Biden biến Trung Quốc thành quân cờ để hàn gắn nước Mỹ và đoàn kết đồng minh

Kiều Anh |

Với một nước Mỹ chia rẽ và liên minh bị xé lẻ dưới thời ông Trump, Tổng thống Biden đã chọn tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc để đoàn kết nước Mỹ và đồng minh trong một mục tiêu chung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Dựng tường thành ngăn Trung Quốc lãnh đạo thế giới

Những ưu tiên đối ngoại của Tổng thống Joe Biden đã chứng kiến bước ngoặt mới thời gian gần đây, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc tiết lộ kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7% vào năm 2021. Hồi tháng 1, Trung Quốc đã công bố luật hải cảnh gây tranh cãi và tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Nước này cũng cảnh báo Nhật Bản về việc tham gia cùng với Mỹ trong việc áp các lệnh trừng phạt nhằm chống lại Bắc Kinh.

Tổng thống Biden đã có một khởi đầu bận rộn, tập trung vào việc thúc đẩy các nền dân chủ đối phó với Trung Quốc qua việc làm hồi sinh nhóm an ninh Quad, cử các quan chức cấp cao của ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng như tham gia các Hội nghị Thượng đỉnh với NATO và EU. Để nhấn mạnh Bắc Kinh là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington, Tổng thống Biden đã thành lập một lực lượng tác chiến tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc ở Bộ Quốc phòng và bổ nhiệm số lượng lớn các quan chức an ninh quốc gia phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã được điều từ Trung Đông tới Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng 2/2021. Không lâu sau đó, Mỹ tổ chức tập trận chung với Nhật Bản và Ấn Độ ở Guam để đối phó với khả năng bị tấn công ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc. Ông Biden cũng đề xuất tăng 1,7% ngân sách quốc phòng năm 2022 với sự cảnh giác trước Moscow và Bắc Kinh.

Trong sự dịch chuyển sâu sắc so với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã thực hiện cam kết ngăn cản Trung Quốc trở thành "quốc gia lãnh đạo thế giới" bằng cách củng cố các quan hệ đối tác. Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác với nhau nhằm chống lại "sự cưỡng ép và hung hăng" của Trung Quốc ở châu Á với một lập trường chung thống nhất khi coi Bắc Kinh là một mối đe dọa.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo ngày 16/4, Tổng thống Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga đã nhấn mạnh rằng, các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc". Nhận định này vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc, những quốc gia khuyến khích hệ thống toàn cầu lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm.

Nhật Bản và Mỹ đã nhắc lại cam kết với Quad và cho rằng nhóm này "chưa bao giờ mạnh mẽ như vậy". NATO cũng khuyến khích "các nền dân chủ cùng chí hướng" ở châu Á tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu như một bức tường thành chống lại Trung Quốc.

Vì sao Biden chọn tập trung vào Trung Quốc?

Thực tế là thách thức từ Trung Quốc đã trở thành một trụ cột trong kế hoạch chính sách đối ngoại của Mỹ và được thể hiện rõ ràng qua các thông báo chính thức, các tài liệu chính sách cũng như mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt. Tuyên bố chung Mỹ - Nhật cũng nhắm đến sự "cưỡng ép và hành vi bắt nạt" của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Binh Dương.

Các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay trái ngược với những mục tiêu trước đó khi ông Biden còn là Phó Tổng thống. Trong tuyên bố chung Mỹ - Nhật năm 2014, hai bên đều tập trung vào chỉ trích Nga về những "hành động đáng lên án", đồng thời tập trung vào vấn đề hạt nhân Iran, Trung Đông, tái thiết Afghanistan và Syria.

Tài liệu đó nhấn mạnh rằng, Washington và Tokyo tái khẳng định "lợi ích trong việc thiết lập một mối quan hệ hiệu quả và mang tính xây dựng với Trung Quốc".

Mỹ có quan điểm rất khác về Trung Quốc năm 2014. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không bị coi là như một mối đe dọa hay kẻ thù, mặc dù những rạn nứt và nghi ngại trong quan hệ hai bên vẫn tồn tại. Washington cởi mở với việc thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và thậm chí dẫn đầu những cuộc tập trận hải quân chung cùng Bắc Kinh - điều đã trở nên bất khả thi ở tình hình hiện tại. Khi đó, Mỹ chú ý nhiều hơn đến những hành động của Nga và các thách thức toàn cầu khác.

Mỹ chỉ thực sự nghiêm túc hơn về những tham vọng của Trung Quốc vào năm 2017 khi nước này thừa nhận một cuộc cạnh tranh nước lớn toàn diện với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh tăng cường những chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán khi phản đối phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 và khiến nguy cơ căng thẳng leo thang bằng những động thái ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc cũng chấp nhận đối đầu với Mỹ trên một số lĩnh vực. Nước này không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Sau những chính sách đối nội đầy chia rẽ và sự quay lưng gây tranh cãi của ông Trump với các đồng minh, chính quyền Tổng thống Biden cần một mối quan tâm chung để đoàn kết các đồng minh nước ngoài và các chính trị gia Mỹ. Với sự quyết đoán công khai và khả năng thực tế thách thức Mỹ, không giống như Nga ngày nay, Trung Quốc là một lựa chọn rõ ràng nhất.

Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự nhất trí chung trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối đưa ra những cam kết mới về việc cắt giảm khí thải tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu theo sáng kiến của Mỹ bởi nước này không muốn bị coi là đang hành động theo yêu cầu của Washington. Điều đó dẫn đến một số bài báo ở Mỹ và Trung Quốc cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ là một lĩnh vực cạnh tranh khác giữa 2 nước và Hội nghị Thượng đỉnh trên "không thay đổi được những dự báo" trong quan hệ Mỹ - Trung.

Sự đối đầu Mỹ - Trung trên mọi lĩnh vực có thể vẫn còn tiếp tục với nhiều cuộc diễn tập quân sự hơn và đôi khi là những tình thế rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, cả hai sẽ kiềm chế căng thẳng bởi 2 nước này đều muốn tập trung vào phát triển kinh tế trong nước.

Những cuộc tiếp xúc không thường xuyên vẫn diễn ra, đặc biệt về các vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Thay vì đạt được những bước đột phá mang tính kiến tạo, quan hệ Mỹ - Trung sẽ diễn ra theo cơ chế kiểm soát và cân bằng nhiều hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại