UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo HĐND tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Theo đó, dự án này được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 30/12/2010 cho CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh. Khu đất thực hiện dự án rộng 3.595 ha (trong đó diện tích mặt nước là 1.960 ha); thuộc các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng. Tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến 2018.
Theo báo cáo, dự án này đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch) và xây dựng một số hạng mục công trình (một hội trường diện tích 600 m2, một hội trường phần thô, 15 căn nhà chuyên gia); san gạt đường giao thông (đường đất) và một số đoạn đường rải đá cấp phối.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án.
UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, dự án đã được thực hiện theo các quy định của pháp luật theo từng thời kỳ. Sau một năm phê duyệt Giấy chứng nhận đầu tư, dự án đã triển khai các thủ tục đầu tư, hoàn thành các thủ tục đầu tư thuê đất, thuê rừng, quy hoạch.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Tỉnh này dẫn Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất năm 2012, CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh không thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh là 158/238 triệu đồng và số tiền chậm nộp là 104.230 triệu đồng (dù được đôn đốc nhiều lần); còn nợ đọng số tiền bồi thường tài nguyên, môi trường rừng với số tiền 6/660 triệu đồng.
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư để người dân tái lấn chiếm, vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2013.
Mặt khác, khi triển khai dự án, doanh nghiệp còn vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng Hội trường không phép, 15 căn nhà chuyên gia không có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt, không có Giấy phép xây dựng…).
Nguyên nhân chủ yếu cho chủ đầu tư chưa tập trung nguồn lực về tài chính và nhân lực để đầu tư hoàn thành dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chậm triển khai xây dựng các hạng mục công trình, để phá rừng, lấn chiếm đất).
UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra kiến nghị, đề xuất, trong thời gian tới, các sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng thực hiện nhiệm vụ sau khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Liên quan tới dự án Khu du lịch hồ Đại Ninh, nhiều cán bộ tại Lâm Đồng đã bị bắt, trong đó có cả Chủ tịch và Bí thư tỉnh. Cụ thể, ngày 2/1/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ, liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Đến ngày 24/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Trần Đức Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến Dự án Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thương vụ giữa ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan
CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh được thành lập vào tháng 1/2010, có địa chỉ trụ sở tại Đà Lạt và hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Thời điểm thành lập, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 300 tỷ đồng. Tới thời điểm tháng 8/2016, Sài Gòn Đại Ninh tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH thương mại Phương Nam tiếp tục nắm giữ tới 85%. Người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Cao Trí và ông Hoàng Thanh Bách.
Theo bản kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra tra Bộ Công an về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Văn Lang và Công ty Capella, bị cáo buộc phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo buộc, ông Nguyễn Cao Trí quen Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan, từ năm 2017, sau đó hợp tác đầu tư một số dự án bất động sản và mua cổ phần công ty. Bị can này đã nhiều lần nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, tổng cộng 1.000 tỷ đồng, thông qua ba hình thức là chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Theo kết luận điều tra, tháng 12/2017, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bà Lan 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD. Bà Trương Mỹ Lan đã thanh toán 21,25 triệu USD (gần 500 tỉ đồng) để mua toàn bộ 30% vốn điều lệ ông Trí đang sở hữu. Nhằm hợp thức hóa, ông Trí chỉ đạo những người đứng tên hộ ký hợp đồng ủy thác đầu tư để chuyển toàn bộ cổ phần cho Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua người đại diện.
Cơ quan điều tra xác định, việc ủy thác đầu tư này thực chất là mua bán cổ phần chưa được chuyển nhượng. Hợp đồng ủy thác là thỏa thuận cá nhân giữa ông Trí và bà Trương Mỹ Lan, không báo cáo Công ty Cao su Công nghiệp. Trên thực tế, tất cả tiền đều do bà Trương Mỹ Lan bỏ ra.
Đối với Công ty Sài Gòn Đại Ninh, từ khi thành lập chỉ được cấp giấy chứng nhận đầu tư một dự án là Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Công ty do bà Phan Thị Hoa làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, không liên quan đến ông Trí.
Đến năm 2020, ông Trí ký hợp đồng với bà Hoa thỏa thuận về việc mua lại 100% vốn điều lệ với giá 5.000 tỷ đồng. Sau nhiều lần mua bán, Nguyễn Cao Trí đã sở hữu thành công 58% vốn điều lệ, trở thành người đại diện theo pháp luật của Sài Gòn Đại Ninh và đã thanh toán cho bà Hoa 2.230 tỷ đồng.
Sau khi mua cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ông Trí lập tức thỏa thuận bán lại cho bà Trương Mỹ Lan 100% vốn đang sở hữu với giá 3.000 tỷ đồng. Sau đó, bà Lan 5 lần chuyển tiền đặt cọc cho ông Trí với tổng cộng 20 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, bà Lan đổi ý không mua cổ phần của Sài Gòn Đại Ninh nữa nên chuyển một triệu USD đặt cọc và 127 tỷ đồng thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.