Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Không né vấn đề cử tri quan tâm

THÀNH NAM (ghi) |

Từ ngày 4 - 6/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa thể thao và du lịch. Với tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn, rõ vấn đề”, các đại biểu kỳ vọng phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm. Báo Tiền Phong ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về phiên chất vấn này.

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Không né vấn đề cử tri quan tâm- Ảnh 1.

Giải pháp về phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ là một trong những nội dung các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh (Trong ảnh: người dân Sóc Trăng bên cánh đồng lúa bị nhiễm mặn). Ảnh: Nhật Huy

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện: Đi tới tận gốc rễ vấn đề

Như chúng ta biết, chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và thường xuyên nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn. Trong những kỳ họp gần đây, Quốc hội đã có những đổi mới chất vấn, đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri. Quốc hội đều nêu cao tinh thần “tái chất vấn” việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ. Đây chắc chắn sẽ là một nội dung mà cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm.

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Không né vấn đề cử tri quan tâm- Ảnh 2.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện.

Với 4 nhóm lĩnh vực chất vấn về tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch, đây đều là những nhóm lĩnh vực “nóng” được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Tôi kỳ vọng phiên chất vấn này, các “ tư lệnh ngành ” sẽ trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm, không né tránh các vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Để qua đó, các nội dung được nêu ra sẽ đi tới tận gốc rễ vấn đề, làm cơ sở cho các bộ, ngành sớm có giải pháp căn cơ giải quyết các vấn đề nêu ra.

Với yêu cầu chất vấn “hỏi nhanh, đáp gọn, rõ vấn đề”, tôi đánh giá, đây sẽ là phiên chất vấn “nóng” và rất sôi động, hấp dẫn. Sau 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới sẽ để lại nhiều dấu ấn, đáp ứng được sự quan tâm, mong đợi của cử tri và người dân. Tôi tin rằng, các ngành, lĩnh vực được chất vấn sẽ có thêm nhiều động lực mới, cách làm mới để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho sự phát triển của ngành, lĩnh vực, đồng thời giải quyết được những băn khoăn, yêu cầu của cử tri, trên tinh thần phục vụ lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa: Tạo tâm thế, tự tin cho toàn xã hội

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Không né vấn đề cử tri quan tâm- Ảnh 3.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân. Tôi kỳ vọng ở phiên chất vấn lần này, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn thẳng thắn, đúng trọng tâm, lĩnh vực mình phụ trách; đồng thời đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải. Từ đó tạo tâm thế, tinh thần tích cực, sự tự tin cho toàn xã hội để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm, cũng như cho cả nhiệm kỳ.

Trong lĩnh vực văn hóa, tôi mong muốn bộ trưởng sẽ giải trình rõ hơn về tính cấp thiết và những ưu tiên để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; những điểm mới, mang tính đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); hay những vấn đề liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao…

Bên cạnh đó là việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; sự chuẩn bị của ngành trong việc tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025, để những thông điệp của lịch sử được tiếp nối, phát huy trong giai đoạn hiện tại và tương lai; bên cạnh đó là vai trò làm gương của văn nghệ sĩ, kể cả những tranh luận gần đây liên quan đến các sản phẩm nghệ thuật, trong việc khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử của đất nước để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng văn hóa…

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình): Đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Không né vấn đề cử tri quan tâm- Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Quảng Bình.

Trong lần chất vấn này, tôi rất quan tâm đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nghị định, quy định 10 nhóm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, trong đó có nhóm quản lý về an toàn thực phẩm đường phố. Đây là điều đáng lo ngại trong thời gian qua. Nếu không ban hành kịp thời các văn bản điều chỉnh sẽ rất khó cho công tác quản lý.

Vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đưa ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên để xem xét, xử lý trách nhiệm rất khó, vì chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, mức xử phạt còn thấp. Tôi mong muốn Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương sớm xem xét, rà soát để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách này.

Bên cạnh đó, tôi quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực. Bởi vì nói về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có sự phối hợp của các bộ, ngành, như Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT… Trong quản lý Nhà nước, chưa có sự phân định cụ thể, rõ ràng. Tôi hi vọng lần chất vấn này, Bộ trưởng Công Thương sẽ có các giải pháp, biện pháp để hiện thực hóa, làm sao để thời gian tới có thể hạn chế tối đa tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với thức ăn đường phố.

Trong ngày 4/6, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, sau đó đến Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nội dung chất vấn xoay quanh việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng...

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản...

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Phòng chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Không né vấn đề cử tri quan tâm- Ảnh 5.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp.

Trong lần chất vấn này, tôi quan tâm nhất đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc về lĩnh vực kiểm toán. Trong đó có nội dung chất vấn về trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án “được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm”. Bên cạnh đó là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức công vụ trong hoạt động kiểm toán. Bởi nếu những sai phạm xảy ra, cơ quan thanh tra, hay kiểm toán vào cuộc mà không phát hiện ra, thì sai phạm nhỏ sẽ tích tụ và biến thành sai phạm lớn. Như vụ việc tại ngân hàng SCB, nếu như cơ quan kiểm toán (dù là độc lập hay Kiểm toán Nhà nước), nếu vào cuộc sớm, phát hiện sai phạm ngay từ đầu, có kiến nghị kịp thời, có lẽ các sai phạm sẽ không đến mức khủng khiếp như vậy.

Tôi được biết, từ khi nhậm chức tới nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn rất quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong ngành kiểm toán, đã ban hành nhiều chỉ thị để ngăn chặn. Vậy trong thời gian qua, có xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán không? Nếu có thì việc xử lý các vi phạm được thực hiện ra sao?

Bên cạnh đó, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng là nội dung rất đáng quan tâm. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt bao nhiêu phần trăm trong những năm qua? Đối với những đơn vị chậm, hoặc chây ì trong thực hiện kiến nghị kiểm toán thì có giải pháp gì? Theo tôi, việc kiểm tra, đốc thúc hậu kiểm toán vô cùng quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại