Bộ 3 bom tấn xe điện đổ bộ ĐNÁ, Ấn Độ: Sẽ đánh bại doanh thu khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, từ năm 2030 sẽ vô cùng thăng hoa

Vũ Anh |

Công cuộc sáp nhập giúp các nhà sản xuất ô tô cạnh tranh mạnh mẽ trong một ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào phần mềm và công nghệ truyền động điện, hybrid và các công nghệ sạch.

 - Ảnh 1.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda Motor, Nissan Motor và nhiều khả năng cả Mitsubishi Motors - đã bắt đầu các cuộc đàm phán sáp nhập. Dữ liệu cho thấy thị phần của cả ba thương hiệu này hiện đang tụt hậu so với các đối thủ khác tại các thị trường mới nổi quan trọng của Châu Á.

Công cuộc sáp nhập nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô cạnh tranh mạnh mẽ trong một ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào phần mềm và công nghệ truyền động điện, hybrid và các công nghệ sạch. Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Honda Toshihiro Mibe, thành quả của sự sáp nhập này sẽ được ghi nhận ở quy mô đầy đủ từ năm 2030 trở đi. Đến lúc đó, tầm quan trọng của Đông Nam Á và Ấn Độ có thể sẽ ngày càng tăng khi tốc độ tăng trưởng doanh số chậm lại ở các thị trường phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Nikkei Asia đã phân tích dữ liệu bán ô tô năm 2024 tại năm quốc gia Đông Nam Á lớn và Ấn Độ, do công ty nghiên cứu MarkLines cung cấp. Tại Indonesia, thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, Toyota Motor là thương hiệu bán chạy nhất với 56% thị phần. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này cũng chiếm phần lớn doanh số tại Thái Lan, 39% và Philippines, 47%. Đây lần lượt là thị trường ô tô lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực.

Bộ ba Honda-Nissan-Mitsubishi nếu kết hợp sẽ đứng thứ 2 về doanh số tại ba thị trường lớn nói trên, với thị phần dao động từ khoảng 20% đến khoảng 30%. Sự tham gia của Mitsubishi vào kế hoạch hợp nhất Honda-Nissan được cho là vô cùng quan trọng đối với chiến lược bán hàng tại ASEAN. Mitsubishi kiểm soát một phần đáng kể thị trường tại Philippines (19%) và Việt Nam (12%). Quyết định có tham gia các cuộc đàm phán sáp nhập hay không sẽ được đưa ra vào cuối tháng 1.

Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Mitsubishi Motors, Takao Kato, đã thể hiện thái độ tích cực đối với việc tham gia thảo luận. Ông cho biết: “Chúng tôi có thể hỗ trợ các hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ bằng cách tận dụng thế mạnh của mình, bao gồm hoạt động kinh doanh tại ASEAN và xe bán tải nhỏ gọn”.

Chìa khóa thành công cho một thương vụ sáp nhập là phá vỡ vị thế thống trị của thương hiệu bán chạy nhất tại mỗi quốc gia -- một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nhanh chóng giành được thị phần. Tuy nhiên, mối đe dọa từ các đối thủ Trung Quốc có thể yếu hơn ở Ấn Độ - thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới.

Bất kể đối thủ cạnh tranh là ai, thực thể được sáp nhập vẫn phải đưa ra các sản phẩm mà người lái xe Ấn Độ mong muốn. Đây sẽ là một thách thức lớn. Trong số ba đối tác tiềm năng, hiện chỉ có Honda và Nissan bán ô tô tại Ấn Độ và tổng thị phần của họ là 2%.

Stephanie Brinley, phó giám đốc tình báo ô tô tại S&P Global Mobility, cho biết: “Thỏa thuận tiềm năng này nhằm tăng quy mô để giảm chi phí cho mỗi xe. Nhiều công nghệ mới sẽ được áp dụng. Theo nhiều cách, việc tạo ra một sản phẩm hấp dẫn vẫn là cốt lõi của thành công”.

Sanshiro Fukao, thành viên điều hành của Viện nghiên cứu Itochu, cho biết ba nhà sản xuất ô tô có tiềm năng sản xuất những chiếc EV nhỏ hấp dẫn khách hàng các nước châu Á. “Honda, Nissan và Mitsubishi có chuyên môn trong việc sản xuất kei-EV phổ biến ở Nhật Bản”, ông nói, ám chỉ đến loại xe mini hạng nhẹ độc đáo. “Việc nhanh chóng ra mắt những mẫu xe mới sẽ rất cần thiết, trong bối cảnh cuộc đua phát triển xe điện và công nghệ phần mềm diễn ra nhanh chóng vào cuối những năm 2020”.

Theo Nikkei, Honda và Nissan vốn là đối thủ lâu năm, song gần đây lại trở nên thân thiết. Cả hai nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ điện, đồng thời tìm cách chia sẻ chi phí phát triển vốn đã tăng cao.

Điểm chung lớn nhất là cả Honda và Nissan đều đang gặp khó khăn ở Trung Quốc sau khi thị trường bất ngờ chuyển dịch sang xe điện và xe hybrid. Màn hợp tác, nếu xảy ra, sẽ cho phép Honda và Nissan cùng thu lại lợi ích dù văn hóa có phần khác nhau. Một số mẫu xe của hai hãng cũng có sự trùng lặp.

Nissan có lẽ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau bê bối cựu chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt giữ vào tháng 11 năm 2018, trước căng thẳng nội bộ về liên minh của Nissan với Renault của Pháp. Lệnh truy nã quốc tế đã được ban hành đối với cáo buộc hơn 15 triệu Euro (16,3 triệu USD) liên quan tới các khoản thanh toán đáng ngờ giữa liên minh Renault - Nissan mà ông này từng đứng đầu. Ghosn bị buộc tội tại Tokyo, sau đó trốn khỏi Nhật Bản vào tháng 12/2018.

Được biết, hoạt động kinh doanh của Nissan thời gian gần đây không mấy tích cực. Hãng này vừa thông báo kế hoạch cắt giảm sâu hoạt động toàn cầu để định hướng lại kinh doanh, cũng nhằm giành lại thị phần đã mất trên thị trường xe hybrid và xe điện đang phát triển tại Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, Honda hồi giữa năm 2024 cũng phải lên kế hoạch giảm 30% công suất sản xuất ô tô chạy bằng xăng tại Trung Quốc, tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Nguyên nhân được cho xuất phát từ việc doanh số bán xe Honda tại Nhật Bản giảm mạnh gây ra những thay đổi trên toàn bộ chuỗi cung ứng của Trung Quốc. “Nếu các hãng xe Nhật Bản vẫn tiếp tục kiểu thận trọng và thiếu quyết đoán trong mảng xe điện thì việc họ thất bại trên thị trường ô tô toàn cầu sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian”, giám đốc điều hành Yale Zhang của hãng tư vấn Automotive Foresight khẳng định.

Theo: Nikkei Asia, The NY Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại