Biệt đội "hai ngón" hoành hành chốn tâm linh

Ngọc Thiện |

Đi chùa cầu an, cúng sao giải hạn... thường nở rộ vào dịp đầu năm mới. Tháng Giêng, nhiều ngôi chùa rộng cửa đón Phật tử và khách tham quan từ khắp nơi tìm đến. Đây cũng được xem là "tháng làm ăn" của biệt đội "hai ngón"...

1.Linh Quang Tịnh xá nằm sâu trong con hẻm nhỏ tại quận 4, TP Hồ Chí Minh nhưng mỗi ngày đều có rất đông người lui tới cầu an, chữa bệnh, dâng sao giải hạn. Phía ngoài cửa chùa là những "đệ tử cái bang" nằm, ngồi la liệt.

Người chìa nón, kẻ chìa tay xin tiền hảo tâm. Những hình ảnh như vậy thường xuất hiện ở khu vực các ngôi chùa thường đông khách. Tuy nhiên, lẩn khuất trong lực lượng hùng hậu "cái bang" này luôn có những biệt đội "hai ngón" hành nghề vô cùng tinh vi, chuyên nghiệp.

Một gã xe ôm có biệt danh "Rỗ" thường nhận tiền của "hai ngón" để làm tai mắt cho chúng ở đầu hẻm dẫn vào Tịnh xá.

Gã này có nhiệm vụ quan sát, thám thính mọi hoạt động của người dân xung quanh, đồng thời chuyên chở "mắt xích" của biệt đội "hai ngón" tẩu thoát khi phi vụ thành công.

Nhóm chuyên móc túi, trộm cắp ở đình chùa có khoảng 5 đến 7 đối tượng, đi xe máy theo cặp nam và nữ giống kiểu tình nhân, vợ chồng nhằm qua mắt người dân.

Khi tới chùa, chúng phân tán lực lượng ra, mỗi người một nhiệm vụ. Nữ thì đóng giả là người đi chùa thắp hương khấn lạy như thật, rồi tìm cách tiếp cận một số người làm công quả trong chùa để khai thác thông tin như: thời gian các thầy tụng kinh, giờ ăn cơm, nghỉ ngơi; đàn ông sẽ đóng giả là ăn xin ngồi vạ vật ở cổng chùa, từ đó "tia con mồi" nào "vip" để móc túi hoặc dàn cảnh cho đồng bọn hành động.

Bà Tư Hòa, một người bán nước lâu năm ở trong hẻm Tịnh xá cho biết, ngày mồng 5 Tết vừa rồi có hai vợ chồng từ Bình Chánh lên do mải mê sắm lễ, thành tâm cúng Phật quá mà bà vợ bị mất chiếc túi xách trong đó có hơn 10 triệu đồng và một số giấy tờ quan trọng.

Bọn chúng tài tình ở chỗ lấy cắp lúc nào không ai hay biết, cứ như có phép tàng hình vậy.

Đang đau khổ vì mất của, lúc ra về ông chồng còn phát hiện mất luôn đôi giày da xịn có giá gần 3 triệu đồng. Theo bà Tư Hòa, các nhóm trộm chỉ xuất hiện vào dịp lễ lớn có đông khách tham quan, cúng kính. Đợt nào cũng có vài người mất ví tiền, túi xách, điện thoại.

Phường trộm cắp chuyên nghiệp đến mức nhìn vào túi là biết hàng thật hay giả, nhìn vào chân biết được đôi giày dép đó mua bao nhiêu tiền. Cứ trên 1 triệu đồng là chúng "thó", về bán lại lấy nửa giá.

Mỗi ngày chúng "thó" 10 đôi cũng có vài triệu chia nhau. Bà Tư Hòa còn tính nhẩm, mỗi chùa, biệt đội "hai ngón' ghé thăm thì ít nhất chúng cũng cuỗm được dăm bảy đôi giày dép giá trị chưa kể tiền vàng, điện thoại chỉ chờ sơ hở của người dân là "không cánh mà bay" trong vòng "một nốt nhạc".

2.Vào Rằm tháng Giêng, đình M.H (Q.5, TP. Hồ Chí Minh) có rất nhiều người đi cúng sao giải hạn. Nắm được lịch cúng, biệt đội "hai ngón" do một đối tượng nữ (không rõ tên nhưng nghe người xe ôm cổng đình nói là Tám My) cầm đầu có mặt từ rất sớm bày binh bố trận vòng ngoài vòng trong.

Có hai đối tượng giả danh người đi cúng sao giải hạn để tiếp cận, lê la làm quen, hỏi thăm dăm ba câu.

Thừa lúc thành tâm cầu nguyện, chúng áp sát túi xách lấy bằng sạch tiền. Nhóm khác rình mò tại các hòm công đức, dùng móc sắt có dán keo hai mặt móc tiền. Để thực hiện được hành động này, chúng phải có 3 người. Trong đó hai đối tượng cảnh giới đứng hai phía làm bình phong để đối tượng thứ 3 lấy tiền.

Chúng làm việc này vào giờ trưa sau bữa ăn khi quản lý đình, chùa đã đi nghỉ ngơi và vắng khách.

Biệt đội hai ngón hoành hành chốn tâm linh - Ảnh 1.

Đối tượng thường trà trộn vào dòng người đi chùa để móc túi, trộm cắp.

Tám My là người hoạt động vòng ngoài cổng đình, sau khi đồng bọn phát tín hiệu thành công, Tám My lập tức lấy xe rời đi.

Theo cánh xe ôm thì biệt đội "hai ngón" này chỉ hoạt động mỗi chùa một lần rồi mất tích trong vòng 3 đến 6 tháng mới quay lại nhằm xóa dấu vết, không để ai nhận ra mặt.

Vợ chồng anh Lê Văn Hoàng và chị Hạnh Vân (Q.5, TP. Hồ Chí Minh) là một trong rất nhiều nạn nhân của biệt đội "hai ngón". Ngày 14 tháng Giêng, anh Hoàng sắm sửa mâm lễ qua đình M.H cúng sao giải hạn.

Vì số người đi cúng đông nên vợ chồng anh Hoàng phải xếp hàng.

Trong thời gian chờ đợi có một người phụ nữ mặc đồ nâu sòng, tóc búi cao, khuôn mặt buồn buồn tới hỏi chuyện. Chị ta hỏi vợ chồng anh Hoàng năm nay bị sao gì chiếu mệnh, nhờ thầy nào cúng. Tin tưởng nên chị Hạnh Vân trả lời rất chân thành, không giấu giếm điều gì.

Khoảng 30 phút thì đến lượt vợ chồng anh Hoàng vào cúng. Họ khăn áo chỉnh tề, túi xách để sang một bên chắp tay khấn lạy, thành tâm cầu nguyện nên vô tình làm con mồi cho "người bạn mới quen".

Xong bài cúng, chị Hạnh Vân quay sang với túi xách lấy tiền cúng dường thì giật mình chẳng thấy đâu. Chị tá hỏa hỏi mấy người xung quanh, tất cả đều lắc đầu, nhìn quanh cũng không thấy người phụ nữ mới quen.

Sau chị Hạnh Vân, đến cuối giờ trưa một người khác cũng tá hỏa báo mất điện thoại Iphone X mới mua trong dịp Tết.

Ở cửa chùa, cổng đình hoặc những nơi tâm linh tập trung đông người, biệt đội "hai ngón" luôn biết cách hóa thân làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh, không gian, thời gian và địa vị. Trong một cuộc dàn trận, người có thể biến thành nhà sư giả, người thành “quý bà”, số khác lại thành "cái bang", xe ôm...

Giữa sự biến hóa khôn lường như vậy, rất khó để nhận ra bộ mặt thật của phường săn trộm. Nếu một kẻ bị phát hiện, thì mấy kẻ còn lại lập tức báo động để chuồn và biến mất không dấu vết.

Ông Lê Quốc Hân (Q.1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ông thường xuyên đi chùa và chứng kiến rất nhiều người bị móc túi ngay trước nơi thờ Phật.

"Có lần tôi còn nhìn thấy kẻ trộm mặc áo cư sĩ dùng móc sắt moi tiền trong hòm công đức. Khi tôi tiến lại hỏi thì người này nói là đang lau chùi bụi bẩn và chìa cho tôi xem chiếc khăn lau, còn móc sắt thì người này giấu vào cánh tay áo.

Tôi đi vào gặp sư trụ trì trình bày sự việc nhưng vừa quay ra thì không thấy "cư sĩ" này nữa", ông Hân chia sẻ.

3.Đi chùa cầu may mắn bình an lại bị móc túi, thậm chí mất cả giày dép làm nhiều người buồn lòng, cho đó là điềm xấu. Tình trạng móc túi, trộm cắp nơi cửa chùa đã diễn ra nhiều năm, nhất là các dịp lễ lớn có nhiều người tập trung.

Từ trộm vặt cho tới hình thành đường dây có hệ thống hoạt động bài bản, xuyên qua nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Mới nhất vào tháng 9-2019, hai cặp tình nhân đi xe máy xuyên Việt thực hiện nhiều vụ trộm tiền công đức tại các ngôi đền, chùa. Khi đang trộm cắp tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thì bị Công an bắt giữ.

Biệt đội "hai ngón" khai đi xe máy ăn trộm từ Nam ra Bắc và sử dụng Google Map để tìm kiếm vị trí các ngôi chùa, đền ở địa bàn chúng đi qua. Khi xác định được vị trí, chờ lúc vắng người các đối tượng sử dụng lưỡi cưa sắt, băng dính 2 mặt, dây cao su để lấy trộm tiền trong két sắt.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ trộm cắp, móc túi tại các đền, chùa, miếu mạo, nơi gửi gắm tâm linh của bá tánh chúng sinh, nơi vốn đề cao sự thiện lương.

Niềm tin vào lương tri con người đã khiến cho công tác bảo vệ, giám sát an ninh ở những nơi này đa phần còn sơ sài, thậm chí là không có. Lợi dụng "lỗ hổng" này, phường trộm cắp và biệt đội "hai ngón" ra sức tung hoành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại