Bloomberg: Chính phủ sẽ bắt đầu thoái vốn khỏi Sabeco vào quý IV

Minh Tuấn |

Các công ty và giới đầu tư đang chờ đợi Chính phủ công bố các điều khoản của việc bán cổ phần tại Sabeco.

Chính phủ Việt Nam sẽ thoái vốn khỏi Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thành nhiều đợt để đạt được giá hời nhất sau khi vốn hóa thị trường của Sabeco vượt 160.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD, Bloombergđưa tin.

Bộ Công thương đang dự kiến thực hiện đợt thoái vốn đầu tiên vào quý IV năm nay, theo những nguồn tin am hiểu cho biết.

Theo những nguồn tin ẩn danh của Bloomberg, Chính phủ dự kiến sẽ phê duyệt kế hoạch của Sabeco vào giữa tháng tới, và việc bán tiếp cổ phần nhà nước có thể diễn ra trong năm 2018.

Chủ tịch Võ Thanh Hà của Sabeco chưa có bình luận về thông tin này. Trong khi ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết Chính phủ chưa quyết định về kế hoạch bán cổ phần của Sabeco và từ chối bình luận về việc bán cổ phần theo từng đợt.

Một số nhà phân tích được Bloomberg gần lời cho biết việc bán theo từng giai đoạn là một cách để Chính phủ đạt được "giá trị tối đa" và dựa trên thực tế nhu cầu tiêu thụ bia sẽ còn tăng.

“Bất kì ai mua đợt đầu tiên sẽ trả giá rất cao”, Javier Gonzalez Lastra, một nhà phân tích tại Berenberg có trụ sở tại London, nhận định.

“Bạn sẽ rất muốn trả một khoản chênh lệch lớn so với giá thị trường chỉ để được ưu tiên đứng đầu hàng, và nếu bạn mua được cổ phiếu trong đợt đầu tiên và thứ hai, không có ai sẽ đến và trả giá cao hơn bạn trong đợt thứ ba chỉ để mua cổ phần thiểu số", Lastra phân tích.

Trong số những hãng bia nước ngoài ngỏ ý muốn đầu tư vào Sabeco, xuất hiện những cái tên lớn như Heineken, Anheuser-Busch InBev và Asahi Group Holdings. Mới gây, hãng bia lớn nhất của Úc cũng bày tỏ quan tâm tới cổ phiếu của Sabeco và Habeco.

Theo thống kê của Euromonitor, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và cơ cấu dân số trẻ tại Việt Nam đã đẩy nhu cầu tiêu thụ bia tăng 300% từ năm 2002 tới nay.

Thomas Jastrzab, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence ở Hồng Kông, cho biết sở dĩ Việt Nam thực hiện bán từng phần là do tin rằng nhu cầu tiêu thụ bia sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Định giá cao

Giá cổ phiếu Sabeco (mã SAB) đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi lên sàn tháng 12 năm ngoái do kỳ vọng về nhà nước sớm thoái vốn.

Chỉ số P/E của cổ phiếu này hiện lên tới 36 lần, cao hơn nhiều so với mức 20 lần của Carlsberg A/S, hãng bia Đan Mạch sở hữu cổ phần tại CTCP Bia Rượu Hà Nội (Habeco). Trong khi đó, P/E của Heineken là 25 lần và của Asahi Group là 22 lần.

Một chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB cho rằng giá cổ phiếu SAB hiện khá cao vì thị trường bia Việt Nam dự kiến chỉ tăng trưởng 6% trong năm nay. Tuy vậy, cổ phiếu này vẫn hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là các công ty Nhật Bản, do lãi suất ở quê nhà hiện ở mức âm.

Rủi ro

Theo Jastrzab, rủi ro của việc bán cổ phần của Sabeco trong nhiều đợt sẽ là khả năng nhu cầu bia của Việt Nam sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến đợt bán tiếp theo.

Theo Euromonitor, lượng tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 40,6 lít trong năm nay, giúp khiến Việt Nam giữ vững ngôi tiêu thụ bia nhiều nhất ở Đông Nam Á.

Heineken và Carlsberg là hai hãng bia tích cực tranh giành thị phần tại Việt Nam, giữa lúc các nhà sản xuất bia quốc tế muốn mở rộng sự hiện diện ở châu Á thông qua làn sóng mua lại.

Anheuser-Busch InBev đã mua công ty đồ uống Oriental Brewery Co. của Hàn Quốc với giá 5,8 tỷ USD vào năm 2014, sau khi Heineken mua hãng bia Asia Pacific Breweries của Singapore trước đó 2 năm.

Yeongmin Gil, Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư Hàn Quốc Shin & Kim tại TP.HCM cho rằng, để tối đa hoá giá trị của Sabeco, bên bán sẽ phải trao đặc quyền mua cổ phần còn lại cho người mua đợt đầu. Nếu không được quyền mua đa số cổ phần tại Sabeco, các nhà đầu tư có thể sẽ từ bỏ thương vụ.

Các công ty và giới đầu tư đang chờ đợi Chính phủ công bố các điều khoản của việc bán cổ phần tại Sabeco.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại