Big C không đơn thuần chỉ đổi tên: Dự kiến mở hơn 300 TTTM/siêu thị, đe dọa trực tiếp Aeon, Saigon Co.op

Bạch Mộc |

GO! là mô hình trung tâm thương mại bên trong là đại siêu thị, Tops market tập trung vào khu vực đô thị, trong khi go! nhắm đến thị trường nông thôn.

Xóa sổ thương hiệu hơn 20 năm Big C

Big C, thương hiệu biểu tượng cho ngành siêu thị Việt Nam trong hơn 20 năm qua đang chuyển mình sang nhiều tên gọi khác nhau: GO!, Tops market, go!. Một động thái khiến người tiêu dùng không khỏi bất ngờ khi xóa đi tên tuổi hết sức thành công trong ngành bán lẻ.

Từ đầu năm, 7 siêu thị Big C (Nha Trang, Dĩ An, Cần Thơ, Hạ Long, Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Thập, Hải Phòng) đã chính thức chuyển đổi sang thương hiệu mới. Thông cáo cho biết, đây là bước đi nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu của công ty Central Retail/Central Group (Thái Lan), chủ sở hữu của hệ thống Big C Việt Nam.

Trong năm qua, Central Retail đã đầu tư xây dựng mới các đại siêu thị GO! tại các trung tâm thương mại GO! ở Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Buôn Ma Thuột, Quảng Ngãi nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.

Không những vậy, từ đầu tháng 3, 3 siêu thị Big C tại TP HCM cũng thay đổi diện mạo trở thành Tops market. Theo kế hoạch, 4 siêu thị Big C tại Hà Nội cũng sẽ hoàn tất chuyển đổi thành Tops market trong quý 3 năm nay.

Người tiêu dùng Việt Nam có thể còn lạ lẫm với những cái tên này, nhưng Tops trên thực tế là thương hiệu bán lẻ thực phẩm số 1 Thái Lan, hệ sinh thái gồm: đại siêu thị Tops, siêu thị Tops market, các cửa hàng tiện ích Tops daily thuộc Central Retail.

Kế hoạch mở hơn 300 TTTM, đại siêu thị, siêu thị tại 55 tỉnh thành

Chúng tôi đi tìm hiểu chiến lược của Central Retail đối với ngành bán lẻ Việt Nam và thấy rằng tham vọng của họ rất đáng chú ý.

Kết thúc năm 2020, Central Retail sở hữu 66 cơ sở phân phối thực phẩm, hàng tiêu dùng tại 29 tỉnh/thành của Việt Nam. Đó là, 41 đại siêu thị/siêu thị GO!/Big C, 24 siêu thị Lan Chi, và 1 siêu thị mini go!.

Kế hoạch của tập đoàn Thái Lan cho đến năm 2025 là nâng lên hơn 300 cơ sở tại 55 tỉnh/thành. Bao gồm, mở mới 106 trung tâm thương mại GO!/Big C, 134 siêu thị mini go!, 21 Tops market.

Điều này có nghĩa trong tương lai cả cái tên Lan Chi cũng sẽ bị xóa sổ, thế chỗ bằng các mô hình mới.

Nhiều khả năng Lan Chi sẽ được Central Retail chuyển đổi thành go!, trung tâm thương mại kết hợp siêu thị mini tại khu vực nông thôn. Đây là các cơ sở có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2, dự kiến dành 1/3 không gian cho thuê.

Đối với Tops market, hệ thống siêu thị này ngắm vào khu vực thành thị, một số được chuyển đổi từ Big C. Tops market chính là cơ sở để Central Retail thực hiện chiến lược phát triển Omnichannel (đa kênh), kết hợp việc tung ra app Tops Mobile.

Trong năm 2021 này, Central Retail sẽ mở mới 10 go!, mở mới 3 Tops market kết hợp 7 cơ sở chuyển đổi từ Big C sang Tops market.

Big C không đơn thuần chỉ đổi tên: Dự kiến mở hơn 300 TTTM/siêu thị, đe dọa trực tiếp Aeon, Saigon Co.op - Ảnh 1.

Kế hoạch phát triển các TTTM GO!, bên trong là đại siêu thị GO! trong năm 2021

GO!, bản chất là mô hình trung tâm thương mại, bên trong đó sở hữu các đại siêu thị GO!. Central Retail xác định đối thủ cạnh tranh của họ với mô hình này chính là Vincom Retail (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Aeon (Nhật Bản).

Central Retail đang sở hữu 37 trung tâm thương mại GO!/Big C, trong năm nay dự kiến mở mới thêm 4 cơ sở gồm GO! Bà Rịa, GO! Thái Nguyên, GO! Thái Bình và GO! Lào Cai. Cùng với đó, việc chuyển đổi thương hiệu tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ từ Big C sang GO! với 8 cơ sở.

Đối với Nguyễn Kim, Tập đoàn Thái Lan đang triển khai kế hoạch tái cấu trúc nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu này, Nguyễn Kim điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, đóng cửa các cơ sở thua lỗ và đặc biệt đẩy mạnh thương mại điện tử.

Central Retail cho biết tập trung marketing vào nhóm khách hàng mục tiêu tuổi từ 25 – 44, thiết kế lại các cơ sở nhằm phù hợp với định hướng mới.

Central Retail thu về 31.300 tỷ từ Việt Nam trong năm 2020

Big C không đơn thuần chỉ đổi tên: Dự kiến mở hơn 300 TTTM/siêu thị, đe dọa trực tiếp Aeon, Saigon Co.op - Ảnh 2.

Cơ cấu doanh thu theo quốc gia của Central Retail

Việc thay đổi chiến lược, cấu trúc mạnh mẽ tại Việt Nam của Central Retail được đặt ra trong một bối cảnh ngặt nghèo. Ảnh hưởng COVID-19 khiến cho doanh thu bán hàng năm 2020 của công ty Thái Lan giảm 14%, doanh thu cho thuê giảm 21%, doanh thu khác giảm 7%.

EBITDA Central Retail giảm 52%, lợi nhuận sau thuế (NPAT) giảm mạnh tới 92%. Trong quý 2, công ty lỗ nặng, nhưng sau đó hồi phục vào nửa cuối năm. Năm 2020, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ Việt Nam đã tăng từ 18% lên 23%.

Mảng thương mại điện tử, Central Retail sáp nhập thêm Nguyễn Kim từ tháng 6/2019, điều này khiến doanh thu bán hàng tại Việt Nam tăng 40% lên 10,94 tỷ Baht, gần 8.300 tỷ đồng.

Nhưng xin lưu ý rằng, doanh thu trên cửa hàng (SSSG) trong mảng này đã giảm gần 25% cho thấy hiệu quả đi xuống. Số cơ sở Nguyễn Kim giảm từ 70 xuống còn 59. Điều này lý giải việc tái cấu trúc kinh doanh của Nguyễn Kim.

Mảng thực phẩm, chính là tổng hợp của hệ thống đại siêu thị GO!/Big C, Lan Chi ghi nhận doanh thu tăng 5%, đạt 29,1 tỷ Baht, 22.000 tỷ đồng. SSSG đi ngang.

Đối với mảng cho thuê, doanh thu của GO! giảm nhẹ 1%, đạt 1,3 tỷ Baht, gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi trung tâm thương mại của Central Retail chịu thiệt hại nặng ở Thái Lan, doanh thu giảm tới 25%.

Big C không đơn thuần chỉ đổi tên: Dự kiến mở hơn 300 TTTM/siêu thị, đe dọa trực tiếp Aeon, Saigon Co.op - Ảnh 3.

Niên độ tài chính kết thúc ngày 31/12/2020

Tham gia vào cuộc đua khốc liệt ngành bán lẻ, cạnh tranh trực tiếp với Vincom Retail, Aeon, cho đến Saigon Co.op

Chiến lược đẩy mạnh phát triển của Central Retail có thể khiến các nhà phát triển trung tâm thương mại, kinh doanh siêu thị, bán lẻ hàng hóa của Việt Nam phải dè chừng.

Với 37 cơ sở hiện có, GO! đang xếp thứ 3 về phát triển trung tâm thương mại sau Vincom Retail và Aeon.

Mảng siêu thị, cuộc cạnh tranh trở nên ngày càng nảy lửa với VinMart (Masan Group), Co.opmart (Sài Gòn Co.op), Bách hóa Xanh (Đầu tư Thế giới Di động), Lotte Mart (Lotte)…

Nguyễn Kim được tái cấu trúc để cải thiện hiệu suất cũng như giành lại thị phần đã mất vào tay các ông lớn như Thế giới Di động, Media Mart, HC… thông qua chiến lược đẩy mạnh thương mại điện tử.

Big C không đơn thuần chỉ đổi tên: Dự kiến mở hơn 300 TTTM/siêu thị, đe dọa trực tiếp Aeon, Saigon Co.op - Ảnh 4.

Central đang đẩy mạnh bán lẻ đa kênh tại thị trường Việt N

Mô hình của Central Retail đang sử dụng chiến lược Omnichannel (đa kênh) kết hợp giữa điểm bán hàng vật lý và nền tảng kỹ thuật số làm thế mạnh.

Năm 2020, doanh thu Omnichannel của Central Retail tăng 177%, đóng góp 9,5% vào tổng doanh thu của công ty. Đa kênh hiện đang tập trung chủ yếu tại Thái Lan, nơi mà thị trường bán lẻ phát triển hơn, Việt Nam mới chỉ đang đóng góp 9% vào doanh thu Omnichannel.

Việc thúc đẩy bán hàng đa kênh sẽ được thực hiện thông qua nền tảng Nguyễn Kim Online; đưa bán hàng thực phẩm lên các nền tảng giao hàng như Grab, Now, Baemin; đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử như Shopee/Lazada/Tiki…

Central Retail cho biết rằng, dự kiến tung app Tops, Big C/GO! trong giai đoạn tháng 3 – tháng 5 năm nay; ra mắt dịch vụ giao hàng GO! OI trong tháng 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại