*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường trên khắp thế giới.
Bộ Y tế Lào ngày 19/8 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 284 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Y tế Lào cho biết trong thời gian gần đây, số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại nước này tiếp tục tăng cao khiến cho các khu vực đỏ (khu vực có ca lây nhiễm cộng đồng) trên cả nước tăng trở lại. Đáng chú ý, tỉnh Savannakhet (Nam Lào) đang có diễn biến dịch hết sức phức tạp khi ghi nhận 44 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trong ngày 18/8 và 17 ca trong ngày 19/8.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đến nay là 11.313 trường hợp, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Hiện nước này có 12.079 người đang thực hiện cách ly tập trung tại 107 trung tâm và 51 khách sạn.
(Ảnh: Phill Magakoe/AFP/Getty Images)
Cứ 5 người ở Nam Phi thì có 4 người có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy Nam Phi có thể là một trong những nơi bị đại dịch COVID-19 tác động nặng nhất.
Ông Emile Stipp, chuyên gia tính toán tại công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất châu Phi Discovery Health, đã đưa ra con số đáng kinh ngạc trên căn cứ theo tỷ lệ tử vong trên người mắc COVID-19 và số ca tử vong vượt mức bình thường ở Nam Phi. Số ca tử vong vượt mức được định nghĩa là số ca tử vong trong một khoảng thời gian nhất định ở mức cao hơn dự báo.
Theo ước tính của chuyên gia bảo hiểm này, tỷ lệ lây nhiễm từ 70 - 80% ở Nam Phi là cao theo tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời có thể đẩy quốc gia châu Phi này đến gần miễn dịch cộng đồng - khoảng từ 80 – 90% theo Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ.
Tuy nhiên, có khả năng biến thể Delta khiến những người từng nhiễm các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 bị tái nhiễm.
Chiều nay 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng Giám đốc AstraZeneca quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao vắc-xin cho Việt Nam, đồng thời tăng cường và nỗ lực hoàn thành hợp đồng cung ứng thêm vắc-xin cho Việt Nam ngay tháng 9-2021 và kế hoạch đến cuối năm 2021. Thủ tướng đề xuất và mong muốn AstraZeneca xem xét, trao đổi với các nước khác để được vay, nhượng lại số vắc-xin hiện chưa có nhu cầu sử dụng; đồng thời xúc tiến các hợp đồng vắc-xin dành cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, những người có nguy cơ cao, có bệnh nền.
Đáp lại đề nghị của Thủ tướng, Tổng Giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot cam kết sẽ cung ứng vắc-xin theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vắc-xin cho Việt Nam trong tháng 8 từ nguồn của Tập đoàn và các nguồn khác. Thời gian tới, AstraZeneca sẽ cố gắng cao nhất, đáp ứng tích cực các đề nghị của Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam, một thị trường với 100 triệu dân và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Đây là lần thứ hai trong thời gian ngắn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm việc với các đại diện cấp cao của Tập đoàn AstraZeneca để thúc đẩy việc đưa vắc-xin về Việt Nam, cho thấy quyết tâm rất cao và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong nỗ lực triển khai công tác ngoại giao vắc-xin, thực hiện chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là đặt sức khỏe, an toàn của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Trước đó, ngày 9-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thư gửi Tổng Giám đốc AstraZeneca về hợp tác vắc-xin.
Malaysia ngày 19/8 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỉ lục, với 22.948 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Malaysia từ đầu dịch đến nay đã lên tới 1,49 triệu ca, với hơn 13.000 ca tử vong.
Theo tờ Straitstimes, trong số gần 13.000 ca tử vong ở Malaysia, có 4 người đã được tiêm đủ liều vaccine (chiếm 0,03%), và 80 người đã tiêm một liều (chiếm 0,6%).
Thủ tướng vừa từ chức của Malaysia Muhyiddin tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 (Ảnh: CNA)
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia sau khi đệ đơn từ chức lên Quốc vương Sultan Abdullah Ahmad Shah, Thủ tướng Muhyiddin nói người dân không cần quá lo lắng, vì nội các của ông "đã đặt hàng đủ vaccine cho tất cả mọi người".
"Nếu chương trình tiêm chủng diễn ra tốt đẹp, tất cả các bạn sẽ được tiêm phòng vào cuối tháng 10."
"Tôi hy vọng chính phủ mới được sớm thành lập, để việc điều hành đất nước không bị gián đoạn. Hai tháng tới là rất quan trọng vì chúng tôi dự kiến sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 10", ông Muhyiddin nói thêm.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
(Ảnh: AP)
Theo một nghiên cứu tại Mỹ và Israel, vaccine ngừa Covid-19 của Moderna dường như có hiệu quả nhỉnh hơn trước biến Delta so với một số loại vaccine khác.
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vaccine trên hệ thống của Bệnh viện Mayo. Kết quả cho thấy, hiệu quả của vaccine Moderna giảm từ 86% (hồi đầu năm) còn 76% (tháng 7/2021 - thời điểm biến thể Delta phổ biến ở Mỹ).
Cùng giai đoạn, hiệu quả của vaccine Pfizer giảm từ mức 76% xuống mức 42%. Hiệu quả trước biến thể Delta của vaccine Moderna cao hơn Pfizer khoảng 34%.
Hiện nay, có ít nhất 17 vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai, trong số đó có 7 vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp, gồm vaccine Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.
Gần 20 năm trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, một virus cùng họ với nó và thậm chí có nguy cơ làm chết người cao hơn đã gây nên sự hoảng loạn khi khiến gần 10% trong số 8.000 người mắc bệnh tử vong. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 có lẽ đã để lại cho những người hồi phục sau khi mắc bệnh một "món quà".
Những người từng mắc SARS được tiêm vaccine ngừa Covid-19 dường như có thể chống lại tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện nay cũng như các biến thể sẽ sớm xuất hiện, một nghiên cứu mới cho hay. Các kháng thể mạnh mẽ từ những người này thậm chí có thể bảo vệ được cơ thể trước các virus corona ở những loài khác chưa lây nhiễm sang con người. Điều này có lẽ chứa đựng những manh mối về việc làm thế nào để tạo ra các loại vaccine có thể chống lại các loại virus corona có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Một đội ngũ, dẫn đầu là chuyên gia về các dịch bệnh mới xuất hiện Linfa Wang thuộc Trường Y Duke-NUS ở Singapore, đã nhận ra điều này trên 8 người từng mắc SARS gần đây được tiêm 2 mũi vaccine RNA ngừa Covid-19. Trong môi trường ống nghiệm, các kháng thể được lấy từ mẫu máu của những người này có khả năng "vô hiệu hóa" chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu cũng như virus SARS-CoV gây nên dịch SARS, ông Wang và các cộng sự cho biết trên Tạp chí Y khoa New England. Đội ngũ này còn phát hiện thêm rằng, những kháng thể này cũng hoạt động tốt trong việc chống lại các biến thể Alpha, Beta và Delta của virus SARS-CoV-2 và ngăn chặn 5 virus corona cùng họ khác được tìm thấy trên dơi và tê tê có nguy cơ lây nhiễm sang con người.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ông Trần Ngọc Phúc (73 tuổi), Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Metran, Nhật Bản, từng phát minh ra máy trợ thở đa năng Eliciae MV20. Mới đây, ông cùng các đồng sự đã cho ra mắt sản phẩm mới mang tên O-PRO, với hy vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán đại dịch Covid-19 hiện nay.
Chiếc khẩu trang O-PRO có 3 phiên bản, phiên bản đầu dành cho những nhu cầu cơ bản hàng ngày và được thiết kế theo dạng khẩu trang nửa kín nửa hở, thuận tiện cho giao tiếp. Các phiên bản còn lại sẽ sử dụng trong môi trường dịch bệnh và đặc biệt nguy hiểm, với hai lớp HEPA, khi thở ra, không khí sẽ đi qua đó và ra ngoài môi trường một cách an toàn, hạn chế virus.
Công nghệ hiện tiếp tục được nghiên cứu tại trường đại học nổi tiếng Tokyo, Nhật Bản và được sử dụng ở khắp các bệnh viện.
Khẩu trang được làm bằng silicon không thẩm thấu khiến giọt bắn không văng ra ngoài. Kèm với đó, O-PRO còn sử dụng bình lọc nhỏ đi kèm, nối với khoang khẩu trang thông qua ống dẫn khí, từ đó cung cấp không khí sạch cho người dùng.
Theo ông Phúc, chiếc khẩu trang có tỷ lệ ngăn ngừa virus lên tới 99,9%. Không chỉ vậy, nó cũng có thể ngăn cản bụi bẩn, ô nhiễm, và hơn hết là người sử dụng vẫn có thể vận động thoải mái khi đeo.
Sản phẩm O-PRO có tiềm năng to lớn giúp hỗ trợ những người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mạn tính (COPD), giúp họ dễ dàng bảo vệ bản thân trong môi trường không khí, đây là vấn đề mà ông Phúc đã trăn trở từ lâu.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo Hãng tin AP, tính đến tuần rồi, tuy vẫn thấp hơn so với kỷ lục hồi mùa đông năm 2020, nhưng bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang phải điều trị hơn 75.000 bệnh nhân COVID-19, tăng mạnh so với vài tuần trước.
Bang Florida, Arkansas, Oregon, Hawaii, Louisiana và Mississippi đều đang lập kỷ lục về số ca nhập viện trong những tuần gần đây.
Không giống đợt bùng dịch vào mùa đông năm ngoái, các bệnh viện ở Mỹ đã chật kín trong hè do các phòng cấp cứu còn điều trị cho cả bệnh nhân ngoài COVID-19.
Mới nhất, nhân viên Trung tâm Wilson đã phải gọi điện cho hơn 40 cơ sở y tế khác ở các bang để tìm giường cho một bệnh nhân COVID-19. Cuối cùng, sau hơn một ngày liên lạc, họ đã tìm được giường bệnh cách Trung tâm y tế Wilson hơn 354km.
Trong khi đó, tại bang Kansas, các bệnh nhân COVID-19 nặng tại các bệnh viện vùng nông thôn đang phải chờ trung bình 10 giờ trước khi được chuyển đến bệnh viện ở các bang khác như Wisconsin, Illinois, Colorado và Texas.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục chiến dịch tiêm chủng bằng việc kết hợp hai loại vaccine Sinovac và AstraZeneca sau khi đã tiêm cho khoảng 1 triệu người đạt kết quả khả quan.
Theo bà Apisamai Sringson, trợ lý phát ngôn viên Trung tâm quản lý tình hình Covid-19 của Thái Lan cho biết, việc tiêm vaccine Sinovac ở mũi đầu tiên và sau đó 3 tuần là AstraZeneca đã được chứng minh hiệu quả trong các nghiên cứu ở những đại học hàng đầu đất nước. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, việc kết hợp Sinovac và AstraZeneca sẽ làm tăng hiệu quả bảo vệ trước Covid-19 cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong.
Tiêm kết hợp Sinovac và AstraZeneca cho kết quả khả quan tại Thái Lan. Ảnh: Reuters
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường là một âm mưu kiếm tiền và cáo buộc người khổng lồ dược Pfizer trục lợi.
Cựu Tổng thống Trump cho rằng Pfizer âm mưu trục lợi từ việc triển khai mũi vaccine COVID-19 thứ ba. Ảnh: Insider
Ngày 18/8, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với kênh Fox Business, ông Trump tuyên bố mũi vaccine COVID-19 thứ ba (còn gọi là mũi tăng cường) là một nỗ lực kinh doanh béo bở của Pfizer. Ông ám chỉ rằng việc tiêm vaccine tăng cường là không cần thiết về mặt y tế, và thay vào đó công ty dược phẩm đầy mạnh chương trình này hoàn toàn vì lợi nhuận.
"Bạn biết không? Với tôi, chuyện đó giống như một hoạt động kiếm tiền cho Pfizer", cựu Tổng thống Mỹ nói. "Hãy nghĩ đến số tiền liên quan. Một mũi tiêm bổ sung, đó là hàng chục tỷ USD. Làm ăn hời đến mức nào? Nếu bạn là một doanh nhân và bạn nói 'hãy tiêm cho họ một mũi nữa', điều đó đồng nghĩa với thêm 10 tỉ USD". Tất cả thật là điên rồ", ông Trump bức xúc.
Nhà cựu lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích "người điều hành Pfizer" – ám chỉ CEO Albert Bourla, vì đã thông báo về vaccine COVID-19 ngay sau cuộc bầu cử năm 2020, khi ông hứng thất bại trước đối thủ Joe Biden.
"Bạn biết đấy, khi vaccine này lần đầu tiên ra mắt, chúng rất có ích cho cuộc sống. Sau đó, chúng vẫn tốt trong một hoặc hai năm. Nhưng tôi có thể nhìn thấy trước rắc rối. Tôi có thể nhìn thấy tờ đôla trong mắt họ - trong mắt người điều hành Pfizer. Bạn biết đấy, ngay ngày sau bầu cử, người đó đã công bố rằng ông ta đã sở hữu vaccine. Nhưng chúng tôi hiểu điều đó, tôi hiểu và mọi người đều hiểu" - ông Trump nói.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ hợp tác trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 trong giai đoạn kế tiếp, sau khi đại sứ Trung Quốc ở Đan Mạch lên tiếng về cuộc điều tra.
Lực lượng an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc REUTERS
"Tôi tin rằng… các đồng nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ sẵn sàng hợp tác về nghiên cứu khoa học cần thiết cho việc tìm ra nguồn gốc [Covid-19]", Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho giới phóng viên hay ngày 18.8, theo AFP.
Ông Ryan đưa ra bình luận trên vài giờ sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch Phùng Thiết viết bài đăng trên báo Copenhagen Post để phản ứng về việc tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra của WHO tại Trung Quốc hồi đầu năm, ngày 12.8 cho rằng bệnh nhân F0 có thể là một nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu về dơi tại phòng thí nghiệm tại Vũ Hán , nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố vào cuối năm 2019.
Trong bài viết, Đại sứ Phùng tuyên bố Trung Quốc sẽ bác bỏ bất kỳ nghiên cứu mới truy tìm nguồn gốc Covid-19 nào có kết luận khả năng virus gây bệnh này rò rỉ từ phòng thí nghiệm "không phải là cực kỳ không thể", theo tờ The Guardian.
Ngày 18/8, Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), thông báo rằng một loại vaccine COVID-19 do viện nghiên cứu của Sinopharm ở Vũ Hán phát triển và sản xuất đã được cơ quan nhà nước Trung Quốc cho phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 3 - 17 tuổi.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, thông báo của CNBG nêu rõ vaccine đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, cho thấy mức độ kháng thể trung hòa cao trong nhóm tuổi này. Khoảng 96,1% những người được tiêm hai liều vaccine đã tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và kết quả không khác biệt đáng kể ở người lớn. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ở người được tiêm chủng sau khi tiêm. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.
CNBG cho biết trẻ em từ 3-17 tuổi đã trở thành nhóm đối tượng quan trọng để tiêm chủng nhằm xây dựng hàng rào miễn dịch khi xuất hiện nhiều biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Campuchia dự kiến đạt mục tiêu ban đầu là 10 triệu người được tiêm vaccine COVID-19 trong những ngày tới. Kể từ ngày 10/2, số người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ở Campuchia là 9.272.769 người.
Trong số này, hơn 7,5 triệu người đã tiêm đủ cả 2 mũi AstraZeneca, Sinopharm và Sinovac.
Những người được tiêm liều tăng cường thứ ba hiện là 357, 897 - chủ yếu tập trung ở 7 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan và được sử dụng cho những người ở tuyến đầu, những người có nguy cơ cao nhất khi phải đối mặt với hàng nghìn lao động nhập cư trở về từ Thái Lan, nơi chủng Delta đang "hoành hành".
Tiến độ tiêm chủng theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia là 57,95% trong tổng dân số hơn 16 triệu người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên án những nước giàu vội vàng tiêm mũi tăng cường vắc-xin Covid-19, trong khi hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiêm ngừa.
Trước khi Mỹ thông báo những người tiêm phòng sớm đủ điều kiện sẽ được phép tiêm liều tăng cường, các chuyên gia WHO khẳng định không đủ bằng chứng khoa học cho thấy cần tiêm liều tăng cường.
Giám đốc khẩn cấp của WHO Mike Ryan ngày 18-8 chỉ trích: "Chúng ta đang định phát thêm áo phao cho người đã có áo phao, trong khi để mặc những người khác chết đuối mà không có chiếc áo phao nào. Thực tế cơ bản là chúng ta đang phát những chiếc áo phao thứ hai, trong khi khiến hàng triệu triệu người không có bất cứ thứ gì để bảo vệ".
Đầu tháng này, WHO đã kêu gọi tạm dừng tiêm vắc-xin Covid-19 mũi thứ ba để giúp giảm bớt sự bất bình đẳng gay gắt trong việc phân bổ liều lượng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được một số quốc gia tiếp tục với kế hoạch bổ sung một mũi vắc-xin thứ ba, khi họ phải vật lộn để ngăn cản biến thể Delta.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Kể từ đầu tháng 8, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã có xu hướng giảm xong tỷ lệ tử vong vẫn cao nhất thế giới.
Theo số liệu của Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 Indonesia, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia trong vòng 24 giờ qua là 15.154 trường hợp. Số ca mắc mới này đã giảm 3 lần so với đỉnh dịch của tháng trước.
Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ Indonesia (PB-IDI) Daeng M Faqih đánh giá, mặc dù số ca mắc Covid-19 đã giảm nhưng tỷ lệ dương tính trong xét nghiệm luôn ở trên 20% trong những tuần gần đây, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5%. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở Indonesia trong tuần thứ hai của tháng 8 vẫn cao nhất thế giới với 10.492 trường hợp.
Theo ông Daeng Faqih, gần 2.000 bác sĩ và các nhân viên y tế Indonesia tử vong trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong khi nguồn nhân lực trong ngành y tế là chìa khóa cho khả năng chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch. Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ Indonesia cho biết, tỷ lệ tiêm chủng ở Indonesia còn tương đối thấp.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu người, tuy nhiên tính đến ngày 18/8, thành tích tiêm chủng mũi thứ nhất vaccine Covid-19 ở Indonesia mới đạt 26,4%, trong tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 14%, còn rất xa so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ người dân được xét nghiệm Covid-19 ở Indonesia và việc truy vết cũng không đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận hơn 3,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 121.000 người đã tử vong./.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu chương trình tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho toàn dân, bắt đầu từ ngày 20/9 tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8 của Nhóm ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Vivek Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ cho biết, dữ liệu gần đây cho thấy rõ khả năng bảo vệ chống lại bệnh nhẹ và trung bình đã giảm theo thời gian. Điều này có thể do cả khả năng miễn dịch suy yếu và sức mạnh của biến thể Delta hiện là chủng phổ biến tại Mỹ.
Mỹ sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho toàn dân từ cuối tháng 9. Ảnh: Financial Times.
Các cơ quan quản lý của Mỹ lo ngại mức độ suy giảm đang ghi nhận được sẽ tiếp tục trong những tháng tới, có thể dẫn đến giảm khả năng bảo vệ mọi người chống lại bệnh nặng, phải nhập viện chữa trị và tử vong vì Covid-19.
"Đó là lý do chúng tôi công bố kế hoạch vượt qua loại virus này bằng cách chuẩn bị thực hiện các mũi tiêm nhắc lại cho người 18 tuổi trở lên đã tiêm chủng đầy đủ. Họ sẽ đủ điều kiện để tiêm nhắc lại, 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai của vaccine của Pfizer hoặc Moderna. Chúng tôi dự kiến bắt đầu chương trình này vào ngày 20/9 tới", ông Murthy nhấn mạnh.
Nhiều người từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Pháp đang tiêu tốn hàng trăm euro cho những giấy tờ chứng nhận y tế giả mạo trên các “chợ đen” trực tuyến, sau khi Chính phủ Pháp yêu cầu người dân cần có chứng nhận y tế để được vào quán cafe, sử dụng phương tiện công cộng nội đô và tới nhiều địa điểm công cộng khác.
Bảng yêu cầu khách hàng xuất trình giấy thông hành y tế khi vào một trung tâm mua sắm ở Paris, Pháp, ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.
Từ tháng 7 đến nay, người dân Pháp phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã dược tiêm chủng vaccine, xét nghiệm âm tính với COVID-19 hoặc khỏi bệnh để được phép vào bảo tàng, rạp chiếu phim hay các địa điểm thể thao. Tới đầu tháng 8, biện pháp này đã được nhà chức trách mở rộng áp dụng đối với hệ thống nhà hàng, quán rượu, bệnh viện và tàu hỏa trong nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm chủng vaccine theo chủ trương của Tổng thống Emmanuel Macron.
Dù kết quả các cuộc thăm dò khảo sát cho thấy đa phần người dân Pháp đều ủng hộ biện pháp này, song những cuộc tuần hành phản đối vào dịp cuối tuần đã diễn ra trong 5 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, một "chợ đen" làm giấy chứng nhận giả cũng đã xuất hiện trên Snapchat, bất chấp nguy cơ đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù.
Nhiều tài khoản trên ứng dụng mạng xã hội này đã công khai quảng cáo nhận làm giấy tờ giả. Một nhà tổ chức sự kiện 28 tuổi giấu tên cho hãng tin AFP biết anh đã lấy chứng nhận y tế giả với giá 350 euro (410 USD). Trong khi, việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là miễn phí tại Pháp. Ngoài Snapchat, những người có nhu cầu cũng có thể tìm thấy quảng cáo trên Facebook, khi một số tài khoản thậm chí còn chạy quảng cáo nhận làm chứng nhận giả.
Giấy chứng nhận tại Pháp có mã QR để nhân viên an ninh ở các lối vào kiểm tra đối chiếu trên nền tảng dữ liệu y tế quốc gia. Do vậy, trên thực tế, những chứng nhận y tế này đa phần đều là thật. Những đối tượng làm giả giấy tờ cấu kết với nhân viên y tế hoặc xâm nhập trái phép hệ thống dữ liệu để tạo chứng nhận người dùng đã được tiêm chủng đầy đủ. Một bác sĩ ở miền Tây Nam nước Pháp mới đây đã đệ đơn kiện sau khi phát hiện hồ sơ của ông trên trang web bảo hiểm y tế đã được sử dụng để tạo ra 55 giấy chứng nhận giả.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Những dữ liệu hiện tại không cho thấy các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 là cần thiết. Tuyên bố trên được trưởng khoa học gia Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong cuộc họp báo ngày 18/8 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cùng cuộc họp báo, cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng "hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự". Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.
Trong khi đó, cùng ngày 18/8, Chính phủ Mỹ thông báo kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 đại trà cho toàn bộ người dân bắt đầu từ ngày 20/9 trong bối cảnh số ca mắc gia tăng do biến thể Delta.
Tuyên bố của Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị đề nghị tiêm mũi thứ 3 vào thời điểm trên cho toàn bộ người dân Mỹ đã hoàn tất việc tiêm chủng ít nhất trước đó 8 tháng. Các mũi vaccine tăng cường ban đầu sẽ được tiêm chủ yếu cho nhân viên y tế, người sống ở các trung tâm dưỡng lão và người già, cũng như tất cả những người thuộc các nhóm tiêm chủng đầu tiên vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Philippines, Singapore, Timor Leste và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 11/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo" ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Song số ca mắc mới tại nước này bắt đầu xu thế giảm dần so với mấy ngày trước đây.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines tiếp tục chứng kiến xu thế số ca mắc mới giảm, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 161 ca tử vong.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Trong 24 giờ qua, Malaysia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Ngày 18/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 225 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 640.181 ca tử vong trong tổng số 37.909.829 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 432.834 ca tử vong trong số 32.295.224 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 570.718 ca tử vong trong số 20.417.204 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 42,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 61 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,1 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 977.600 ca tử vong trong trên 66,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 964.300 ca tử vong trong trên 45,3 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận trên 185.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.800 người.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây