Bất chấp một loạt các cuộc đụng độ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông, các nhà phân tích cho rằng Philippines nên kiềm chế mong muốn viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ Chung (MDT) với Mỹ, mà thay vào đó tập trung vào hợp tác ngoại giao và chiến lược.
Cam kết của Mỹ vẫn 'vững như bàn thạch'
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), điểm nóng mới nhất xảy ra vào ngày 26/8 khi tàu tuần duyên Trung Quốc và Philippines va chạm gần bãi cạn Sa Bin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), gây hư hại cho hai con tàu của Philippines. Hai bên cáo buộc lẫn nhau về trách nhiệm trong vụ việc.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố cảnh báo Bắc Kinh rằng "Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Mỹ và Philippines năm 1951 mở rộng đến các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines - bao gồm cả tàu tuần duyên của nước này - ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông."
Theo SCMP, đây là lần nhắc nhở mới nhất của Mỹ rằng họ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Phòng thủ Chung, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một trong hai quốc gia phải được coi là một cuộc tấn công vào cả hai.
Một số quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Tổng thống Joe Biden, đã tuyên bố trong những tháng gần đây rằng cam kết của họ đối với Hiệp ước Phòng thủ Chung vẫn "vững như bàn thạch".
Đô đốc Samuel Paparo – Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - đã đề xuất vào ngày 27/8 rằng, tàu của Mỹ có thể hộ tống tàu của Philippines trong các nhiệm vụ tiếp tế trên Biển Đông, gọi đó là "một lựa chọn hoàn toàn hợp lý" nhưng vẫn cần tham vấn giữa các đồng minh.
Mỹ trước đây từng nói rằng họ "sẽ làm những gì cần thiết" để hỗ trợ các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines.
Tuy nhiên, tướng Romeo Brawner - Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines - vẫn kiên quyết theo đuổi con đường độc lập.
"Trong trường hợp chúng tôi có thể tự mình thực hiện, thì chúng tôi sẽ làm", ông nói.
Matteo Piasentini - giảng viên tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Philippines - cho biết, vụ va chạm hôm 26/8 và các vụ đụng độ gần đây khác - chẳng hạn như vụ Philippines tố tàu cá của họ bị lực lượng Hải cảnh Trung Quốc vô hiệu hóa hôm 25/8 - là "nghiêm trọng và đáng lo ngại".
Tuy nhiên, ông lập luận rằng những vụ việc này không đảm bảo kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Chung, và vẫn thấp hơn mức leo thang từng thấy vào tháng 6, khi một cuộc đụng độ ở Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khiến một quân nhân Philippines bị thương.
Joshua Espena - phó chủ tịch của tổ chức tư vấn Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Manila - cho biết, các vụ việc mới nhất là "quá đủ tín hiệu" để Philippines tăng cường tham vấn và phối hợp với Mỹ, cũng như với các đối tác như Nhật Bản và Úc.
"Philippines phải được phép huấn luyện về hỏa lực kết hợp, ngăn chặn, tình báo, giám sát, trinh sát và khả năng phát hiện tên lửa để đảm bảo rằng họ có thể sử dụng những năng lực này để răn đe thông thường ... [hoặc trong] cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc", Espena nói với SCMP.
Hiệp ước Phòng thủ Chung không giống 'công tắc đèn'
Theo SCMP, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đã thúc giục Trung Quốc "quay trở lại con đường đối thoại mang tính xây dựng" và cho biết Manila sẽ tiếp tục theo đuổi các giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ngày 27/8 đã lên án các hành động của Trung Quốc là "hoàn toàn bất hợp pháp".
Khi được hỏi liệu sự cố hôm 25/8 có kích hoạt hiệp ước với Mỹ hay không, ông Teodoro đã cảnh báo không nên hành động vội vàng, tuyên bố rằng ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang là ưu tiên của Philippines.
Don McLain Gill - nhà phân tích địa chính trị và giảng viên tại khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học De La Salle (Philippines) - nói rằng Hiệp ước Phòng thủ Chung "không giống như một công tắc đèn có thể bật và tắt".
"Nếu bạn xem xét cách diễn đạt của hiệp ước, nó nêu bật một điều khoản cụ thể về việc tăng cường tham vấn tại thời điểm xảy ra một cuộc tấn công vũ trang", ông Gill nói với This Week in Asia (SCMP).
"Nó nhằm đảm bảo rằng các cuộc tham vấn đang được tiến hành để quyết định những gì có thể được thực hiện giữa liên minh Philippines - Mỹ."
Khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila, đặc biệt là với điểm nóng gần đây tại bãi Sa Bin, các nhà quan sát lưu ý rằng các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc như việc bắn pháo sáng vào máy bay Philippines đóng vai trò là phương pháp thay thế để thử thách quyết tâm và khả năng bảo vệ quyền hàng hải của Manila.
Nhà phân tích Piasentini chỉ ra rằng đây không phải là phương pháp mới.
Chuyên gia Gill gợi ý về một "phản ứng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải", nhấn mạnh rằng Philippines cần lập kế hoạch hiệu quả với các đối tác thân cận, đặc biệt là Nhật Bản, để đảm bảo rằng Trung Quốc cảm nhận được hậu quả từ các hành động của mình.