Bộ Công an: Nên đổi căn cước công dân sau sáp nhập huyện, xã

Luân Dũng |

Quy định không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ căn cước công dân, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, đại diện Bộ Công an khuyến cáo công dân nên đổi căn cước công dân theo địa danh mới.

Hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã sáp nhập

Chiều 28/2, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 tổ chức cuộc họp lần thứ nhất.

Theo Bộ Nội vụ , đến nay đã có 56/56 tỉnh, thành phố có huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. Bộ đã cho ý kiến vào việc triển khai phương án thực hiện tổng thể của 56 địa phương.

Tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50, sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện có tăng so với phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Công an: Nên đổi căn cước công dân sau sáp nhập huyện, xã- Ảnh 1.

Tổng số xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, tổng số xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Số lượng dự kiến sắp xếp này cũng tăng so với đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, khi phê duyệt đề án xong nhưng chưa có phương án sắp xếp, nên chưa triển khai được phương án sắp xếp tài sản. Do đó, ông Hưng đề nghị phải xây dựng phương án sắp xếp tài sản và tạm dừng phê duyệt đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình với các huyện, xã trong diện sắp xếp.

Về kinh phí, bước đầu Bộ Tài chính dự kiến hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã sáp nhập. Liên quan đến việc bố trí nguồn lực, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết với số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, căn cứ theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ bố trí khoảng 600 tỷ đồng để hỗ trợ một lần.

Trong Nghị quyết 35 quy định là hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, đã kiến nghị 2 lần là nên sử dụng kinh phí thường xuyên, để các huyện, xã nhận một lần, thực hiện cho dễ. Còn nếu sử dụng theo đối tượng của Luật Đầu tư công thì sẽ rất phức tạp, với rất nhiều quy trình, thủ tục.

Miễn phí khi đổi căn cước công dân

Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, khi sắp xếp lại địa giới hành chính có thay đổi về tên gọi. Một số trường thông tin của công dân sẽ thay đổi nên sẽ chạy lại hệ thống dữ liệu dân cư. Theo đại diện Bộ Công an, việc này có một chút khó khăn nhưng thực hiện được.

Về quy định không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ căn cước công dân, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, đại diện Bộ Công khuyến cáo công dân nên đổi căn cước công dân theo địa danh mới và người dân sẽ được đổi miễn phí.

Bộ Công an: Nên đổi căn cước công dân sau sáp nhập huyện, xã- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hiện nay đã làm được khoảng 60% công việc, nhưng 40% công việc còn lại rất khó khăn, trong khi thời gian còn lại không nhiều, chỉ khoảng 6 tháng, nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm lớn.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề ra 5 nguyên tắc triển khai thực hiện. Trong đó, vấn đề thủ tục phải làm sao rút gọn nhất có thể. "Cái gì có thể cho nợ được thì cho nợ, với điều kiện đáp ứng được yêu cầu cụ thể; cái nào kẹt lắm, chưa làm ngay được thì mới phải chuyển qua giai đoạn sau, nhưng việc này phải rất hạn chế", ông Quang nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên tắc phải tôn trọng ý kiến từ cơ sở. Do vậy, quá trình triển khai không nên máy móc. Việc triển khai thực hiện, vận động cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc sớm, rồi chuyển nơi làm việc là của địa phương… "Cần phải tôn trọng anh em cơ sở, nếu không chúng ta sẽ thất bại”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại