấp quản lý cán bộ và theo các quy chế, quy định hiện hành, đồng thời tăng cường quản lý cán bộ, nhất là các cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt là sau khi có thông tin liên quan đến hàng loạt cán bộ ngành dầu khí đang thuộc diện bị hạn chế xuất cảnh do liên quan đến những bê bối xảy ra trước đây tại các đơn vị thuộc PVN như Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PvTex) cũng như các dự án xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II…
Trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài được ghi nhận mới đây nhất là trường hợp ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí tự ý đi nước ngoài.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi Bộ Công Thương, ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 21/10/2016 đến nay.
Trước đó, ông Lê Chung Dũng được Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam cho nghỉ phép từ ngày 10 đến ngày 20/10.
Sau khi hết thời gian nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng có đơn xin tạm dừng công việc 6 tháng để tham gia khóa học bằng kinh phí cá nhân tại Singapore.
Tổng công ty Điện lực dầu khí đã nhiều lần có văn bản yêu cầu ông Dũng quay lại Tổng công ty để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục có liên quan. Tuy nhiên từ 21/10/2016 đến nay, ông Dũng vẫn chưa trở lại làm việc.
Thông tin ban đầu từ PVPower, ông Dũng trốn có thể liên quan đến những hoạt động khi còn làm việc tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC).
Trong đó nổi lên là hai dự án khá tai tiếng do PVC làm nhà thầu đang bị phát hiện có nhiều sai phạm là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ.
Thông tin liên quan đến hai dự án này cũng đã được cơ quan điều tra thông báo đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
"Ngay sau khi nhận được báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng phân cấp quản lý cán bộ và theo các quy chế, quy định hiện hành, đồng thời tăng cường quản lý cán bộ nhất là các cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra", thông tin từ Bộ Công Thương cho biết.
Kiểm tra hộ chiếu các nhân sự hội đồng thành viên Vinachem
Trước trường hợp của ông Dũng, hồi đầu tháng 11 vừa qua, sau khi có thông tin về việc ông Vũ Đình Duy, Thành viên trong Hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã lập tổ công tác đặc biệt rà soát chức năng, nhiệm vụ, quản lý cán bộ của Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Tổ công tác, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã làm việc với lãnh đạo Vinachem rà soát, kiểm tra công tác quản lý cán bộ tại đây.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, ngoài việc làm rõ các thông tin liên quan đến ông Vũ Đình Duy, tổ công tác còn kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện quy chế làm việc của Hội đồng thành viên Vinachem.
"Tổ công tác cũng kiểm tra công tác quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu của các nhân sự trong Hội đồng thành viên Vinachem cũng như công tác quản lý cán bộ tại đây", thông tin từ Bộ Công Thương cho biết.
Ông Vũ Đình Duy bỏ trốn ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố nhiều sai phạm xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) trong thời gian ông Duy giữ chức Tổng giám đốc tại đây từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014.
Liên quan tới PVtex, đầu tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật với những sai phạm tại đây.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyeste Đình Vũ có hàng loạt sai phạm với những dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Cùng với kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự xảy ra tại dự án nghìn tỷ này.
Cơ quan thanh tra cho rằng, việc PVTex không thực hiện thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định mà phê duyệt trên cơ sở nghị quyết của PVN dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư một số khoản chi phí với số tiền hơn 38,7 triệu USD.
Mặt khác, sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC, PVTex không thực hiện đăng tải thông tin; phê duyệt kết quả đấu thầu, giá đề nghị trúng thầu cao hơn giá gói thầu được duyệt 20 triệu USD; Hợp đồng EPC được ký bằng đồng USD nhưng thanh toán lại bằng tiền Việt, dẫn đến chênh lệch tỷ giá ngoại tệ gần 47 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước.
Cụ thể, dây chuyền thiết bị kéo sợi dún (DTY) thay đổi nguồn gốc từ Đức sang Trung Quốc trị giá hơn 11,3 triệu USD; hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in và thiết bị đóng bao cũng được chuyển từ Đức thành xuất xứ châu Âu với tổng giá trị 1,7 triệu USD.
Trả lời báo chí về việc ông Vũ Đình Duy xin nghỉ ốm đi chữa bệnh ở nước ngoài khi chưa được phép, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng hồi tháng 11 khẳng định, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước khi đi nước ngoài thì phải xin phép và chỉ được đi khi nhận được sự đồng ý của cơ quan, đơn vị.
"Như trường hợp này là đi khi chưa được phép, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị. Ông Duy sẽ phải chịu trách nhiệm. Vinachem cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc này", ông Vượng nói.
Trước các trường hợp của ông Dũng và ông Duy, hồi tháng 9 vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố đối với ông Trịnh Xuân Thanh, từng là Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh rời Việt Nam cuối tháng 7 khi gửi đơn đến Tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7 và sau đó xin đi nước ngoài trị bệnh và đến nay vẫn chưa trở về.
Hồi năm 2012, ông Trịnh Xuân Thảo, cựu Giám đốc Công ty CP Thi công cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME) cũng đã bỏ trốn sang Mỹ