Phát biểu về tình hình an ninh trong nước tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại vào ngày 21/4, Bộ trưởng Mayorkas tuyên bố Bộ An ninh Nội địa Mỹ có kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm AI để khám phá cách thức triển khai công nghệ tiên tiến nhằm “thay đổi đáng kể bối cảnh các mối đe dọa”.
“Lực lượng của chúng tôi sẽ dẫn đầu trong việc sử dụng AI có trách nhiệm để bảo vệ nước nhà và bảo vệ trước hành động sử dụng công nghệ vào mục đích sai trái”, Bộ trưởng Mayorkas nhấn mạnh bất kỳ AI nào được bộ sử dụng sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt để tránh sai lệch và gây ra các tác động khác nhau.
Cụ thể, bộ sẽ tích hợp AI vào chuỗi cung ứng và sàng lọc hàng hóa, dự đoán công nghệ này sẽ có thể phát hiện chính xác các sản phẩm được sản xuất bằng lao động nô lệ. Công nghệ này cũng có thể bảo vệ lưới điện, nguồn cung cấp nước và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Bộ trưởng Mayorkas nhấn mạnh AI vẫn đang ở “giai đoạn sơ khai” song ông vẫn chưa thể hết kinh ngạc trước tiềm năng của nó.
Hàng nghìn chuyên gia AI gần đây đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi lệnh cấm 6 tháng đối với “các thí nghiệm AI” để các chính phủ, tập đoàn và các bên liên quan khác có thể đưa ra một khung pháp lý với các biện pháp bảo vệ hiệu quả có khả năng ngăn chặn bất kỳ sự phát triển nào đe dọa hủy diệt nền văn minh của loài người.
Trước đó, tỷ phú Elon Musk đã gọi AI là một “công nghệ nguy hiểm”.
Ngay cả Sam Altman - Giám đốc điều hành OpenAI, công ty sáng lập ứng dụng chatbot AI ChatGPT, thừa nhận con người cần phải giảm tốc trong việc phát triển AI vì các chatbot AI đang phát triển nhanh chóng sẽ xóa sổ nhiều công việc hiện tại.
Tháng trước, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Chính sách Kỹ thuật số đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang cấm OpenAI phát hành các phiên bản thương mại của GPT-4, gọi phần mềm này là “định kiến, lừa đảo và mang theo rủi ro đối với quyền riêng tư và an toàn công cộng”.