Một người thợ chuyên sửa chữa đồ điện dân dụng hỏng bỗng chốc biến thành bác sĩ đầu ngành chuyên chữa khỏi các bệnh nan y, dù chưa từng trải qua bất cứ trường lớp nào về y tế. Một thứ thuốc được quảng cáo là biệt dược, chữa khỏi tất cả các bệnh về u bướu và tuyến giáp nhưng lại không được bất cứ cơ quan chức năng nào cấp phép.
TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG MẠO DANH BÁC SĨ QUẢNG CÁO THUỐC GIẢ
Nếu thường xuyên xử dụng Facebook, YouTube thì thời gian gần đây, bạn có thể sẽ thấy loại thuốc có tên gọi Hoàng Kim Giáp được quảng cáo dày đặc trên các trang mạng xã hội với khả năng chữa lành u bướu và mọi căn bệnh về tuyến giáp chỉ sau vài ngày điều trị. Sự thật liệu có đúng như quảng cáo?
Nhiều khán giả xem truyền hình sẽ vẫn còn nhớ ông Nguyễn Anh Tạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội - người đàn ông trong hình ảnh trên đây - một diễn viên nghiệp dư của câu lạc bộ điện ảnh truyền hình Thanh Xuân. Ông Tạo còn được gọi là người bệnh đen đủi, bởi ông đã tự nhận mắc cả trăm thứ bệnh chỉ để quảng cáo cho các loại thực phẩm chức năng, đánh lừa người tiêu dùng.
Dù đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, thậm chí bị cả cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Thanh Xuân triệu tập, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông Tạo lại "nhớ nghề". Lần này, không vào vai bệnh nhân, ông Tạo đóng hẳn làm bác sĩ để đánh lừa người dân với tuyên bố có thể chữa khỏi tận gốc nhiều loại bệnh nan y.
Ông Tạo đã tự nhận mắc cả trăm thứ bệnh chỉ để quảng cáo cho các loại thực phẩm chức năng.
"Ung thư thì tôi chịu, nhưng các bệnh về tuyến giáp, bướu cổ, suy giáp, dù nặng đến mấy hay thời gian dài bao nhiêu tôi cũng chữa dứt điểm, không bao giờ tái phát. Bà con để lại số điện thoại, tôi sẽ tư vấn trực tiếp cho bà con để chữa dứt điểm căn bệnh này" - ông Tạo nói trong vai "vị bác sĩ đầu ngành".
Ông Tạo có thâm niên kinh nghiệm sửa đồ điện nhưng chẳng có bất cứ một chút kiến thức y khoa nào để chữa bệnh cho người. Thứ thần dược mà lần này ông Tạo nhận tiền để vào vai bác sĩ quảng cáo là Hoàng Kim Giáp, được cho là có thể chữa khỏi hẳn u bướu hay ung thư tuyến giáp chỉ sau 1 liệu trình sử dụng.
Ông Tạo với công việc sửa chữa đồ điện thường ngày
Ông Tạo vào vai bác sĩ quảng cáo Hoàng Kim Giáp - loại thuốc được cho là có thể chữa khỏi hẳn u bướu hay ung thư tuyến giáp chỉ sau 1 liệu trình sử dụng
Dù đã lấy lý do nhà nghèo không đủ tiền nhưng người tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền vẫn nài ép người bệnh phải mua ít nhất 2 hộp thuốc Hoàng Kim Giáp với giá 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên việc mua bán chỉ thực hiện qua hình thức giao hàng tận tay người bệnh chứ không hề có địa chỉ đến mua trực tiếp.
Bên trong gói hàng, ngoài 2 hộp thuốc Hoàng Kim Giáp còn có bản sao giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp. Thế nhưng, sản phẩm này là thuốc, không phải thực phẩm chức năng thì bắt buộc phải được Bộ Y tế thẩm định qua một quy trình hết sức nghiêm ngặt mới được cấp phép lưu hành trên thị trường. Cục An toàn thực phẩm hoàn toàn không có chức năng cấp số công bố cho loại thuốc biệt dược này.
Số đăng ký trên giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và số đăng ký trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không trùng khớp nhau, cho dù theo nguyên tắc thông tin này bắt buộc phải trùng khớp
Bác sĩ Nghiêm Trần Dũng - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh - Hà Nội cho biết: "Với riêng thuốc này, tôi khẳng định không có tác dụng gì trong bệnh lý tuyến giáp. Để chẩn đoán cần nhiều biện pháp thăm dò ngoài sự tư vấn khám lâm sàng của các bác sĩ chuyên khoa, sau đó cần can thiệp phẫu thuật, thậm chí xạ trị nữa, chứ không chỉ đơn thuần một sản phẩm như thế này có thể điều trị được".
Dù có rất nhiều dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất cũng như việc cấp phép lưu hành trên thị trường. Thế nhưng mỗi ngày, hàng trăm clip quảng cáo với các diễn viên đóng vai bác sĩ, bệnh nhân, vẫn được tung lên các trang mạng xã hội để đánh lừa người tiêu dùng.
Với giá 800.000 đồng/ hộp, một liệu trình điều trị phải sử dụng đến cả chục hộp thì các đối tượng lang băm thu lợi một số tiền không nhỏ. Còn người bệnh không hề biết rằng mình đang uống thứ thuốc chưa hề được bất cứ một cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng.
CHIÊU TRÒ GIẢ MẠO, BÁN THUỐC KHÔNG QUA KIỂM ĐỊNH
Trong quá trình điều tra, phóng viên của Chuyển động 24h đã phát hiện ra hàng loạt các chiêu trò giả mạo của những đối tượng sản xuất ra sản phẩm này.
Để tìm hiểu thông tin về loại thuốc biệt dược có khả năng chữa khỏi tất cả các bệnh lý tuyến giáp, phóng viên đã tìm đến địa chỉ sản xuất được in trên giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của thuốc Hoàng Kim Giáp. Thế nhưng đại diện Hợp tác xã thuốc nam gia truyền dân tộc Dao ở xã Hợp Sơn khẳng định, đây không phải là thuốc do đơn vị này sản xuất. Số điện thoại in trên sản phẩm cũng không phải của hợp tác xã.
Chị Trần Thị Hiền - Đại diện Hợp tác xã thuốc nam gia truyền dân tộc Dao - xã Hợp Sơn - Ba Vì - Hà Nội cho biết: "Họ lấy địa chỉ của chúng tôi như thế này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của hợp tác xã. Ở đây chúng tôi làm rất thật, sản phẩm là thật, chứ cái sản phẩm này là không phải".
Theo đại diện hơp tác xã, đã có nhiều trường hợp tự ý lấy địa chỉ ở đây rồi in lên sản phẩm để bán ra thị trường như loại thuốc này. Đơn vị này cũng khẳng định, chưa từng xin Cục An toàn thực phẩm cấp số công bố cho loại thuốc Hoàng Kim Giáp.
"Việc lấy địa chỉ của chúng tôi như thế này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của hợp tác xã chúng tôi"
Để tiếp tục làm rõ, phóng viên đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm tra cứu trên hệ thống hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thì phát hiện ra: số công bố in trên bản đăng ký của sản phẩm Hoàng Kim Giáp đã được cấp cho một sản phẩm khác từ năm 2018. Mọi thông tin trên giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thuốc Hoàng Kim Giáp đều là giả mạo.
Ông Lê Hoàng - Trưởng phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược. Sau khi nhận được thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã đăng cảnh báo trên trang thông tin điện tử của Cục, cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có tên Hoàng Kim Giáp".
Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược
Không chỉ ngang nhiên làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan nhà nước, những đối tượng sản xuất, kinh doanh loại thuốc giả này còn dựng lên hàng loạt các bác sĩ, bệnh nhân giả để đánh lừa người tiêu dùng.
Để màn kịch diễn ra trót lọt, các đối tượng này thậm chí còn mạo danh cả Bệnh viện đa khoa Tâm Anh trong các clip lừa đảo để tìm cách móc hầu bao của người bệnh.
Bác sĩ Nghiêm Trần Dũng - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh - Hà Nội lo ngại: "Chúng tôi cho rằng hành vi này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến uy tín cũng như chất lượng điều trị của bệnh viện. Trong clip, chúng tôi thấy hiện lên hàng chữ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, đây là hành vi vi phạm mà chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần điều tra xử lý nghiêm khắc việc này".
Hiện, Phòng Thanh tra của Cục An toàn thực phẩm đang tiến hành xác minh làm rõ địa điểm sản xuất, kinh doanh và các đối tượng làm giấy tờ giả mạo. Cơ quan công an cũng đã tiếp nhận tất cả tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi sai phạm của các tổ chức, các nhân đưa sản phẩm Hoàng Kim Giáp ra thị trường để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.