*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới hiện tại vẫn là Mỹ.
Chuyên gia về các bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan hôm thứ Sáu cho biết, nước này có thể đạt miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 vào cuối năm nay nếu 80% dân số được tiêm vaccine đầy đủ.
Ông Zhong Nanshan. Ảnh: SCMP.
Ông cho biết trong khi vaccine Covid-19, bao gồm cả vaccine của Trung Quốc, giảm tác dụng sau 6 tháng kể từ mũi đầu tiên, miễn dịch cộng đồng vẫn có thể đạt được với mũi tiêm tăng cường.
"Ở thời điểm này, chúng tôi tin rằng mũi tăng cường có thể làm tăng lên tính hiệu quả của vaccine và ước tính hơn 80% dân số sẽ được tiêm vaccine vào cuối năm nay. Vì thế, chúng tôi hy vọng có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào thời điểm đó", ông Zhong nói trong một hội nghị giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập.
Dự báo này được dựa trên số liệu vaccine Trung Quốc có hiệu quả khoảng 70%,mông nói thêm
Ông Zhong cũng trích dẫn một nghiên cứu tiếp theo về các quá trình thử nghiệm ban đầu của Sinovac cho thấy, kháng thể trung hòa ở những người được tiêm mũi thứ 3 tăng 20 lần, 9 tháng sau liều thứ 2. Ở người cao tuổi kháng thể trung hòa tăng lên 30 lần.
Uỷ ban châu Âu (EC) đã phải lên tiếng giải thích sau khi nhiều chuyên gia lo ngại việc châu Âu nhập khẩu vắc-xin ngừa COVID-19 Johnson&Johnson (J&J) từ Nam Phi sẽ làm hao hụt nguồn cung vắc-xin ở châu Phi.
Ảnh minh hoạ: Reuters.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên của EC cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thoả thuận với Nam Phi về việc cung cấp vắc-xin J&J, sau khi một số vấn đề xảy ra tại xưởng sản xuất Mỹ - Emergent BioSolutions - làm ảnh hưởng đến nguồn cung vắc-xin cho EU.
Theo EC, công ty Aspen Pharmacare của Nam Phi sẽ gia công đóng ống và chuyển vắc-xin sang châu Âu để đảm bảo nguồn cung cho chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, EU khẳng định thoả thuận sẽ không kéo dài quá tháng Chín, khi tất cả hoạt động đóng ống vắc-xin sẽ được chuyển sang một nhà máy khác của J&J ở Leiden (Hà Lan).
Theo RT, hiện chưa rõ EU định làm gì với số vắc-xin do Nam Phi cung cấp. Công ty Aspen ở Nam Phi dường như không được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) liệt vào danh sách nơi sản xuất đã được phê duyệt đối với vắc xin J&J, có nghĩa là các mũi tiêm này không thể được sử dụng ở EU.
Vắc-xin J&J có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số các loại vắc-xin được chấp thuận sử dụng ở EU. Theo số liệu thống kê, khoảng 12,9 triệu liều J&J đã phân phối, nhưng mới chỉ có khoảng 60% số này được đưa vào sử dụng.
Hôm thứ Tư, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông "choáng váng" trước thông tin EU đang nhập vắc-xin từ châu Phi.
Ông Tedros từng nhiều lần kêu gọi chính phủ các nước giàu đảm bảo phân phối công bằng vắc-xin COVID-19 cho những nước nghèo hơn, đặc biệt là các quốc gia châu Phi - nơi tỉ lệ bao phủ vắc-xin đặc biệt thấp so với toàn cầu.
Cảnh sát Jakarta tuần trước tuyên bố thủ đô Indonesia đã đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi 95% cư dân thủ đô được tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia nước này cho rằng đây là giấc mơ “viển vông”, dịch tại đây thậm chí còn tệ hơn với sự xuất hiện của biến thể Delta.
Nhà dịch tễ học người Indonesia từ Đại học Griffith, Australia, ông Dicky Budiman giải thích, việc “đạt miễn dịch cộng đồng là không dễ dàng và không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Không nên tạo ra các hi vọng giả về khả năng miễn dịch cộng đồng cho người dân”.
Thủ đô Jakarta của Indonesia áp dụng giới hạn hoạt động cộng đồng cấp cao nhất. Ảnh: VOV-Jakarta.
Theo nhà dịch tễ học này, hiện tại, tỷ lệ lây truyền biến thể Delta ở Jakarta vẫn ở mức cao do đó các quan chức phải cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin. Không có vaccine nào có hiệu quả 100%, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm các ca mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong và gánh nặng cho nhân viên y tế, trong khi ở Jakarta, đại dịch vẫn đang kéo dài và nguy hiểm. Những tuyên bố này sẽ gây ra tâm lý chủ quan trong người dân.
Cho đến nay, không có quốc gia nào báo cáo về khả năng miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều ca mắc biến thể Delta ở một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ, nơi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt tới 70%. Do đó, giấc mơ đạt miễn dịch cộng đồng ở Jakarta là điều "hão huyền". Theo nhà dịch tễ học Dicky Budiman, trọng tâm hiện tại của chính phủ là truy vết, xét nghiệm và điều trị trong khi chờ đợi sự phát triển của vaccine Covid-19 trong tương lai.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ngày 20/8, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo kết quả khả quan trong thử nghiệm thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19 của hãng này.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo AstraZeneca, thuốc AZD7442, được bào chế kết hợp từ 2 kháng thể, ban đầu được phát triển để điều trị cho những người mắc COVID-19. Nhưng kết quả thử nghiệm mới đối với 5.197 người không mắc COVID-19 cho thấy thuốc đã giúp giảm 77% nguy cơ phát triển bệnh có triệu chứng và không có trường hợp nào nghiêm trọng.
Theo chuyên gia Myron Levin, 1 liều thuốc AZD7442 có thể ngăn chặn nhanh chóng và hiệu quả các triệu chứng của bệnh. Với kết quả thử nghiệm trên, AZD7442 có thể là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Thuốc AZD7442 được kỳ vọng có thể sử dụng song song với vaccine ngừa COVID-19 cho những người cần được bảo vệ nhiều hơn, với thời gian bảo vệ lên đến 12 tháng. Tham gia thử nghiệm trên là những người trưởng thành không dung nạp vaccine hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho chương trình phát triển thuốc AZD7442 và đã đạt thỏa thuận sẽ nhận được 700.000 liều thuốc này. Dự kiến, AstraZeneca sẽ gửi dữ liệu cho các cơ quan y tế để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc phê duyệt có điều kiện loại thuốc này.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chiều 19/8 chia sẻ một số thông tin về tình hình cung ứng vaccine tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông cho hay, Bộ Y tế đang nỗ lực tối đa để đưa vaccine về Việt Nam sớm nhất, nhiều nhất. Dự kiến trong tháng 8 và 9, Việt Nam có thêm khoảng 20 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Trong quý IV năm nay, lượng vaccine tiếp nhận có thể nhiều hơn, từ 20 đến 50 triệu liều/tháng.
"Chúng tôi hi vọng từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ bao phủ được vaccine Covid-19 cho 75% dân số", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Trong ngày 19/8, Bộ Y tế cho biết đã có thêm 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam.
Thời gian gần đây, hàng loạt các địa phương ở Trung Quốc đã ban hành văn bản liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm nghiêm khắc với những người chưa tiêm vaccine nếu để lây Covid-19.
Bên cạnh việc khuyến khích người dân tiêm chủng, nhiều địa phương ở các tỉnh như Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Quảng Tây... của Trung Quốc mới đây đã ban hành các văn bản liên quan đến việc cấm người chưa tiêm chủng đến nơi công cộng hoặc chốn đông người, hay truy cứu trách nhiệm theo pháp luật những trường hợp chưa tiêm chủng gây lây lan Covid-19 và hạ tín nhiệm cá nhân của những người không tiêm không có lý do chính đáng.
Thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, miền Đông Nam Trung Quốc nêu rõ, từ 19/8, việc kiểm tra cùng lúc "hai mã" gồm mã sức khỏe và chứng nhận tiêm chủng Covid-19 sẽ được thực hiện ở những khu vực trọng điểm và nơi công cộng trong thành phố. Cán bộ công chức các cơ quan Đảng, chính quyền, đơn vị sự nghiệp..., phải hoàn thành tiêm vaccine trước cuối tháng 8, trừ phi có giấy chứng nhận chống chỉ định.
Về nguyên tắc, những người chưa tiêm vaccine không được tham gia các cuộc họp, tập huấn và giảm các hoạt động công vụ như đi công tác ngoại tỉnh. Thông báo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện nghiêm túc "trách nhiệm 5 bên" về phòng chống dịch, đối với các trường hợp gây ra các vụ lây nhiễm SARS-CoV-2 do không tiêm vaccine (trừ trường hợp chống chỉ định) sẽ bị truy cứu trách nhiệm nghiêm theo pháp luật.
Thông báo tương tự cũng được các thành phố Hợp Phì, Hoài Bắc, Trì Châu của tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc đưa ra và thời gian thực hiện cũng từ ngày 19 và 20/8.
(Ảnh: Reuters)
Bộ Y tế Iran ngày 19/8 cho biết nước này đã ghi nhận trên 100.000 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng số hơn 4 triệu ca nhiễm bệnh.
Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 tại Trung Đông, phải đối diện với làn sóng lây nhiễm thứ 5, với mức độ chết chóc mạnh hơn do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Truyền hình nhà nước Iran đưa tin tại nước này trung bình cứ 2 phút có một người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2. Giới chức chính quyền cảnh báo số ca mắc và tử vong có thể còn tănng trong tháng Lễ Muharram (Lễ đón năm mới) của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 9/8.
Trong ngày 19/8, Iran ghi nhận 31.266 can nhiễm mới và 564 ca tử vong vì COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này từ thời điểm dịch bùng phát lên lần lượt 4.587.683 ca và 100.255 ca.
Bộ Y tế Israel đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
AY3 là một trong những chủng đột biến mới của biến thể Delta , được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác. Trước đó Anh và Ấn Độ cũng đã thông báo phát hiện biến thể này.
Bộ Y tế Israel đưa tin, trước việc phát hiện chủng AY3 của biến thể Delta, Bộ này đã thông báo Quốc hội về tính nguy hiểm của chủng virus mới và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19 .
Bất chấp việc đã tiêm chủng cho khoảng 62% dân số, trong vài tuần qua, Israel đã chứng kiến tỷ lệ virus kháng vaccine ngày một tăng với hơn 6.000 ca mắc mới và đã sớm vượt mốc 500 - 600 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch mỗi ngày. Tính đến hết ngày 18/8, trên toàn quốc ghi nhận tổng số 62.163 ca nhiễm COVID-19, trong đó có đến 6.726 người tử vong.
Bộ Y tế Nhật Bản vừa quyết định sẽ hỗ trợ tài chính cho những cá nhân gặp phải các tai biến nặng mà giới chuyên gia cho rằng có liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản áp dụng hình thức hỗ trợ này dựa trên luật tiêm chủng sửa đổi.
Theo luật quy định, chính phủ được yêu cầu chi trả phí dịch vụ y tế và trợ cấp hàng tháng lên đến 37.000 yen, tương đương khoảng 340 USD cho những người bị khuyết tật hay gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác được xác định là do tác dụng phụ của việc tiêm ngừa vaccine.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chính phủ Nhật Bản hôm nay (20/8) cũng thông báo mở rộng tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 12/9, áp dụng với 13 tỉnh.
Danh sách các khu vực áp đặt tình trạng khẩn cấp hiện tại sẽ bao gồm thêm bảy tỉnh nữa gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka. Trước đó, tình trạng khẩn cấp đã được áp đặt tại thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận cũng như Osaka và Okinawa. Ngoài ra, 16 tỉnh cũng sẽ áp dụng các biện pháp bán khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chợ đen làm giả chứng nhận y tế đã xuất hiện nhiều tại Pháp sau khi chính phủ nước này yêu cầu người dân cần có chứng nhận để được tới các địa điểm công cộng.
Một "chợ đen" làm giấy chứng nhận y tế giả đã xuất hiện trên Snapchat - mạng xã hội cho thiết bị di động. Nhiều tài khoản trên ứng dụng mạng xã hội này đã công khai quảng cáo nhận làm giấy tờ giả.
Ngoài Snapchat, những người có nhu cầu cũng có thể tìm thấy quảng cáo trên Facebook. Giá của tờ giấy chứng nhận giả này dao động từ 140 đến 350 euro.
Vì giấy chứng nhận y tế tại Pháp đều có mã QR nên những đối tượng này phải cấu kết với nhân viên y tế hoặc xâm nhập trái phép hệ thống dữ liệu để tạo giấy chứng nhận.
Theo luật của Pháp, đối tượng làm giả giấy chứng nhận y tế sẽ đối mặt với mức án phạt 5 năm tù giam cũng như chịu phạt tối đa lên tới 150.000 euro. Những người sử dụng giấy tờ giả cũng có thể phải ngồi tù tới 3 năm.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hôm nay (20/8), giới chức y tế Thái Lan công bố 19.851 ca mắc mới Covid-19 và 240 ca tử vong do dịch bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca Covid-19 ở quốc gia này vượt ngưỡng 1 triệu.
Trong số ca mắc mới được công bố ngày 20/8 ở Thái Lan, có 19.526 ca trong cộng đồng và 325 trường hợp trong các trại giam của Thái Lan. Số bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh đang có dấu hiệu tích cực, cao hơn số nhiễm mới trong ngày. Trong 24 giờ qua, Thái Lan đã có 20.478 bệnh nhân Covid-19 hồi phục và xuất viện.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, Thái Lan đã có 1 triệu 9.710 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 795.805 trường hợp đã khỏi bệnh và 8.826 người tử vong.
Về vaccine phòng ngừa Covid-19, bên cạnh việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, Thái Lan đang phát triển 4 loại vaccine nội địa. Theo Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham, trưởng nhóm nghiên cứu vaccine thuộc Khoa Y của Đại học Chulalongkorn, nếu muốn hoàn thành phát triển các loại vaccine để có thể tiêm cho người dân trước Tết cổ truyền Songkran vào tháng 4/2022, thì chính phủ nên thành lập một quỹ để cung cấp ít nhất 3 tỷ bạt (khoảng 90 triệu USD) cho mỗi chương trình nghiên cứu vaccine nội địa.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Nằm trong chuỗi các hoạt động của các địa phương ở Đức ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngày 19/8 tại Berlin, chính quyền thành phố này đã trao tặng Việt Nam 30.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19.
Ông Christian Rickerts - Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế bang Berlin, đại diện cho chính quyền thủ đô Berlin trao tặng kit xét nghiệm cho Đại sứ Nguyễn Minh Vũ.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại buổi lễ trao tặng, ông Christian Rickerts, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế bang Berlin - đại diện cho chính quyền thành phố, đã trao tặng tượng trưng số kit xét nghiệm trên cho Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Trước đó, toàn bộ số hàng này đã được đưa đến sân bay Frankfurt để chuyển về Việt Nam theo đường hàng không. Phát biểu tại lễ trao tặng, Quốc vụ khanh Christian Rickerts chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo ông, từ lâu Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu trong việc phòng chống đại dịch và đã khống chế thành công trong thời gian dài. Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh của biến thể Delta- loại biến thể rất dễ lây lan và rất nguy hiểm. Số kit xét nghiệm mà chính quyền và nhân dân Berlin dành tặng cho Việt Nam là nhằm thể hiện tình đoàn kết quốc tế với Việt Nam trong cuộc chiến gay go, phức tạp này. Đây cũng là lời tri ân gửi tới Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Đức đã quyên góp, ủng hộ Berlin khẩu trang và các loại hàng hóa khác để phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua.
Quốc vụ khanh Christian Rickerts cũng cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức trong khu vực Đông Nam Á. Nước Đức nói chung, thành phố Berlin nói riêng mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, vì lợi ích chung của hai bên.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ gửi lời cảm ơn chân thành tới chính quyền và nhân dân thủ đô Berlin cũng như các bang khác đã tích cực hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua. Đại sứ cũng thông tin đến Quốc vụ khanh Christian Rickerts về tình hình dịch bệnh của Việt Nam hiện tại và cho biết Việt Nam đang hết sức nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chống dịch.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Trong vòng 1 tuần tính đến hết ngày 18/8, Mỹ ghi nhận 5.742 ca tử vong, gần gấp đôi con số của 2 tuần trước đó. 10.991 người Mỹ đã chết vì Covid-19 trong 18 ngày đầu tháng 8, nhiều hơn tổng số ca tử vong trong cả tháng 6 hoặc tháng 7.
Gần 2,2 triệu người Mỹ mắc Covid-19 trong 18 ngày này đã khiến nó trở thành tháng tồi tệ thứ 5 trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ với số ca mắc tăng ở 44 bang. Theo dữ liệu từ New York Times, trong khi số ca mắc tăng thêm 47% trong 2 tuần qua thì số ca tử vong tăng hơn gấp đôi. Với tốc độ này, cứ 1 giờ thì có 34 người Mỹ tử vong vì Covid-19.
Số ca mắc hàng ngày ở Mỹ đã vượt 150.000 ca trên toàn quốc, bằng một nửa so với thời điểm tồi tệ nhất trong đại dịch hồi tháng 1, trong khi số ca tử vong trung bình hàng tuần là 800 ca/ngày, bằng 1/4 so với con số của thời điểm đó./.
Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển loại vaccine COVID-19 phổ quát nhằm đối phó với các biến thể virus nguy hiểm, và họ đang tiến gần đến một loại vaccine như vậy
Theo tờ Fortune, Liên minh Đổi mới Sẵn sàng trước dịch bệnh (CEPI) mới đây đã đồng ý cung cấp 20,6 triệu USD tài trợ cho một công ty công nghệ sinh học 6 năm tuổi có tên Gritstone, đặt trụ sở tại Emeryville, bang California (Mỹ), để giúp họ thử nghiệm một loại vaccine COVID-19 "phổ quát".
Nhân viên y tế lấy vaccine COVID-19 của Pfizer vào xi-lanh trước khi tiêm ở Emsleben, Đức. Ảnh: AP
Mới thành lập được 6 năm, Gritstone là một trong số các nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học trên khắp thế giới đang theo đuổi một loại vaccine COVID-19 phổ quát. Những đơn vị khác bao gồm công ty khởi nghiệp myNEO của Bỉ, cũng như các nhóm chuyên gia riêng biệt từ Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Mỹ), Đại học Duke và Đại học Bắc Carolina (Mỹ).
Công nghệ RNA thông tin (mRNA) của Gritstone tương tự như công nghệ được cả Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng trong vaccine COVID-19 của họ. Nhưng có một số khác biệt quan trọng: Các vaccine mRNA hiện có thúc đẩy các tế bào của cơ thể chỉ sản xuất một protein duy nhất — protein gai mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để tấn công vào các tế bào. Điều đó đã làm cho các loại vaccine hiện có này dễ tổn thương trước các đột biến ở protein gai, như đã thấy trong các biến thể mới của SARS-CoV-2, như biến thể Delta.
Một điểm khác biệt chính khác là Gritstone đang nghiên cứu việc sử dụng thứ được gọi là vaccine "mRNA tự tăng cường" (hay SAM). Trong khi vaccine mRNA hiện tại có thể thúc đẩy tế bào chỉ tạo ra một số lượng protein virus hạn chế, vaccine SAM sẽ "đánh lừa" tế bào tạo ra nhiều bản sao hơn của một loại protein cụ thể. Điều này có nghĩa là một lượng vaccine nhỏ hơn có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu tiêm liều thứ hai và tiêm nhắc lại.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Những người từng mắc SARS được tiêm vaccine ngừa Covid-19 dường như có thể chống lại tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện nay cũng như các biến thể sẽ sớm xuất hiện, một nghiên cứu mới cho hay. Các kháng thể mạnh mẽ từ những người này thậm chí có thể bảo vệ được cơ thể trước các virus corona ở những loài khác chưa lây nhiễm sang con người. Điều này có lẽ chứa đựng những manh mối về việc làm thế nào để tạo ra các loại vaccine có thể chống lại các loại virus corona có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Một đội ngũ, dẫn đầu là chuyên gia về các dịch bệnh mới xuất hiện Linfa Wang thuộc Trường Y Duke-NUS ở Singapore, đã nhận ra điều này trên 8 người từng mắc SARS gần đây được tiêm 2 mũi vaccine RNA ngừa Covid-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Campuchia đang trên đà đạt mức tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm tới nhờ thực hiện việc tiêm vắc xin Covid-19 một cách nhanh chóng và có chiến lược tốt, theo báo cáo từ một công ty tư vấn đầu tư.
"Phnom Penh được xếp nằm trong những thành phố thủ đô được tiêm vắc xin nhiều nhất trên thế giới, với mức khoảng 99% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ", công ty Mekong Strategic Partners cho hay trong báo cáo mới, theo tờ Khmer Times hôm nay 19.8.
Campuchia đang hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 trước 8 tháng và trước 12 tháng so với các nước láng giềng. "Campuchia hiện là một trong số nước đầu tiên trên thế giới tiến hành việc tiêm liều bổ sung và tiêm vắc xin [Covid-19] cho trẻ em. Bằng chứng về kinh tế rõ ràng là tỷ lệ tiêm vắc xin cao cải thiện kết quả kinh tế cũng như sức khỏe", báo cáo nhấn mạnh.
---------------
Mời quý độc giả bấm vào link dưới để đọc bài đầy đủ tại nguồn:
Hàng trăm người hành nghề mại dâm tại nhà thổ lớn nhất Bangladesh được tiêm vaccine Covid-19 trong đợt tiêm chủng kéo dài một ngày.
Bangladesh, một trong số ít quốc gia Hồi giáo coi mại dâm là hợp pháp, có ít nhất 11 nhà thổ hoạt động tại đất nước 169 triệu dân. Thị trấn Daulatdia ở miền tây đất nước có một nhà thổ đã hoạt động hơn một thế kỷ, nhưng sinh kế của nhiều người hành nghề mại dâm đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa và nỗi lo lây nhiễm nCoV.
Giới chức từ lâu đã cố gắng tiêm vaccine cho người hành nghề mại dâm ở đó nhưng gặp khó khăn do thiếu nguồn cung. Giới chức y tế bắt đầu tiêm mũi thứ nhất và thứ hai vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ cho gần 200 người bán dâm ở Daulatdia từ tháng hai. Nhưng họ không thể mở rộng chương trình sau khi New Delhi ngừng xuất khẩu.
Giới chức Bangladesh cho hay chương trình khởi động lại hôm 18/8, sau khi quốc gia này nhận được hàng triệu liều vaccine từ Trung Quốc và Mỹ theo sáng kiến Covax. "Hiện chúng tôi đã đủ nguồn cung", Asif Mahmud, giám đốc y tế của Daulatdia, nói.
--------------------
Mời quý độc giả bấm vào link dưới để đọc bài đầy đủ tại nguồn:
Ngày 19/8, giới chức Singapore xác nhận một công dân Anh đã bị tòa án Singapore tuyên phạt tù giam 6 tuần vì không đeo khẩu trang và gây rối trật tự công cộng.
Công dân Anh Benjamin Glynn, 40 tuổi, bị nhà chức trách Singapore bắt giữ sau khi hình ảnh người này không đeo khẩu trang trên tàu điện hồi tháng 5 vừa qua lan truyền trên mạng. Người này đã chống lại cảnh sát đến thực hiện lệnh bắt giữ, sau đó từ chối đeo khẩu trang tại tòa tháng trước. Hành vi này khiến thẩm phán quyết định cho đánh giá tâm lý của bị cáo và kết quả đánh giá không có gì bất thường.
Ngày 18/8, tòa phán quyết bị cáo vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19, cản trở cảnh sát và gây rối trật tự công cộng, với mức án tù 6 tuần, tính từ thời điểm bị cáo bị bắt là ngày 19/7. Do đã thụ án 2/3 thời gian, người này được phóng thích ngày 19/8 và sẽ bị trục xuất khỏi Singapore.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 0h00 ngày 20/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 210.546.968 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.412.529 người tử vong.
Đến thời điểm hiện tại, hơn 188,4 triệu người đã bình phục, hơn 17,5 triệu người vẫn đang được điều trị, trong đó 108.062 ca bệnh nặng.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, chiếm 1/5 số ca nhiễm (hơn 38 triệu ca) và 1/7 số ca tử vong (hơn 641.000 ca). Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã hơn 571.000 ca, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với hơn 32,3 triệu ca.
Châu Á đã vượt xa các khu vực khác về số ca nhiễm, hiện là gần 67 triệu ca. Châu Âu đứng thứ hai đang có hơn 53,7 triệu ca. Con số này của Bắc Mỹ là 45,5 triệu và Nam Mỹ là 36,4 triệu ca. Số ca tử vong của châu Á cũng đã vượt Bắc Mỹ, hiện lên tới hơn 982.000 ca trong khi Bắc Mỹ là hơn 966.000 ca. Tuy nhiên, châu Âu và Nam Mỹ đứng đầu thế giới về số ca tử vong, lần lượt là 1,15 triệu ca và 1,11 triệu ca.
Tại châu Mỹ, Argentina đã có hơn 5,1 triệu ca nhiễm, trong khi con số này của Colombia có hơn 4,8 triệu ca, Mexico là 3,1 triệu ca trong khi Peru có 2,1 triệu ca. Hãng tin CNN đã đăng phân tích mới chỉ ra phần lớn người dân Mỹ sinh sống tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong đặc biệt cao hơn tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 93% dân số Mỹ sống tại khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây