*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới trong ngày có gì?
Cả Philippines và Ấn Độ đều có sự cạnh tranh với Trung Quốc, nên thời gian tới Brahmos sẽ xuất hiện thường xuyên hơn ở Himalaya với trường hợp Ấn Độ, và Biển Đông với Philippines.
Thông tin Ấn Độ bán cho Philipines tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos đánh dấu một bước ngoặt mang tính chiến lược, khi New Delhi đang có những ảnh hưởng nhất định đến các tranh chấp ở khu vực Biển Đông và Manila có được một trong những hệ thống tên lửa tấn công đầu tiên.
Tuy nhiên khi đánh giá kĩ hơn, khó có khả năng tên lửa Brahmos sẽ thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc gần đây đã thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân trên biển và đất liền trong vài năm gần đây.
Thoả thuận quốc phòng trị giá 375 triệu USD, tuy nhiên, có vẻ như chỉ là sự khởi đầu của tiến trình Ấn Độ dần trở thành nhà cung cấp vũ khí quốc phòng và đối tác chiến lược của các nước Đông Nam Á- từ Philippines cho tới Indonesia.
Bên cạnh đó, thoả thuận Brahmos cũng sẽ đóng vai trò như một bàn đạp để Bộ tứ Kim cương (Quad), gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc tăng cường năng lực phòng ngự của những quốc gia nhỏ hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Giữa căng thẳng với Nga leo thang, Ukraine ra thông báo đã tiến hành thử nghiệm các hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 Grad gần bán đảo Crimea, theo Tiền phong.
Ngày 22/1, các quan chức quân đội Ukraine cho biết đã chuyển vũ khí đến Kherson Oblast, sát bán đảo Crimea.
Theo tuyên bố của quân đội Ukraine, các hệ thống tên lửa đã hoàn thành cuộc thử nghiệm.
Hệ thống Grad do Liên Xô thiết kế, được đưa vào biên chế từ năm 1963 và sử dụng chiến đấu lần đầu tiên vào năm 1969 trong cuộc xung đột biên giới Trung-Xô. Một bệ phóng tên lửa gắn trên xe tải có khả năng bắn nhiều loạt tên lửa.
Trước đó, ngày 13/1, quân đội Ukraine thông báo đã tiến hành các cuộc tập trận tên lửa 9K33 Osa, hệ thống phòng không tầm thấp do Liên Xô phát triển vào những năm 1960.
Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Ukraine và Mỹ lo ngại Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định việc di chuyển quân của Nga được tiến hành trong lãnh thổ nước này và không có ý định gây hấn với quốc gia láng giềng.
Tuần này, Nga thông báo đã điều động binh sĩ và các thiết bị quân sự, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không S-400 , tới Belarus để tham gia cuộc tập trận chung.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Moscow chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng.
Ngày 23/1/2022, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới sơn môn, cộng đồng Phật tử Việt Nam ở trong, ngoài nước và pháp quyến của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, có nhiều đóng góp trong giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hoá Việt Nam trên thế giới. Thiền sư viên tịch là tổn thất của cộng đồng Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng."
Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine , nhiều người dân cho biết họ hy vọng điều tốt nhất nhưng sẽ chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, trong bối cảnh Nga được cho đã điều hàng chục nghìn binh lính đến gần biên giới Ukraine trong khi các cuộc đàm phán ngoại giao không đạt được đột phá.
Kharkiv là thành phố công nghiệp ở miền đông Ukraine, nơi có các nhà máy chế tạo xe tăng, máy bay và máy kéo, nằm cách biên giới Nga 42 km. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã xác định đây có thể là mục tiêu tấn công của Nga.
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch tấn công Ukraine nhưng thúc giục phương Tây đảm bảo an ninh, bao gồm cả việc ngăn chặn Ukraine gia nhập liên minh NATO.
Thị trưởng Kharkiv Igor Terekhov chia sẻ, thành phố 1,4 triệu dân sẽ "bình tĩnh và tự chủ" và không ai có thể chiếm đóng nơi này. Một số cư dân cho biết họ sẽ ở lại và chiến đấu trong khi nhiều người khác nói rằng, họ có thể sẽ rời đi.
"Tôi không nhất thiết phải ở yên một chỗ, nếu có chuyện gì xảy ra - tôi có thể làm việc từ xa", Giám đốc dự án Daniella Shatokhina cho biết. "Tôi đang cố gắng không nghĩ về điều đó. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn, tôi hy vọng những điều tốt nhất. Tốt hơn hết là đừng hoảng sợ trước khi điều đó xảy ra...".
Mọi người tham gia diễn tập quân sự tại Kharkiv, Ukraine ngày 11/12/2021. Ảnh: Reuters
Một người dân khác, Trợ lý giám đốc thương hiệu Anya Vergeles so sánh tình hình hiện nay với năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
"Không ai nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra với Crimea. Không ai có thể tưởng tượng được điều đó. Tôi không muốn tin vào điều đó, nhưng chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, "cô nói.
Trong khi Giám đốc kinh doanh Oleksiy Kormylets cho biết, ông sẽ không rời Kharkiv cho dù có chuyện gì xảy ra.
Giám đốc kinh doanh Oleksiy Kormylets cho biết ông sẽ không rời Kharkiv cho dù có chuyện gì xảy ra.
"Chạy ư? Không không đời nào! Tôi đã sinh ra ở đây. Tôi lớn lên ở đây. Tôi sẽ ở lại dù có chuyện gì xảy ra. Và nếu phải tham gia phòng thủ thành phố, tôi sẽ làm điều đó", anh nói.
Tình hình biên giới Ukraine-Nga đang dần leo thang căng thẳng trong những ngày gần đây. Trước cáo buộc Nga điều quân tới biên giới với Ukraine, Mỹ đã liên tục cung cấp vũ khí cho nước này. Mới nhất, Mỹ đã viện trợ khoảng 90 tấn hàng, bao gồm vũ khí nhằm giúp Ukraine nâng cao năng lực phòng thủ nơi tiền tuyến.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul đã từ chối nhận quà Tết Nguyên đán của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì cho rằng hộp quà mang hình ảnh nhạy cảm gây tranh cãi: Đảo Dokdo/Takeshima - nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Trước đó, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã gửi một hộp quà gồm rượu truyền thống và các kỷ niệm phẩm khác tới Đại sứ Koichi Aiboshi và các đại sứ nước ngoài khác tại Seoul để chúc mừng Tết Nguyên.
Hình ảnh đảo gây tranh cãi in trên hộp quả của TT Hàn Quốc.
Nhưng vào ngày 21/1, Đại sứ quán Nhật Bản đã trả lại món quà vì hộp quà có hình minh họa giống với hình ảnh của Dokdo/Takeshima - hiện do Hàn Quốc kiểm soát.
Phía Nhật Bản đã đệ đơn phản đối lên chính phủ Hàn Quốc, tuyên bố rằng đảo Dokdo/Takeshima là một phần lãnh thổ Nhật Bản cả về lịch sử và theo luật pháp quốc tế, do đó, món quà đó hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, một cá nhân thân chính phủ Hàn Quốc khẳng định rằng "Dokdo/Takeshima là một phần không thể tách rời của Hàn Quốc về lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế".
Văn phòng tổng thống chưa đưa ra bình luận cụ thể về vấn đề này.
Được biết, 15.000 phần quà đã được gửi tới các đại sứ quán, nhân viên y tế, nhân viên truyền thông trong và ngoài Hàn Quốc.
Bắc Kinh đã trừng phạt 100 quan chức và giám đốc doanh nghiệp vì thiếu trách nhiệm trong trận lũ lụt thảm khốc xảy ra ở tỉnh Hà Nam, khiến hàng trăm người chết vào tháng 7-2021.
Quốc vụ viện Trung Quốc đăng tuyên bố cho biết họ đã xem xét cuộc điều tra về thảm họa và xác định rằng một số quan chức, chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương đã "phạm tội cẩu thả, vô trách nhiệm".
Quốc vụ viện Trung Quốc nói rằng các quan chức thành phố "cố tình cản trở" và không báo cáo tới 139 trường hợp. Giới chức thành phố lẽ ra phải cập nhật số người chết hàng ngày nhưng "che giấu hoặc trì hoãn báo cáo những người thiệt mạng và mất tích trong thảm họa".
Bí thư thành ủy Hứa Lập Nghị và Phó bí thư thành ủy Ngô Phúc Dân của TP Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) đã bị cách chức.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Vào sáng 23/1, ba làng Opympic mùa đông Bắc Kinh gồm Làng Olympic Bắc Kinh, Làng Olympic khu thi đấu Diên Khánh, Làng Olympic khu thi đấu Trương Gia Khẩu chính thức đón những đoàn đại biểu đầu tiên.
Đoàn đại biểu đầu tiên được vào làng là nhóm nhân viên tiền trạm của đoàn đại biểu Trung Quốc.
Theo thủ tục liên quan của Olympic mùa đông Bắc Kinh, thời gian tiền khai trương làng là từ 23-27/1. Mặc dù Trung Quốc là chủ nhà của đại hội thể thao lần này nhưng đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn giống như các đoàn tham dự khác, hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết mới được vào làng.
Các thành viên đoàn Trung Quốc vào làng hôm nay chủ yếu là các nhân viên cấp cao, những người cung cấp dịch vụ và hỗ trợ hậu cần.
Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục của Làng Olympic đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng đón đoàn thể thao các nước tham dự.
Trung Quốc dự kiến sẽ mang mang sắc Trung Quốc đến từng ngóc ngách các làng vận động viên nhằm tôn vinh văn hóa quốc gia.
Nhà triển lãm Văn hóa Trung Quốc ở Trương Gia Khẩu.
Ví dụ, Nhà triển lãm Văn hóa Trung Quốc là một điểm nhấn của Làng Olympic Trương Gia Khẩu, nơi thể hiện "khái niệm hài hòa" của văn hóa Trung Quốc. Đồ đạc trong nhà và những bức tranh nghệ thuật dân gian treo trên tường khiến mọi người cảm thấy yên bình và đậm chất lễ hội, hơi thở mùa xuân. Có hơn 30 đặc sản văn hóa của Hà Bắc, như phiên bản thu nhỏ của danh lam thắng cảnh Đại Cảnh Môn, tranh cắt giấy huyện Úy, múa rối bóng Đường Sơn v.v...
Các vận động viên đến từ các quốc gia và khu vực khác nhau có thể đến phòng triển lãm này để tìm hiểu những nét đặc sắc của Hà Bắc và trải nghiệm văn hóa Trung Quốc..
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ không có kế hoạch sơ tán công dân Mỹ khỏi Ukraine trong thời điểm hiện tại.
"Hiện tại, các chuyến bay thương mại vẫn có sẵn để khởi hành", quan chức Mỹ nói với AFP.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép sơ tán tất cả nhân viên không thiết yếu và thân nhân giữa lúc căng thẳng ở Ukraine leo thang.
Tờ The Irish Examiner đã tổ chức cuộc thi ảnh đẹp dành cho các độc giả nhằm giúp độc giả lắng lòng, hòa quyện vào thiên nhiên tươi đẹp, dẹp bỏ muộn phiền do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Người chiến thắng năm nay là ôn Donagh Cronin, đến từ Fermoy, County Cork với bức ảnh mang tên Great Saltee, nơi làm tổ của những con cá chim biển đói mồi.
Bức ảnh đoạt giải nhất của tờ The Irish Examiner.
Một số ảnh đoạt giải khác của tờ The Irish Examiner:
Tham gia Hội nghị tổng kết hai năm nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực 2020-2021 của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã có nhiều chia sẻ thú vị.
Ông cho biết, không phải nước nào cũng mặn mà với việc tham gia HĐBA vì cho rằng không có lợi ích cho họ trong đó, nhưng kinh nghiệm vừa qua cho thấy Việt Nam cần tiếp tục tham gia lần thứ 3 trong vòng 10 năm tới.
Đại sứ Đặng Đình Quý.
"Cảm nhận chung của các thành viên trong phái đoàn sau 2 năm công tác là các nước lớn nể trọng Việt Nam hơn, các bạn bè đối tác quý Việt Nam hơn", Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ.
Ông cho biết thêm, trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ vị thế của thành viên HĐBA. "Các ứng cử của Việt Nam đều đạt số phiếu cao, các sáng kiến của chúng ta đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và nhanh chóng của các nước", ông nói.
Đại sứ Quý cho rằng, việc trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA với 192 lá chứng tỏ sự đánh giá cao của thế giới giành cho Việt Nam nhưng đây cũng là trách nhiệm nặng nề.
"Chúng ta nhận được 192 lá phiếu bầu, cũng là 192 lá phiếu trao trách nhiệmông Quý nói. Làm việc ở HĐBA là làm việc với các nước lớn và các nước đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải đại diện cho lợi ích của đa số các nước vừa và nhỏ”.
Du khách đến Campuchia và các bệnh nhân trong nước nhiễm biến thể Omicron không cần phải điều trị tại bệnh viện. Tuyên bố trên được Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra vào đêm muộn 21/1 và có hiệu lực ngay lập tức.
Theo đó, các trường hợp nhập cảnh vào Campuchia bị nhiễm biến thể Omicron có thể chọn khách sạn, Đại sứ quán hoặc bất cứ nơi nào họ đăng ký để cách ly và tự điều trị, đối với các trường hợp trong nước thì có thể tự cách ly và điều trị tại nhà.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 44 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó 28 trường hợp nhập cảnh và 16 trường hợp trong cộng đồng, nâng tổng số mắc biến thể Omicron lên 559 trường hợp. Đây là con số kỷ lục mới về các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại Campuchia tính từ khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên vào ngày 8/1.
Chia sẻ với truyền thông, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, bà buộc phải hủy đám cưới của mình với người bạn đời Clarke Gayford do nước này thắt chặt các hạn chế sự lân lan của Covid-19 trước sự bùng phát của biến thể Omicron.
"Đám cưới của tôi sẽ không được tiến hành," bà xác nhận sau khi nói chi tiết về những hạn chế mới; bao gồm quy định giới hạn 100 người đã tiêm chủng đầy đủ tại các sự kiện.
Thủ tướng New Zealand tạm dừng lễ cưới vì COVID-19.
"Cuộc sống là như vậy," bà Ardern nói khi được hỏi về cảm nhận khi phải hủy lễ cưới. "Tôi cũng như hàng nghìn người New Zealand khác, những người đã phải chịu những tác động tàn khốc hơn nhiều do đại dịch, điều đau đớn nhất trong số đó là việc không thể ở bên người thân khi họ ốm nặng. Điều đó lớn hơn bất kỳ nỗi buồn nào mà tôi trải qua".
New Zealand đã phát hiện 15.104 trường hợp nhiễm Covid-19 và ghi nhận 52 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các hạn chế mới sẽ được duy trì cho đến ít nhất là cuối tháng sau.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt kiều bào tham dự Xuân Quê hương năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, luôn đặt ra trách nhiệm và sẽ có giải pháp để làm cho "đường về quê gần hơn" với kiều bào, gồm các chính sách căn cơ hơn để chăm lo, hỗ trợ và huy động trí tuệ, nguồn lực của bà con cho sự nghiệp phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, cả các giải pháp trước mắt cần làm ngay như sớm mở lại các đường bay thương mại.
Chia sẻ với rất nhiều kiều bào khát khao nhưng chưa được về quê do tác động của đại dịch, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ và luôn đặt ra trách nhiệm để đưa "đường về quê gần hơn" với kiều bào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Khi xa Tổ quốc, chúng ta luôn đau đáu tiếng gọi nơi chôn rau cắt rốn, tiếng gọi của mẹ cha, tiếng gọi của những kỷ niệm, của những bữa cơm đạm bạc, của tiếng ve, tiếng dế, của đường làng, góc phố, những nếp nhà thân thương, những gian nan, vất vả khi có chiến tranh, đất nước còn nghèo, của những đóng góp, cống hiến cho quê hương đất nước… dẫn lối chúng ta trỏ về quê hương. Đó là những ký ức sống mãi và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của đồng bào đang sinh sống và làm việc xa Tổ quốc. Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt dù ở đâu trên trái đất này, "Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi", Thủ tướng xúc động bày tỏ.
Chia sẻ với rất nhiều kiều bào khát khao nhưng chưa được về quê do tác động của đại dịch, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ và luôn đặt ra trách nhiệm để đưa "đường về quê gần hơn", để quê hương thật sự là "chùm khế ngọt", là nhà, là nơi quy tụ mọi giá trị truyền thống, trí tuệ, tấm lòng, khát vọng, tôn trọng sự khác biệt… để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, để chúng ta tự hào là người Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) ngày 21/1 chỉ định dòng phụ của biến thể Omicron có tên BA.2 là "Biến thể đang được điều tra", sau khi phát hiện nguy cơ lây lan nhanh chóng của dòng này.
Đến thời điểm hiện tại, Anh đã giải trình tự gien 426 trường hợp nhiễm dòng biến thể BA.2. UKHSA cho biết dù còn nhiều điều cần phải nghiên cứu, nhưng phân tích ban đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng của dòng BA.2 đã tăng lên so với dòng Omicron nguyên bản là BA.1.
Ít nhất 40 quốc gia đã phát hiện ca nhiễm dòng biến thể BA.2 và báo cáo trình tự gien lên cơ sở dữ liệu chung, trong đó nhiều nhất là ở Đan Mạch, Ấn Độ, Anh, Thuỵ Điển và Singapore.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và ấm, đợt mưa và tuyết có phạm vi lớn nhất đã xảy ra ở miền Trung và miền Đông Trung Quốc. Từ ngày 22-24/1, mưa và tuyết trên diện rộng xảy ra ở cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và các khu vực miền Trung và miền Đông nước này.
Theo ông Mã Học Khoản, chuyên gia dự báo thời tiết Đài khí tượng Trung Quốc, kiểu thời tiết này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nước này bắt đầu bước vào kỳ xuân vận 2022.
Trong điều kiện thời tiết có tuyết, mặt đường trơn trượt, nhiệt độ bề mặt thấp dễ gây tích tụ tuyết và đóng băng mặt đường ảnh hưởng xấu đến giao thông và truyền tải điện.
Ngoài ra, thời tiết xấu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đô thị và công tác phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Bắc Kinh chìm trong tuyết đầu mùa. Ảnh: Xinhua
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Séc Jan Lipavsky hôm qua cho biết, Cộng hòa Séc đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất ở Ukraine và sẵn sàng ủng hộ các biện pháp trừng phạt có thể đối với Nga.
Theo Bộ trưởng Jan Lipavsky, khả năng một cuộc tấn công quân sự của Nga vào phần phía đông Ukraine sẽ là tình huống xấu nhất. Ông cũng không loại trừ cuộc tấn công có thể đến từ Crimea và Belarus. Đó là một viễn cảnh không ai mong muốn và các nhà ngoại giao đang cố gắng tránh để nó xảy ra. Tuy nhiên, Séc vẫn sẵn sàng phản ứng cho mọi tình huống.
Ông Jan Lipavsky cũng cho biết, tình hình vẫn chưa đến giai đoạn mà chính phủ cần phải tổ chức cuộc họp bất thường, nhưng trong cuộc họp gần nhất, các Bộ trưởng đã được thông báo về tình hình xung quanh Ukraine.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horn gọi kế hoạch được cho là "cài cắm một lãnh đạo thân Nga ở Ukraine là rất lo ngại".
Trước đó, Người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Vương quốc Anh tiết lộ, họ có thông tin cho thấy chính phủ Nga đang tìm cách cài cắm một nhà lãnh đạo thân Nga ở Ukraine.
Người phát ngôn này nói: "Chúng tôi có thông tin cho thấy Chính phủ Nga đang tìm cách cài cắm một nhà lãnh đạo thân Nga ở Kiev trong động thái cân nhắc liệu có xâm lược và chiếm đóng Ukraine hay không. Cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev đang được coi là một ứng cử viên tiềm năng".
Hiện phía Nga chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc trên.
Đại sứ quán Mỹ tại Ukranie cho biết, chuyến hàng viện trợ đầu tiên vừa được Tổng thống Joe Biden phê duyệt đã đến Ukraine vào tối 21/1.
Lô hàng này nặng khoảng gần 200.000 pound (khoảng 90 tấn) hàng viện trợ gây chết người, bao gồm đạn dược và vũ khí cho lực lượng tiền tuyến.
"Lô hàng - và 2,7 tỷ USD kể từ năm 2014 - thể hiện cam kết của Mỹ trong việc giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình khi đối mặt với sự gia tăng gây hấn của Nga", Đại sứ quán Mỹ thông báo.
Hàng viện trợ Mỹ đến Ukraine. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình biên giới Nga-Ukraine gia tăng căng thẳng với nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh sơ tán khẩn gia đình nhân viên Đại sứ quán ở Ukraine, bắt đầu từ ngay thứ Hai, đồng thời, phía Mỹ dự kiến sẽ ra khuyến cáo, khuyến khích người Mỹ bắt đầu rời khỏi Ukraine bằng các chuyến bay thương mại trong khi còn có thể.