Biểu tình lịch sử chống chính phủ ở Lebanon sau "giọt nước tràn ly": Cả lực lượng vũ trang cũng tuyên bố ủng hộ

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Dân số Lebanon chỉ có khoảng 6 triệu người mà đã có 1,5-1,7 triệu người xuống đường, cuộc biểu tình này được coi là lớn nhất từ trước tới nay.

Người dân Lebanon biểu tình lớn nhất từ trước tới nay

Ngày 17/10/2019, tại Lebanon đã nổ ra các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm ngàn người trên toàn quốc. Đêm 23 rạng sáng 24/10/2019, hàng trăm ngàn người Lebanon lại xuống đường ở các thành phố khác nhau của đất nước. Đến nay phong trào phản đối vẫn không hề giảm mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xà hội.

Đây có thể coi là một cuộc nổi dậy của dân chúng, một làn sóng mới của phong trào "Mùa Xuân Ả Rập". Dân số Lebanon chỉ có khoảng 6 triệu người mà đã có 1,5-1,7 triệu người xuống đường, cuộc biểu tình này được coi là lớn nhất từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên phong trào biểu tình diễn ra với sự tham gia tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo gồm cả người theo đạo Hồi dòng Shiite, Sunni và người theo Cơ đốc giáo ở tất cả các thành phố lớn của Lebanon.

Đoàn người biểu tình cầm quốc kỳ tràn ngập các đường phố trung tâm ở Thủ đô Beirut, Tripoli, thành phố cảng Sur và các khu vực khác, hô vang từ "cách mạng" và kêu gọi thay đổi chế độ. Phong trào biểu tình đã làm tê liệt đất nước trong hai tuần. Tất cả các cơ quan nhà nước, cửa hàng, trung tâm mua sắm, ngân hàng, trường học và các trường đại học đều phải đóng cửa, giao thông công cộng bị tắc nghẽn không hoạt động. Đáng lưu ý, các lực lượng vũ trang Lebanon tuyên bố sẽ tham gia cùng những người biểu tình chống lại chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri.

Tổng liên đoàn Lao động Lebanon ủng hộ các cuộc biểu tình và tuyên bố đình công trên toàn quốc.

Biểu tình lịch sử chống chính phủ ở Lebanon sau giọt nước tràn ly: Cả lực lượng vũ trang cũng tuyên bố ủng hộ - Ảnh 1.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. Ảnh: AFP

Nguyên nhân nào dẫn đến bùng nổ các cuộc biểu tình

Nguyên nhân trực tiếp của các cuộc biểu tình phản đối của người dân Lebanon là do chính phủ quyết định đánh thuế đối với việc sử dụng các ứng dụng nói chuyện trên Internet như WhatsApp và Messenger. Theo quyết định này, mỗi người dân sử dụng các ứng dụng này phải trả $6/tháng hoặc $72/năm. Ngoài ra, dân chúng Lebanon còn bất mãn do chính phủ áp thuế đối với thuốc lá nhập khẩu $1,3/bao, thuốc lá nội địa $0,5/bao. Đồng thời, cùng thời điểm này chính phủ Lebanon cũng đã quyết định tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 15%.

Việc đánh thuế sử dụng Internet chỉ là giọt nước tràn ly. Nguyên nhân sâu xa của nó đã tích tụ trong nhiều năm nay. Đó là các vấn đề kinh tế-xã hội của Lebanon. Gần 40% thanh niên Lebanon thất nghiệp. Nạn tham nhũng tràn lan. Các dịch vụ công cộng rất kém. Điều này giải thích tại sao tại Lebanon lại xảy ra một "cuộc khủng hoảng rác thải" vào năm 2015. Thêm vào đó, chính phủ liên tục tăng các loại thuế, đánh vào túi tiền của người dân.

Người Lebanon biểu tình phản đối không chỉ do chính phủ tăng thuế mà là quyết định tăng thuế trong bối cảnh kinh tế của đất nước đang ở trong tình trạng hết sức căng thẳng. Nhiều người biểu tình cho rằng việc chính phủ thu thuế sử dụng các cuộc gọi Messenger và WhatsApp là hết sức vô lý vì người sử dụng đã phải trả phí Internet rồi. Họ cho đây là "hành động bóc lột" người dân, mục đích là để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách.

Những người tham gia biểu tình đã kêu gọi lật đổ chính phủ. Họ cho rằng, với việc đưa ra các loại thuế mới này, chính phủ đã không còn nghĩ đến người dân nữa. Những người biểu tình đã giương cao biểu ngữ "Chính phủ Lebanon phải từ chức". Nhiều người nói, các quan chức chính phủ không ai muốn chịu trách nhiệm về các điều kiện sống hiện tại của người dân trong nước. Thất nghiệp, không có an sinh xã hội, sức khỏe của người dân không được đảm bảo.

Biểu tình lịch sử chống chính phủ ở Lebanon sau giọt nước tràn ly: Cả lực lượng vũ trang cũng tuyên bố ủng hộ - Ảnh 3.

Biểu tình ở Lebanon. Ảnh: AP

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 1/4 dân số Lebanon sống dưới mức nghèo khổ. Ngoài ra, một quốc gia có dân số 6 triệu người lại phải gánh vác thêm 1,5 triệu người tỵ nạn Syria tràn vào do cuộc nội chiến ở Syria.

Tháng 9/2019, Thủ tướng Saad Hariri đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong nền kinh tế và công bố ý định của chính phủ giảm thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm tài khóa 2020 gần 7%. Tháng 7/2019, Quốc hội Lebanon đã phê duyệt dự thảo ngân sách nhà nước cho năm tài khóa 2019, giảm thâm hụt từ 11% xuống 7,5% theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB).

Lebanon đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và trở nên tồi tệ hơn bởi nạn tham nhũng tràn lan trong chính quyền. Nợ công của chính phủ ngày càng tăng, lạm phát không kiểm soát được. Giá cả, đặc biệt là các hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân đều tăng mạnh như điện, nước, bánh mì, xăng dầu...

Trong tình hình như vậy, lẽ ra cần phải có các biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân thì chính phủ lại tìm cách tận thu để giải quyết thiếu hụt ngân sách.

Để thực hiện được mục tiêu này, chính phủ Hariri đã quyết định giảm các khoản chi phí xã hội và trợ cấp hưu trí cho cán bộ, nhân viên trong khu vực công và quân nhân với hy vọng thu được một khoản tiền bổ sung để tránh vỡ nợ.

Từ việc đòi giảm thuế, cải thiện đời sống đến các đòi hỏi chính trị

Trước sức ép mạnh mẽ của những người biểu tình, chính phủ của Thủ tướng S. Hariri đã phải đưa ra một số nhượng bộ, như giảm một nửa lương của mình, hứa thông qua luật bảo hiểm hưu trí, trợ cấp xã hội cho người nghèo, cải cách hệ thống quản lý của chính phủ, hủy kế hoạch áp thuế đối với WhatsApp và Messenger, đồng thời đưa ra chương trình khắc phục khủng hoảng bằng việc tăng thuế thu nhập đánh vào các ngân hàng và công ty bảo hiểm..., nhưng vẫn không xoa dịu được tình hình.

Những người biểu tình chuyển sang đòi cải cách. Hàng trăm ngàn người một lần nữa xuống đường đòi giải tán chính phủ tham nhũng, thành lập một nội các mới gồm "các nhà kỹ trị", thực hiện cải cách kinh tế toàn diện. Tổng thống Michelle Aoun, Thủ tướng Saad Hariri và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berry phải ra đi, tiến hành bầu cử trước thời hạn và tiến hành cải cách hệ thống chính trị.

Hệ thống chính trị của Lebanon hiện nay được thiết lập trên cơ sở cân bằng lợi ích của các nhóm tôn giáo. Những người biểu tình cho rằng, hệ thống này đã lỗi thời và nó chỉ gây ra sự phân mảnh và tranh chấp giữa các giáo phái.

Theo hiến pháp hiện nay, Tổng thống phải là người theo đạo Cơ đốc Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo Sunni và Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo Shiite. Các ghế trong Quốc hội cũng được phân bổ giữa các tôn giáo khác nhau. Các nhóm lớn nhất vẫn là người Sunni, Shiite, Maronite và Armenia. Cơ cấu quyền lực này chỉ phục vụ lợi ích của các phe nhóm và đây là nguồn gốc của các cuộc xung đột.

Hezbollah là lực lượng chính trị mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn nhất và quyết định tình hình chính trị tại Lebanon. Hiện nay, Hezbollah được sự ủng hộ của 40% dân số Lebanon theo dòng Shiite. Họ có quân đội riêng với khoảng 20-30 ngàn binh sĩ được trang bị nhiều xe tăng, pháo binh và các loại tên lửa.

Biểu tình lịch sử chống chính phủ ở Lebanon sau giọt nước tràn ly: Cả lực lượng vũ trang cũng tuyên bố ủng hộ - Ảnh 5.

Một người ủng hộ lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah tại Lebanon. Ảnh: Reuters

Hezbollah được Iran cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ. Với số tiền này, Hezbollah xây dựng một mạng lưới dịch vụ xã hội cho riêng cộng đồng người Shiite ở Lebanon gồm trường học, bệnh viện giá rẻ. Người ta còn gọi Hezbollah ở Lebanon là "Nhà nước trong nhà nước." Đây là một mắt xích trong mạng lưới Iran muốn thiết lập trải dài từ Iraq, Syria đến Lebanon nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra khắp nơi, Hezbollah rất sợ mất quyền kiểm soát của mình đối với người Shiite ở Lebanon. Đồng thời, gần đây do Mỹ trừng phạt Hezbollah đã phải cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ công cộng, người Shiite có thể sẽ rút sự ủng hộ của mình đối với Hezbollah.

Mặt khác, Hezbollah có một số bộ trưởng trong chính phủ, họ cũng tham gia vào việc cắt giảm ngân sách nhà nước và các chi phí xã hội nên không muốn cuộc khủng hoảng dẫn đến lật đổ chính phủ, các bộ trưởng Hezbollah sẽ mất vị trí. Chính vì lẽ đó, họ không ủng hộ những gì đang diễn ra hiện nay.

Không phải ngẫu nhiên, hàng trăm ngàn người Shiite đang tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ mà không xin phép người đứng đầu Hezbollah, ông Hassan Nassrallah. Các lực lượng Hezbollah đã đứng về phía chính phủ đàn áp những người biểu tình.

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Lebanon?

Thủ lĩnh Đảng Xã hội Tiến bộ Lebanon, Walid Jumblat gọi các cuộc biểu tình trên đường phố ở Beirut và các thành phố khác là "cuộc nổi dậy dân sự". Nghị sĩ Hussein Hajj Hassan kêu gọi chính phủ sửa đổi kế hoạch thuế theo lợi ích sống còn của người dân. Ông nói "Vấn đề thâm hụt ngân sách không nên giải quyết bằng cách lấy tiền của người nghèo".

Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã gặp gỡ những người biểu tình và nói rằng ông "hiểu sự bức xúc của họ" và hứa sẽ có một giải pháp thỏa đáng cho cuộc khủng hoảng. Nội các Lebanon cũng đã họp để thảo luận các biện pháp thoát khỏi tình huống nguy cấp này.

Trước đó cùng ngày, Văn phòng Báo chí Tổng thống Lebanon đã ra tuyên bố, Tổng thống Michel Aoun đang tiến hành các liên hệ cần thiết để tạo điều kiện cho việc thành lập một chính phủ mới của Lebanon sau khi Thủ tướng Saad Hariri từ chức.

Biểu tình lịch sử chống chính phủ ở Lebanon sau giọt nước tràn ly: Cả lực lượng vũ trang cũng tuyên bố ủng hộ - Ảnh 7.

Các nhà quan sát cho rằng, giải pháp khả dĩ nhất để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay là Hariri thành lập một chính phủ mới gồm các nhà kỹ trị, có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế, tài chính của đất nước, loại trừ một số bộ trưởng hiện nay đang bị cáo buộc tham nhũng như Bộ trưởng Ngoại giao Jibran Basseel và Bộ trưởng Tài chính Hassan Khalil, đồng thời thay thế thống đốc Ngân hàng Trung ương và các quan chức cấp cao khác thiếu năng lực và dính vào tham nhũng.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun đang tiến hành tham khảo ý kiến với các đảng phái chính trị và tôn giáo để thành lập một chính phủ mới với các bộ trưởng được lựa chọn theo năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác, chứ không phải theo lòng trung thành chính trị hay phe cánh. Hệ thống chính trị trên cơ sở giáo phái hiện nay cần phải được chuyển sang thiết lập một nhà nước dân sự.

Ông cũng kêu gọi Quốc hội sớm thông qua luật chống tham nhũng, thành lập một tòa án đặc biệt xét xử tội biển thủ công quỹ và một cơ quan chống tham nhũng quốc gia, thu hồi các tiền và tài sản tham nhũng và dỡ bỏ quyền miễn trừ và bí mật của các quan chức hiện nay cũng như trước đây.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại