Thưa ông, từ giờ đến kết thúc mùa xuân 2018 còn xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại nào không?
Chúng ta đang ở thời điểm đầu xuân 2018. Mùa xuân gồm ba tháng 3, 4, 5. Theo quy luật, mùa xuân vẫn còn một số đợt KKL tràn về. Tuy nhiên các đợt KKL này không gây ra rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối.
Đầu tháng 3 vừa rồi có một đợt KKL tràn về. Dự báo thứ 4 (21/3) sẽ lại có một đợt KKL tiếp theo, làm cho nhiệt độ giảm xuống, ban ngày chỉ khoảng 20-23 độ, ban đêm 17-20 độ, không khí ẩm, sương mù tiếp tục.
Đợt rét này kéo dài đến cuối tuần, bao phủ hầu hết các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, có thể đến Thừa Thiên Huế, gây ra mưa phùn, trời se se lạnh. Sau đó thời tiết ấm dần trở lại.
Sang tháng 4, 5, trung bình mỗi tháng 3-4 đợt KKL yếu tràn về. Các đợt KKL tháng 4 gây ra cái rét nàng Bân trong khi các đợt KKL tháng 5 gây ra mưa rào kèm theo dông, tố, lốc với các tỉnh miền bắc.
Chúng tôi cũng lưu ý, thời điểm tháng 5 giao mùa, nguy cơ xuất hiện dông, lốc, sét, mưa đá sẽ rất cao, chẳng hạn như năm ngoái mưa đá gây thiệt hại ở Bát Xát, Lào Cai. Trên biển nguy cơ gió mạnh, sương mù.
Nguy cơ xuất hiện siêu bão, bão dị thường, trái quy luật
Nắng nóng và bão năm 2018 được dự báo như nào, thưa ông?
Các dự báo của quốc tế và Việt Nam cho thấy, từ giờ đến tháng 6/2018, hiện tượng ENSO sẽ ở pha La Nina yếu.
Từ tháng 7 đến tháng 12 sẽ chuyển dịch sang pha trung tính, không phải El Nino, cũng không phải La Nina. Với những năm thế này, khí hậu trở nên ôn hòa hơn, đúng với các quy luật thông thường hơn.
Nắng nóng năm nay dự kiến sẽ không nhiều, ở mức trung bình nhiều năm (TBNN), khoảng 14-15 đợt. Nắng nóng được nhận định sẽ đến muộn và không quá gay gắt. Trung bình các đợt nắng nóng bắt đầu xuất hiện vào tháng 4 ở Bắc bộ.
Năm nay cuối tháng 4 có thể mới xuất hiện các đợt nắng nóng đầu tiên ở Bắc bộ và tháng 5 mới xuất hiện nắng nóng ở khu vực ven biển Trung bộ. Riêng khu vực Nam bộ, Nam Trung bộ đã xuất hiện nắng nóng.
Năm nay số lượng các cơn bão cũng được dự báo ở mức TBNN, khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Dự kiến Bắc bộ có thể phải chịu 2 cơn bão, Trung bộ khoảng 3 cơn và cực Nam Trung bộ và Nam bộ một cơn. Bão năm nay xuất hiện tương đối đúng quy luật, thường bắt đầu từ tháng 5, kết thúc tháng 11, dồn dập nhất là tháng 9, 10, 11.
Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Dự báo bão mới họp ở Việt Nam hồi cuối tháng 2, nguy cơ xuất hiện siêu bão ở Biển Đông ngày càng lớn, các vùng ít khả năng có bão nay có khả năng lớn hơn, ví dụ như Nam bộ, cực nam của Nam Trung bộ.
Điều nay được lý giải là do BĐKH, nhiệt độ khí quyển tăng lên, lượng nước bốc hơi ngày càng lớn, dẫn đến các cơn bão mạnh, siêu bão, đặc biệt là các cơn bão có đường đi dị thường, trái quy luật.
Cũng lưu ý thêm, với những năm La Nina yếu như hiện nay, mưa trái mùa sẽ xuất hiện nhiều hơn TBNN ở Tây Nguyên, Nam bộ. Tuy nhiên, các đợt mưa trái mùa này lượng mưa không cao, thường kèm theo dông, tốc, lốc, sét, mưa đá, vòi rồng.
Chi tiết hóa dự báo đến gần 700 quận, huyện
Năm nay chúng tôi sẽ đưa vào 18 trạm định vị sét, một radar thời tiết trên đỉnh đèo Pha Đin (Điện Biên). Năm ngoái 2 radar thời tiết mới được đưa vào vận hành. Ngoài ra, một loạt radar khác được nâng cấp bảo dưỡng duy tu, hệ thống đo mưa cũng được tự động hóa. Nhờ vậy, công tác dự báo năm nay sẽ có nhiều điểm mới.
Về cảnh báo dông, tố, lốc. Với mạng lưới định vị sét, chúng tôi sẽ đếm được các cơn dông trên các miền. Từ đó đưa ra được các cảnh báo sớm các trận mưa dông, sét. Về bão, nâng mức dự báo xa từ 3 ngày lên 5 ngày.
Cụ thể, khi xuất hiện cơn bão trên Biển Đông, trước đây dự báo 3 ngày tới bão sẽ di chuyển như nào thì giờ dự báo 5 ngày tới.
Tuy nhiên, các dự báo xa chỉ mang tính chất tham khảo, định hướng công tác chuẩn bị phòng chống. Với những vùng chịu ảnh hưởng, những nơi bão đổ bộ thì các bản tin dự báo 24h, 36h mới có độ tin cậy cao.
Cuối mùa mưa năm ngoái chúng tôi đã thử nghiệm dự báo định lượng mưa nhằm đưa ra cảnh báo về lũ lụt, lũ quét, sạt lở. Năm nay sẽ tiếp tục dự báo và chi tiết đến cấp tỉnh, huyện. Số liệu này sẽ cung cấp cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các cấp, cho các chủ hồ chứa.
Ngoài ra, khái niệm "có mưa rào và dông rải rác" cũng sẽ được thay thế. Sắp tới chúng tôi sẽ chi tiết hóa dự báo đến gần 700 quận, huyện trên cả nước.
Ví dụ tại Hà Nội sẽ có dự báo cho từng quận, huyện, chẳng hạn tại khu vực Hà Nội, quận Đống Đa, Ba Đình có mưa, không dự báo chung tại khu vực Hà Nội có "mưa rào và dông rải rác" như trước đây nữa.
Cảm ơn ông!"Khái niệm "có mưa rào và dông rải rác" cũng sẽ được thay thế. Sắp tới chúng tôi sẽ chi tiết hóa dự báo đến gần 700 quận, huyện trên cả nước. Ví dụ tại Hà Nội sẽ có dự báo cho từng quận, huyện, chẳng hạn tại khu vực Hà Nội, quận Đống Đa, Ba Đình có mưa, không dự báo chung tại khu vực Hà Nội có "mưa rào và dông rải rác" như trước đây nữa".
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Lê Thanh Hải