Sự việc căn “biệt phủ” không phép xây trên dịch tích hàng nghìn m2 tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) đang trở thành tâm điểm dư luận.
Điều đáng nói, đứng tên khu đất trên là bà Trương Thị Kim – mẹ ông Huỳnh Ngọc Sơn (Giám đốc sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế - PV).
Không những vậy, một số thông tin cho biết, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thường xuyên được “điều” đến cắt tỉa cây cảnh trong “biệt phủ” (!?).
Điều này dẫn đến những nghi ngờ về chủ sở hữu thực sự của biệt phủ và mối quan hệ khó hiểu giữa lãnh đạo Trung tâm với chủ sở hữu “biệt phủ” này.
Những thông tin trên sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên, việc “biệt phủ” trên xây dựng không phép là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Và, các cơ quan chức năng cần sớm nhập cuộc làm rõ và xử lý nghiêm khắc.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII để “mổ xẻ” rõ hơn vấn đề này.
- Ông nhìn nhận gì về việc biệt phủ không phép "mọc" ngay tại đất Cố đô Huế?
Đương nhiên, công trình xây dựng không có giấy phép là sai. Một “biệt phủ” được xây dựng trên diện tích hàng nghìn m2, quy mô xây dựng rầm rộ như vậy mà không có phép, chính quyền không xử lý, tôi cũng thấy lạ!
Đúng là, nếu đặt việc này so sánh với việc người dân làm cái ban công, sửa cái chuồng gà đã bị cán bộ địa phương xử lý thì thấy sao mà khập khiễng quá! Dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về việc ai là người đứng sau “biệt phủ” không phép đó?
- Một “biệt phủ” xa hoa, rộng hàng ngàn m2 mọc lên nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. Cách giải thích của họ liệu có hợp lý, thưa ông?
Rõ ràng, đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Thực ra, một việc nhỏ xíu mà người dân làm sai cũng bị phát hiện nhưng “biệt phủ” xây to cả ngàn m2 mà không ai biết, không xử lý là điều vô lý.
Tôi thấy, khi được hỏi, đại diện chính quyền địa phương tỏ ra “bất ngờ” và nói “việc xây dựng công trình này chưa thấy báo cáo với địa phương”, đó là quan liêu.
Theo tôi, cần phải xem xét cả trách nhiệm của phường, thị xã về việc để một công trình “khủng” như vậy mọc lên mà chưa hề được cấp phép.
- Trở lại câu chuyện về “biệt phủ” không phép, theo ông phải xử lý như thế nào?
Nếu “biệt phủ” xây dựng không phép phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. Xây dựng không phép, không phù hợp quy hoạch thì phải phá dỡ.
Chủ công trình tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Không ai có thể đứng trên luật pháp được.
- Ông có bất ngờ trước thông tin “biệt phủ” này đứng tên mẹ vợ vị “sếp lớn” không?
Hiện nay, đang có hình thức tinh vi liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản của quan chức. Cũng có thể nó bắt nguồn từ việc quản lý tài sản dựa trên việc kê khai của cá nhân khá gắt gao.
Chính vì vậy, nhiều người có tài sản, đất đai nhưng để người thân trong gia đình đứng tên. Bởi, cán bộ, công chức, nếu chỉ có đồng lương chân chính thì lấy đâu ra để sở hữu tài sản giá trị lớn như thế?
- Nói như ông lẽ nào chúng ta chịu thua trước những kiểu “ngụy trang” này?
Tài sản không đứng tên các vị đó xử lý càng dễ. Chúng ta cứ xử lý đúng pháp luật, kiểu gì vị đó cũng phải ra mặt. Lúc đó, sẽ biết ngay. Cứ xử nghiêm, kiểu gì cũng lộ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!