Được biết, doanh nhân này có tên là Trần Trác Lâm, đến từ Hoài Hóa, Hồ Nam, Trung Quốc, cô tham gia thiết kế đồ thủ công bằng rơm từ năm 2015.
Lý do khởi nghiệp là cô nhận thấy sau khi nông dân trong làng thu hoạch lúa, ngoại trừ dùng cho gia súc ăn, hầu hết rơm sẽ được phơi khô rồi đốt. Nó không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Làm thế nào để sử dụng hợp lý số rơm này mà vẫn bảo vệ môi trường?
Là một cử nhân chuyên ngành mỹ thuật, cô nảy ra ý tưởng biến những bó rơm không dùng đến này thành đồ thủ công!
Nói làm là làm. Sau một thời gian tìm hiểu, cô nhanh chóng thành lập công ty chuyên thiết kế và sản xuất đồ thủ công từ rơm, bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.
Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Dù đã có nền tảng về mỹ thuật nhưng cô vẫn gặp phải nhiều vấn đề hóc búa như thiết kế sản phẩm theo độ mềm của rơm như thế nào, thiết kế loại sản phẩm nào, sản xuất ra sao…
May mắn thay, nhờ sự năng động và ham học hỏi, không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học của mình, sau một thời gian mày mò, cô nhanh chóng nắm vững kỹ thuật làm đồ thủ công bằng rơm với nhiều mẫu mã khác nhau.
Sau vài năm phát triển, công ty của Trần Trác Lâm đã thiết kế một loạt các sản phẩm thủ công bằng rơm lấy chủ đề hoạt hình, văn hóa nông nghiệp, kiến trúc lâu đài… và đã được bán cho hơn 120 thành phố trên cả Trung Quốc và thị trường châu Âu, châu Mỹ, với doanh thu hàng năm thu nhập trên 10 triệu tệ (tương đương hàng chục tỷ đồng).
Ngoài ra, nó cũng khiến hàng trăm người ở quê của cô có được việc làm, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Là một nữ doanh nhân, những thành tựu hiện tại của Trần Trác Lâm là minh chứng cho câu nói, cơ hội kinh doanh ở khắp mọi nơi, rất nhiều khi, nó ở bên cạnh bạn, điều quan trọng là bạn có đủ khôn ngoan và nắm bắt được nó hay không.
Những người nghiêm túc trong việc khởi nghiệp luôn biết cách nắm bắt những cơ hội xung quanh họ. Nhưng có nhiều người, lại luôn muốn bắt đầu một cái gì đó thật lớn lao.
Khi nghĩ đến việc khởi nghiệp, họ muốn xây dựng một nền tảng, một doanh nghiệp hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ hay việc tạo ra một điểm sáng mới và thay đổi cả thế giới.
Họ luôn nghĩ rằng để bắt đầu kinh doanh, họ phải có một tòa nhà văn phòng cao cấp ở trung tâm thành phố hạng nhất, phải dùng máy tính, bật điều hòa, uống cà phê, mặc vest và đi giày mỗi ngày… đó mới là khởi nghiệp đích thực.
Bán rơm? Chưa bao giờ nghĩ tới. Nói trắng ra là không thích.
Mà không biết rằng, rất nhiều những nhà khởi nghiệp đều không bắt đầu với những tòa nhà cao tầng hoành tráng, rất nhiều doanh nghiệp đều xuất phát từ những điều bình thường xung quanh chúng ta.
Sự phát triển của Internet trong những năm gần đây khiến nhiều người nhắm mắt làm ngơ trước những cơ hội làm giàu xung quanh mình.
Đôi mắt của họ luôn nhìn lên, nhìn chằm chằm vào các ngành tài chính và Internet, cố gắng chen chân vào những ngành được cho là hot, nghĩ rằng đó là những ngành kinh doanh béo bở và hấp dẫn.
Vài năm trước, nếu Chung Thiểm Thiểm (tỷ phú doanh nhân người Trung Quốc, người đã sáng lập và chủ trì Nongfu Spring, công ty đồ uống lớn nhất Trung Quốc) không trở thành người giàu nhất mới của Trung Quốc và được truyền thông đưa tin rầm rộ, có lẽ nhiều người còn không biết Chung Thiểm Thiểm là ai, càng không biết bán nước uống thôi cũng có thể kiếm được bộn tiền như vậy.
Tin rằng nhiều người sẽ không chú ý đến ngành công nghiệp này, và thậm chí coi thường công việc bán nước.
Tương tự như vậy, nước tương Hải Thiên, một thương hiệu nước tương đặt tại Phật Sơn, Quảng Châu, sản xuất gia vị nấu ăn trong nhà bếp hàng ngày, nhưng lại chẳng có bao nhiêu người Trung Quốc chú ý tới ngành sản xuất này.
Theo các báo cáo, trong giai đoạn này, khi giá trị thị trường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cổ phần Thực phẩm & Gia vị Hải Thiên (công ty Trung Quốc chuyên sản xuất nước chấm và đồ gia vị. Đây là nhà sản xuất xì dầu lớn nhất trên thế giới) tăng vọt, giá trị của người sáng lập Bàng Khang cũng tăng theo.
Trong "Danh sách người giàu Hurun", Trung Quốc, được công bố cách đây một thời gian, Bàng Khang xếp thứ 11 với giá trị tài sản ròng 195 tỷ nhân dân tệ, vượt xa các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực Internet nổi tiếng như Lôi Quân, Lương Cường Đông hay Trương Cận Đông. Theo thống kê, trong top 100 người giàu nhất Trung Quốc, có 27 người đến từ doanh nghiệp Hải Thiên.
Hiệu ứng tạo ra tỷ phú này thậm chí còn vượt qua cả các công ty Internet đã IPO.
Tương tự, một tin tức hot không kém đó là một bà mẹ 35 tuổi nghỉ việc đi bán gàn rán, thu nhập tỷ đồng mỗi năm cũng khiến nhiều người phải trầm trồ.
Trên thực tế, các ông/bà chủ bán nước, xì dầu, gà viên đều kiếm được bộn tiền, nhưng có mấy ai để ý đến những ngành này?
Đây chỉ là phần nổi của tảng băng được truyền thông tiết lộ. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều ngành siêu lợi nhuận mà chúng ta chưa bao giờ quan tâm, thậm chí coi thường.
Những người tham gia vào các ngành này đang kiếm bộn tiền trong âm thầm, còn phần lớn chúng ta thì lại phớt lờ chúng.
Lời kết
Ngày nay, Internet tồn tại như một vị thần, nhưng nó chỉ là một nhánh của rất rất nhiều nghề nghiệp trong xã hội.
Dù là khởi nghiệp hay chỉ đơn giản là theo dõi tin tức mỗi ngày, cũng đừng luôn nhìn chằm chằm vào ngành công nghiệp Internet có vẻ cao siêu hay ngành tài chính hào nhoáng, cho rằng đó mới là khởi nghiệp, mới kiếm được nhiều tiền.
Nếu tìm hiểu sâu, bạn sẽ thấy công việc mệt nhọc, lao động chân tay trong những ngành này chưa hẳn đã ít hơn những ngành khác. Thậm chí, làm thêm giờ là chuyện bình thường.
Tất cả những người đang kiếm sống hay muốn khởi nghiệp nên mở rộng tầm nhìn của chúng ta, hạ thấp tầm nhìn của bản thân lại, đồng thời hiểu sâu hơn về xã hội của và nhu cầu của từng ngành. Đối với những người bình thường, ở đó có nhiều cơ hội hơn để làm giàu hơn.
Hãy để Internet đóng vai trò là công cụ hỗ trợ và trợ giúp cho hoạt động kinh doanh và sinh kế của chúng ta.
360 nghề, nghề nào cũng cho ra được trạng nguyên, nghề nào cũng đều sẽ kiếm được nhiều tiền.
Cho dù đó là Chung Thiểm Thiểm, người bán nước khoáng hay Musk, người muốn di cư lên sao Hỏa, về bản chất của hoạt động kinh doanh, họ đều đang giải quyết nhu cầu của mọi người, tạo ra giá trị và thu lợi nhuận.
Cốt lõi của kinh doanh không phải là vẻ bề ngoài hào nhoáng, mà là giải quyết các vấn đề của xã hội.
Là một xã hội, chúng ta không chỉ cần các ngành công nghiệp cốt lõi công nghệ cao để thúc đẩy tiến bộ xã hội, mà còn cần các ngành dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, thực phẩm, nhà ở và giao thông, thậm chí cả ngành giải trí để mọi người trò chuyện và cười đùa sau bữa ăn tối, đây mới là một sinh thái kinh doanh hoàn chỉnh.