Mâu thuẫn đã có từ nhiều năm
Ở nhiều nơi, mọi người vẫn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ, ông Trần Thụ (65 tuổi, sinh sống tại Hồ Nam, Trung Quốc) cũng không ngoại lệ. Trong mắt ông, con gái lớn lên kiểu gì cũng phải đi lấy chồng, chỉ có con trai mới là người thực sự có thể chăm sóc mình lúc tuổi già.
Vì vậy, giống như hầu hết những bé gái khác, chị Trần Lệ từ nhỏ đã không nhận được nhiều sự yêu thương của cha mẹ, ngược lại còn phải gánh vác trách nhiệm của một người chị, yêu thương và chăm sóc em trai nhiều hơn.
Cha chị luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho em trai, có việc gì nặng nhọc lại gọi cô làm, coi chị như người giúp việc trong nhà.
Lớn lên trong gia đình thiếu thốn tình cảm như vậy, chị Trần Lệ chỉ mong muốn được thoát khỏi đây, cho đến năm 17 tuổi, cô quyết định bỏ học đi làm xa, rốt cuộc cũng được tự do, dựa vào chính đôi tay của mình để kiếm sống.
Nhờ năng lực của bản thân, cô tìm được việc làm, đồng thời làm thêm nhiều công việc bán thời gian khác, thu nhập cũng khá. Số tiền này, cô để dành một phần, một phần gửi về cho gia đình, coi như là lao động chính trong nhà.
May mắn, trong quá trình làm việc, Trần Lệ đã gặp được người chồng hiện tại. Anh là một người đàn ông hiền lành, chất phác, làm nghề buôn bán xe cũ, kinh tế khá giả, lại rất tốt với chị. Tình cảm của hai người nhanh chóng tiến triển, họ sớm kết hôn, cùng nhau mở một cửa hàng kinh doanh xe cũ, bắt đầu cuộc sống mới.
Từ đó về sau, Trần Lệ rất ít khi về nhà mẹ đẻ, công việc kinh doanh xe cũ rất bận rộn, vợ chồng chị tuy kiếm được nhiều tiền nhưng cũng rất vất vả.
Cho đến khi bố mẹ đẻ quyết định mua căn nhà hiện tại, trong tay họ không đủ tiền, cô đã gửi một khoản tiền lớn để hỗ trợ. Nhà mua xong, ông Trần Thụ lại đổi ý. Thủ tục xong xuôi, ông đã sang tên cho con trai, con gái thấy thế trong lòng không thoải mái, bực tức bỏ đi, từ đó cắt đứt liên lạc với gia đình.
Tình thân dần nhạt nhòa
Từ nhỏ đã bị đối xử phân biệt, đến giờ lại bị cha qua mặt sang tên nhà cho em trai, Trần Lệ cảm thấy mình như người ngoài cuộc, sống trong sự toan tính của cha mẹ. Đau lòng và phẫn uất, Trần Lệ 4 năm liền không về nhà, vì vậy ông Trần Thụ luôn miệng nói với người ngoài rằng: "Nó chưa từng phụng dưỡng chúng tôi ngày nào, nó là đứa con gái bất hiếu".
Kể từ khi phát hiện bị ung thư, ông lo rằng sau này mình qua đời, con trai không ai chăm sóc thì biết làm sao? Vì vậy, ông Trần Thụ quyết tâm để lại căn nhà cho con trai. Khi lập di chúc, ông đã ghi rõ, sẽ để lại toàn bộ tài sản của mình, bao gồm cả căn nhà này, cho con trai là anh Trần Minh. Con gái Trần Lệ sẽ không được hưởng bất kỳ tài sản thừa kế nào.
Tuy nhiên, việc chia tài sản này theo quy định phải có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình. Trần Lệ không đồng ý ký. Cô cho cho rằng ngôi nhà này được mua bằng một phần tiền của mình, do đó, cô không chấp nhận cho em trai toàn bộ.
Để con gái chịu để lại căn nhà cho em trai, ông Trần Thụ đã không ngại quỳ xuống cầu xin. Con gái là Trần Lệ lái xe từ nhà đến gặp cha. Vì căn nhà này, chị đã nói những lời lẽ cay nghiệt. Đối mặt với cảnh tượng người cha già quỳ khóc thảm thiết, chị vẫn không mảy may động lòng: "Đây là nhà tôi bỏ tiền túi ra mua, muốn cho không con trai ông sao? Đừng hòng!"
Không thể tìm được tiếng nói chung, hai bố con ông Trần nhiều lần lớn tiếng với nhau. Hàng xóm và người thân đã nhiều lần tới khuyên nhủ, nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Việc hòa giải về căn nhà vẫn chưa đi đến kết quả, nhưng tình cảm giữa những người thân trong gia đình đã trở nên vô cùng mong manh. Việc chia tài sản nhà ông Trần rốt cuộc phải làm sao mới có thể công bằng? Căn nhà rốt cuộc nên thuộc về ai? Đây là câu hỏi chưa thể có đáp án.
Theo Sohu