Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ giá điện không có gì bất thường

Phạm Dung |

Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện.

Bộ sẽ xây dựng lại biểu giá điện bậc thang

Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát trước, nhà máy đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện của khách hàng.

Vì thế, nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc, hay các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia… đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.

Ở nước ta, trong năm 2018, số hộ dùng điện ở mức 100 số trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm 35% số hộ dùng điện sinh hoạt. Do vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 từ 0-50 số điện và bậc 2 từ 51-100 số điện được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với giá bán lẻ điện bình quân. Điều này nhằm hỗ trợ cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại giá cao hơn.

Bộ Công Thương cũng cho hay, do đời sống người dân đã cải thiện, nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là cần thiết.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.

Giá điện không có gì bất thường

Báo cáo cũng nêu rõ, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá, đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện (trong tháng thay đổi giá), áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện và Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 năm 2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; Tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; Kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3 năm 2019.

Kiểm tra thực tế việc chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy các TCty Điện lực và Cty Điện lực đã thực hiện đúng quy định.

Để hạn chế ảnh hưởng của tăng giá điện đến việc sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh như: Thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện; sử dụng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ phù hợp; cải tiến thay thế các thiết bị điện tiêu hao sử dụng nhiều điện; bố trí lại và tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao hiệu suất sử dụng điện.

Về kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện: Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20.3 đến 4.5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện; trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.

Số liệu thống kê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hóa đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại (trong số hơn 14.500 kiến nghị, Hà Nội là hơn 66, TP. Hồ Chí Minh là 714).

Bộ Công Thương nêu rõ: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử dụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

Theo Bộ Công Thương, thực tế kiểm tra cho thấy, số lượng các khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin không nhiều và đều đã được giải đáp đầy đủ. Vì vậy, Bộ kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng quy định; khẩn trương tái cơ cấu EVN theo Quyết định số 168/QĐ-TTg, đặc biệt là việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện) thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại