Sáng 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Trước đó, ngày 24-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này, một trong những vấn đề đại biểu còn băn khoăn là quy định về dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến nhất trí quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định về chiều dài lưỡi dao, độ sắc, nhọn của dao vì không phù hợp, không khả thi.
Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, trang bị, quản lý sử dụng, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu; đồng thời, không quy định dao có tính sát thương cao theo các thông số kỹ thuật, chỉ nên quy định về đặc tính, tính năng để dễ vận dụng vào thực tiễn.
Có ý kiến đề nghị có quy định để xác định rõ loại dao nói riêng hoặc những hung khí nguy hiểm nói chung không được phép mang theo người, khi mang phải có giấy phép hoặc phải có những thủ tục đặc biệt, quy định cụ thể đối những khu vực nào, địa bàn nào cấm không được mang, không được lưu hành…
Báo cáo về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an cho biết tại điểm b khoản 4 Điều 3 dự thảo luật quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, do đó, việc sản xuất dao có tính sát thương cao vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, nên các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sau khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn nơi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc cư trú.
"Đối với trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo" - Bộ Công an khẳng định.
Về đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, căn cứ quy định dao có tính sát thương cao có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên, Bộ Công an cho biết việc quy định dao có tính sát thương cao có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên là dựa trên cơ sở các loại dao găm được trang bị cho lực lượng vũ trang để thi hành công vụ đều có kích thước từ 20 cm trở lên; tham khảo luật của một số nước trên thế giới như: Nga, Belarus, Australia... đều quy định kích thước lưỡi dao để quản lý bảo đảm chặt chẽ.
Đồng thời, qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm sử dụng các loại dao gây án thì đa số các loại dao thu giữ được đều có kích thước lưỡi dao từ 20 cm trở lên. Bên cạnh đó, dao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến, hàng ngày trong lao động, sản xuất, sinh hoạt và có rất nhiều loại khác nhau, do đó, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với các loại dao có tính sát thương cao nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhưng cũng không làm ảnh hưởng, tác động đến đời sống người dân.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề nghị phải xem xét, làm rõ việc dùng từ ngữ cho rõ ràng. Về vũ khí thô sơ, đại biểu cho rằng nếu phục vụ cho lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ thì gọi là vũ khí; các đối tượng manh động sử dụng để hành hung, cướp của, giết người thì gọi là vũ khí; còn nếu người dân sử dụng sinh hoạt thì nên gọi là công cụ, dao sử dụng sinh hoạt trong gia đình là công cụ chứ không thể nói là vũ khí.
Khi nào là vũ khí thô sơ, khi nào là vũ khí quân dụng
Bộ Công an cho hay qua tổng kết 5 năm thi hành luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, cơ quan này nhận thấy trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, 88,4% các vụ án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao để gây án.
Riêng đối tượng sử dụng các loại dao, phương tiện tương tự dao chiếm đến 66,4% trong số này. Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội.
Phức tạp là vậy, song quy định hiện hành không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì dao không được coi là vũ khí.
Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm nêu trên, dự thảo luật phân định rõ dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Vũ khí thô sơ được trang bị để thi hành công vụ hoặc không được trang bị nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt (đã bao gồm sinh hoạt trong gia đình, sinh hoạt tại cộng đồng, các hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.