Tìm kiếm một thông điệp “nhất quán” và “khác Trump”
Đầu tháng 8, một cố vấn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã nhanh chóng làm rõ những bình luận mà ông Biden đưa ra trong một cuộc trả lời với NPR rằng, ông sẽ hủy bỏ các loại thuế quan mà Tổng thống Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Quan chức này cho hay, ông Biden "sẽ đánh giá lại các loại thuế quan trên nếu đắc cử" chứ không khẳng định sẽ dỡ bỏ chúng. Tuy nhiên, việc làm thế nào để phản bác lại nhận định rằng, ông Biden mềm yếu với Trung Quốc đã cho thấy những thách thức mà ứng viên này phải đối mặt khi chạy đua vào Nhà Trắng trước đối thủ là Tổng thống đương nhiệm có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ như ông Trump.
Ông Biden ở trong tình thế "đi trên dây" khi vừa phải thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vừa phải cho thấy khả năng giải quyết những tranh chấp thương mại với Bắc Kinh bởi trên thực tế, sự phụ thuộc vào nhau của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này là không thể phủ nhận.
Nghiên cứu của Pew hồi tháng 7 cho thấy một tỷ lệ kỷ lục người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, ở mức 73%, nhưng cũng có tới 51% số người được hỏi muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ với "kẻ thù lớn nhất của Mỹ thời hiện đại" này.
Cuộc khảo sát của Gallup hồi tháng 2, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng cho thấy 79% người dân Mỹ có cái nhìn tích cực về vấn đề thương mại.
Một trong những thách thức lớn nhất của ông Biden nếu ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ là kết hợp những quan điểm khác nhau này thành một chính sách nhất quán. Ông Biden không chỉ có nhiệm vụ đoàn kết một đất nước phân cực và chia rẽ mà còn phải thống nhất quan điểm của các thành viên đảng Dân chủ mà vốn nhiều người trong số đó không quan tâm đến việc đặt ra các quy tắc thương mại với Trung Quốc, hoặc gần như đã chấp nhận sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
"Những người ra chính sách phải vượt khỏi suy nghĩ rằng, mỗi thỏa thuận thương mại đều là một thỏa thuận tốt và rằng, càng nhiều thỏa thuận thì vấn đề sẽ được giải quyết. Các nội dung chi tiết trong thỏa thuận mới là điều quan trọng", Jake Sullivan, cố vấn tranh cử được dự đoán sẽ đảm nhiệm một vai trò quan trọng trong tương lai nếu ông Biden đắc cử, nhận định trong một bài viết gần đây trên Foreign Policy.
Những nhân vật như Kurt Campbell và Ely Ratner, các quan chức cấp cao dưới thời Tổng thống Obama đều đánh giá, việc thừa nhận Trung Quốc là một mối đe dọa đã bị xem nhẹ trong quá khứ và các thỏa thuận thương mại tự do cần được theo đuổi một cách ít sốt sắng hơn.
Đối với Trung Quốc, lập trường nổi bật của ông Biden là cần phải cạnh tranh trong những mặt nhất định và hợp tác trong những mặt khác nhằm chấm dứt sự thiếu sót trong quan điểm về chính sách thương mại "có tổng bằng 0" của Tổng thống Trump.
"Cách thức tôi sẽ định hình mối quan hệ này nếu tôi là ông Biden là: Tôi có thể làm gì trong vấn đề thương mại thay vì tôi nên làm gì trong vấn đề này", cựu Thứ trưởng Thương mại Frank Lavin cho hay.
“Theo tôi, ông ấy sẽ giữ lại một số yếu tố trong chính sách của Tổng thống Trump nhưng ông ấy chắc chắn sẽ không tiếp tục lập trường cứng rắn hoặc kiểu cạnh tranh hiếu thắng như vậy. Do đó, mối quan hệ với Trung Quốc sẽ có sự cải thiện", cựu quan chức Mỹ nhận định.
Khác biệt trong chính sách với Trung Quốc của ông Biden
Một đề xuất gần đây của ông Biden nhằm "xây dựng lại chuỗi cung ứng của Mỹ" đã nhắc đến Trung Quốc 10 lần và chỉ nhắc đến Nga 3 lần.
Tuyên bố tạo dựng "những cơ hội mới cho các công nhân và doanh nghiệp mới trong khi hỗ trợ nhiều khu vực trên thế giới giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc" của ông Biden không khác nhiều so với cam kết "đưa 1 triệu công việc sản xuất từ Trung Quốc quay lại Mỹ" của Tổng thống Trump. Điều đó khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, sự khác biệt trong chính sách với Trung Quốc của 2 ứng viên này nằm ở các nội dung chi tiết chứ không phải chiến lược chung.
"Tôi nghĩ những khác biệt thực sự nằm ở các chiến thuật ngắn hạn. Chiến dịch tranh cử của ông Biden chủ yếu chỉ trích chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Trump là Mỹ đã chọn chiến tranh thương mại với cả các đồng minh thay vì tập trung nguồn lực đối phó với Trung Quốc và Washington không nhất thiết phải xa rời với các quốc gia mà nước này phải duy trì quan hệ thân thiết", Edward Alden - một chuyên gia về chính sách thương mại thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định.
Với lập trường này, ông Biden được dự đoán sẽ dỡ bỏ 232 loại thuế quan gây tranh cãi đối với mặt hàng nhôm và thép được áp lên các đồng minh của Mỹ từ Hàn Quốc, Brazil cho tới Canada và Liên minh châu Âu. Liệu 301 loại thuế quan với Trung Quốc có tiếp tục duy trì hay không có lẽ phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc với một Tổng thống Mỹ mới, các cựu quan chức Mỹ nhận định.
"232 loại thuế quan này sẽ dễ dàng dỡ bỏ hơn so với 301 loại thuế quan với Trung Quốc. Tôi cho là việc này sẽ khó khăn hơn một chút", James Green, người đã dành 5 năm với vai trò là cố vấn về vấn đề thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Obama cho hay.
Tuy nhiên, việc duy trì các loại thuế mà chính quyền Tổng thống Trump áp lên Trung Quốc sẽ phá vỡ quan điểm trước đây của ông Biden về vấn đề thương mại. Là một thượng nghị sĩ, ông Biden từng bỏ phiếu bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó bao gồm việc ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và khuyến khích Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.
Trong chiến dịch giành đề cử của đảng Dân chủ, ông Biden nhận định: "Những người nông dân Mỹ đã bị "giáng một đòn chí mạng" từ cuộc chiến thuế quan của ông Trump với Trung Quốc", đồng thời cho rằng ông Trump nghĩ là "các loại thuế quan đó do Trung Quốc trả. Nhưng thực tế thì bất kỳ sinh viên kinh tế nào ở Iowa đều có thể nói rằng, người Mỹ đang phải trả tiền cho các loại thuế quan đó".
Liên danh tranh cử của ông Biden - bà Kamala Harris cũng phản đối mạnh mẽ cách tiếp cận của ông Trump khi cho rằng: "Cuộc chiến thương mại đang khiến những người nông dân Mỹ điêu đứng, hủy hoại các công việc của người Mỹ và trừng phạt người tiêu dùng Mỹ".
"Tôi sẽ hợp tác với các đồng minh ở châu Âu và châu Á để đối phó với Trung Quốc nhằm giải quyết những vấn đề thương mại chứ không phải lặp lại cuộc chiến thuế quan thất bại của ông Trump vốn đang khiến những người dân Mỹ chăm chỉ phải trả giá", bà Kamala Harris cho biết.
Nếu liên danh tranh cử Biden - Harris thắng cử, một số nhà quan sát cho rằng các biện pháp thuế quan sẽ được xem xét lại, trong đó những loại thuế gây hại nhiều nhất cho Mỹ sẽ được dỡ bỏ.
Dù vậy, ngoài thuế quan, ông Biden hầu như có ít cơ hội để thay đổi các chính sách thương mại khác với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump, chẳng hạn như việc chấm dứt tình trạng thương mại đặc biệt của Hong Kong hay các lệnh trừng phạt và cấm vận liên quan đến vấn đề Tây Tạng. Trên thực tế, tất cả các chính sách trên hiện đều nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng tại Washington và hầu hết cử tri Mỹ.
Trung Quốc thực sự muốn ai trở thành Tổng thống?
Ông Biden rõ ràng sẽ dễ đoán hơn Tổng thống Trump trong việc đưa ra các chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ứng viên đảng Dân chủ sẽ xây dựng lại liên minh với các đối tác từng bị xem nhẹ dưới thời ông Trump giữa bối cảnh Trung Quốc đang có những bất đồng với Australia, Ấn Độ và Canada, cũng như chật vật trong quá trình đạt được những tiến triển về một hiệp định đầu tư với châu Âu.
"Trung Quốc có lẽ sẽ tận dụng tình hình rối ren trong đại dịch và khoảng trống quyền lực toàn cầu mà chính quyền Mỹ bỏ lại. Tuy nhiên, có một sự dịch chuyển sâu sắc và kéo dài đang diễn ra. Thế giới lần đầu tiên cảm nhận được chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng quyết đoán như thế nào", Kurt Campbell, cố vấn của ông Biden, người từng là một trong những "kiến trúc sư" của chính sách "Xoay trục châu Á" dưới thời Tổng thống Obama nhận định trong một bài viết trên Foreign Affairs.
Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Bắc Kinh đánh giá: "Trung Quốc thích ông Trump trở thành Tổng thống hơn ông Biden. Ông Biden từng nói rằng ông ấy sẽ cải thiện quan hệ với các đồng minh và đó là điều mà ông Trump đã không làm được trong 4 năm qua".
Đây từng là quan điểm được tán thành rộng rãi trước khi mối quan hệ Mỹ - Trung lao dốc trong đại dịch Covid-19, rằng Bắc Kinh muốn đàm phán với một Tổng thống thích các thỏa thuận thương mại hơn là một người muốn thúc đẩy những cải cách từ gốc rễ. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc và mối quan hệ giữa 2 nước hiện nay đã ở mức "thấp nhất trong nhiều thập kỷ" thì nhận định trên lại được nhìn nhận lại.
Sự tất yếu của mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến việc giải quyết những vấn đề giữa 2 quốc gia này trở nên vô cùng phức tạp. Trên thực tế, câu hỏi đặt ra cho ông Biden không phải là chính sách với Trung Quốc của ông khác với chính sách của Tổng thống Trump như thế nào mà là nó có hiệu quả ra sao trước một Bắc Kinh đã rất khác với thời điểm ông còn là Phó Tổng thống./.