Cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày thứ Bảy 6/7 thông báo rằng tàu Hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc CCG-5901 đã neo đậu bên trong EEZ của Philippines ở Biển Đông, với mục đích đe dọa nước láng giềng Đông Nam Á này.
Người phát ngôn PCG Jay Tarriela nói chiếc tàu Hải cảnh "quái vật" dài 165m của Trung Quốc đã xuất phát từ đảo Hải Nam vào ngày 1/7 và xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines vào 2/7. Cảnh sát biển Philippines phản ứng bằng cách cảnh cáo và truy vấn mục đích của tàu Trung Quốc.
"Đó là hành động đe dọa từ phía Hải cảnh Trung Quốc," ông Tarriela nói. "Chúng tôi sẽ không lui bước và sẽ không để bị dọa dẫm."
Ông Jay Tarriela cho biết, chiếc tàu "quái vật" của Hải cảnh Trung Quốc cùng một tàu nhỏ khác đã thả neo cách tàu của PCG khoảng hơn 730m.
Đáng chú ý, vụ việc kể trên diễn ra ngay trong thời điểm Philippines và Trung Quốc tổ chức đối thoại cấp cao tại Manila ngày 2/7 giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Maria Theresa Lazaro và Chen Xiaodong.
Theo đó, hai nước nhất trí sự cần thiết phải khôi phục và "xây dựng lại lòng tin" giữa song phương nhằm kiểm soát tốt hơn các bất đồng trên biển. Đôi bên cũng thảo luận "khả năng tái khởi động" một Ủy ban Cảnh sát biển chung (JCGC) giữa hai nước - một di sản từ nhiệm của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
"Lưu ý đến những sự kiện gần đây trên Biển Đông, cả hai nước ghi nhận rằng cần phải khôi phục niềm tin, tái thiết lòng tin và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và tương tác hiệu quả," Bộ Ngoại giao Philippines thông tin về cuộc đối thoại ngày 2/7.
Còn trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh kêu gọi Manila "thúc đẩy việc xoa dịu và hạ nhiệt tình hình trên biển, đồng thời ổn định quan hệ Trung Quốc-Philippines khỏi diễn biến xấu đi".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi về vụ việc liên quan đến tàu Hải cảnh CCG-5901 xuất hiện và hoạt động trong EEZ Philippines - trang Rappler (Philippines) cho hay.
Trung Quốc đến nay tiếp tục áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch với kim ngạch thương mại lưu thông hàng năm trị giá đến 3 nghìn tỷ USD - thông qua cái gọi là "Đường đứt đoạn" (hay "Đường lưỡi bò"). Vào năm 2016, yêu sách này đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague phán quyết là vô giá trị.
Philippines mới đây đã từ chối đề nghị từ phía Mỹ trong việc hỗ trợ các hoạt động của Manila trên Biển Đông sau những căng thẳng leo thang với Bắc Kinh.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Romeo Brawner nói với Reuters hôm 3/7 rằng nước này "sẽ cố gắng thực hiện tất cả phương án khả thi" trước khi phải nhờ đến sự trợ giúp từ đồng minh hiệp ước.