Chính sách của ông Biden với Triều Tiên: Sự trở lại “chiến thuật kiên nhẫn”

Hồng Anh |

Một số chuyên gia cho rằng, chính quyền ông Biden sẽ có đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, cùng với đó là những dự đoán về khả năng thay đổi của chính quyền Tổng thống Mỹ, nhiều nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi nếu ứng cử viên Joe Biden chiến thắng vào tháng 11 tới, thì chính sách của ông với Triều Tiên sẽ như thế nào?

Ông Joe Biden đã hứa hẹn theo đuổi một cách tiếp cận truyền thống hơn đối với Triều Tiên và cũng báo hiệu sự quay trở lại của một mối quan hệ mang tính đối kháng hơn. Ứng cử viên này cho biết, ông sẽ thắt chặt trừng phạt Triều Tiên, phối hợp với Trung Quốc cùng các đồng minh gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ trong chương trình hạt nhân.

Khôi phục lại chiến thuật kiên nhẫn?

Đối với nhiều nhà phân tích, những ý tưởng của ông Biden về Triều Tiên nghe có vẻ quen thuộc. Còn nhớ khi đảm nhiệm cương vị Phó Tổng thống, ông Biden đã giúp giám sát “chiến thuật kiên nhẫn” của chính quyền Tổng thống Obama với chủ trương cô lập Triều Tiên và không “trao phần thưởng ngoại giao”, cố gắng từng bước gây sức ép về kinh tế và ngoại giao cho đến khi Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán.

Hiện giờ, ông Biden không sử dụng cụm từ “chiến thuật kiên nhẫn” để mô tả kế hoạch của ông đối với Triều Tiên, nhưng nếu thắng cử, chính quyền của ông có thể áp dụng chính sách tương tự nhưng được tính toán kỹ lưỡng hơn”, Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson cho biết.

Ứng cứ viên Biden từng cho biết, ông sẽ không tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao cá nhân như Tổng thống Trump đã áp dụng với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, vì cho rằng những Hội nghị Thượng đỉnh nhằm “đánh bóng hình ảnh” đã mang lại quá nhiều lợi ích cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thay vào đó, ông Biden cam kết sẽ trao quyền cho các nhà đàm phán của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên. Điều này cho thấy, các tương tác ngoại giao ban đầu sẽ xảy ra ở cấp độ thấp hơn.

Tuy vậy, theo chuyên gia Jenny Town, chính quyền của ông Biden sẽ “phải chịu thêm sức ép tiến hành một cuộc gặp Thượng đỉnh mà không ra về tay trắng”.

“Chính quyền Joe Biden có thể tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận ủng hộ ngoại giao. Nhưng giờ đây cả hai phía đều phải đặt cược nhiều hơn, vì Mỹ và Triều Tiên đều không sẵn sàng thực hiện các biện pháp đơn phương mà chúng ta đã thấy vào năm 2018 hoặc vội vàng xúc tiến một Hội nghị Thượng đỉnh ", bà Jenny Town nhận định.

Chiến lược “tấn công quyến rũ” của Tổng thống Trump trong đó có việc gây dựng quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un và tiến hành hai Hội nghị thượng đỉnh vào các năm 2018 và 2019, đã bị nhiều ý kiến cho là thiếu thực chất và “phản tác dụng”. Vì thế một số chuyên gia cho rằng, chính quyền ông Biden sẽ có đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ít nhất là trong giai đoạn đầu với việc tung ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế và gây sức ép về ngoại giao để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, với chính quyền Biden, “cây gậy” vẫn được ưu tiên hơn “củ cà rốt”.

Các cựu quan chức từ thời ông Obama, chẳng hạn như Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice có thể sẽ nằm trong đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại của ông Biden, với vai trò đòn bẩy tạo nên áp lực mạnh hơn về mặt ngoại giao.

Thách thức đối với Joe Biden

Tuy vậy, không có gì đảm bảo cách tiếp cận được suy tính kỹ lưỡng hơn của ông Biden sẽ dẫn đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt nếu nó giống với “chiến thuật kiên nhẫn” của ông Obama.

Bong Young-shik, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei của Seoul cho biết: “Chiến thuật kiên nhẫn không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm tiến độ phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay làm suy yếu năng lực hạt nhân của Triều Tiên”.

Từ năm 2009 đến năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân và đạt được những tiến bộ quan trọng trong chương trình tên lửa đạn đạo. Nước này cũng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác vào năm 2017 dưới thời ông Trump. Do đó, một số người tin rằng, Bình Nhưỡng có đủ năng lực hạt nhân để thay đổi những tính toán cơ bản với Washington.

“Đã đến lúc Mỹ phải đối phó với vấn đề hiện tại. Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và các tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới một phần lãnh thổ của Mỹ hoặc các căn cứ của nước này ở Đông Á”, chuyên gia Bong Young-shik nhấn mạnh.

Theo các nhà quan sát, bất cứ chính sách nào đối với Triều Tiên cũng phải chấp nhận thực tế là Bình Nhưỡng sẽ khó lòng thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa trong “một sớm một chiều”, cũng như xét đến sự thay đổi thái độ tại Hàn Quốc – nơi mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang thực hiện chủ trương ôn hòa với Triều Tiên.

Nếu chính quyền ông Biden cứng rắn với Triều Tiên, họ sẽ khó nhận được sự hưởng ứng từ đồng minh Hàn Quốc và có thể đối mặt với sự phản đối từ Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi. Bán đảo Triều Tiên, ở một khía cạnh nào đó sẽ rất khác biệt so với thời ông Biden làm Phó Tổng thống trước đây.

Các nhà phân tích chính sách hạt nhân cho rằng, thay vì thúc đẩy phi hạt nhân hóa, Mỹ nên tập trung vào việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng đến vũ khí này. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump hay ông Biden có kế hoạch theo đuổi cách tiếp cận như vậy, vì điều đó về cơ bản chẳng khác nào việc công nhận Triều Tiên là một “quốc gia hạt nhân”, có thể đặt ra tiền lệ nguy hiểm gây cản trở các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Một cách tiếp cận thành công hơn trong việc đối phó với Triều Tiên mà chính quyền ông Biden có thể tham khảo đó là chính sách của cựu Tổng thống Bill Clinton. Dưới thời ông Clinton, Mỹ và Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt vào tháng 10/1994 và về cơ bản đã tiến tới bình thường hóa ngoại giao vào mùa thu năm 2000. Thỏa thuận khung năm 1994 mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng đã giúp kiềm chế được chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên trong một thời gian dài, làm giảm căng thẳng giữa hai bên và tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Triều Tiên sẽ hành động như thế nào?

Cuối cùng, mọi thứ nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào cách thức Triều Tiên hành động. Vào đầu năm 2020, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo ông không còn cảm thấy bị áp lực bởi các lệnh cấm vận liên quan đến các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời thông báo sẽ sớm ra mắt “một vũ khí chiến lược mới”.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, nước này đang phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh Covid-19 và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt. Mặc dù truyền thông Triều Tiên từng ám chỉ về một “bất ngờ tháng 10” khi bầu cử Mỹ đang đến gần, nhưng ông Kim Jong Un có thể sẽ không thực hiện bất cứ điều gì làm xáo trộn các cơ hội ngoại giao.

Trước đó hồi tháng 7/2020, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, cho biết: “Triều Tiên không có ý định đe dọa Mỹ nếu họ không động chạm đến chúng tôi và làm tổn thương chúng tôi. Chúng tôi không nói rằng chúng tôi sẽ không phi hạt nhân hóa, nhưng chúng tôi chưa thể thực hiện điều này ngay bây giờ”.

Tờ National Interest cho rằng, bước đột phá trên Bán đảo Triều Tiên đòi hỏi phải thực hiện các động thái vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân, để giải quyết gốc rễ của tình trạng xung đột và những vấn đề này phải được giải quyết từ cấp cao nhất. Chính quyền ông Biden có thể dựa trên những thành công và khắc phục những hạn chế trong quá khứ để giúp thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại