Thoả thuận trung chuyển khí đố tự nhiên của Nga bằng đường ống đi qua Ukraine đến châu Âu sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Nếu không được gia hạn, Nga sẽ “mất trắng” 5 tỷ USD.
Các quốc gia châu Âu nhận khí đốt từ đường ống này đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc mất đi nguồn cung quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần cho biết thoả thuận kéo dài 5 năm nay sẽ không được tiếp tục.
Trong khi đó, phía Nga cho biết nước này sẵn sàng gia hạn thoả thuận, dù Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng rõ ràng sẽ không có thoả thuận mới được đưa ra.
Tình thế có thể sẽ chuyển biến. Tuần trước, ông Zelensky nói rằng Ukraine có thể cân nhắc tiếp tục thoả thuận nếu Nga không nhận bất kỳ khoản thanh toán nào với hoạt động bán khí đốt tự nhiên cho đến khi xung đột giữa 2 nước kết thúc.
Ngày 23/12, người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết tình hình vận chuyển khí đốt rất phức tạp.
Business Insider nhận định, việc thoả thuận trung chuyển kéo dài 5 năm này sẽ là một “đòn giáng” với Nga. Moscow có thể thu về 5 tỷ USD từ việc bán khí đốt qua đường ống chạy qua Ukraine chỉ trong năm nay, theo tính toán của Reuters.
Quan điểm cứng rắn của Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, trong đó có Slovakia, CH Séc và Áo. Các nước này có thể nhận khí đốt từ các nguồn thay thế nhưng giá lại đắt đỏ hơn.
Ngược lại, Ukraine có thể mất hàng trăm triệu USD mỗi năm vì nước này vẫn nhận được phí trung chuyển khí đốt. Con số này ước tính lên đến khoảng 800 triệu USD.
Tuy nhiên, khoản phí này chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP hàng năm của Ukraine, theo các nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu. Họ nhận định rằng việc tiếp tục thoả thuận trung chuyển sẽ giúp Ukraine đảm bảo vấn đề an ninh vì Nga muốn duy trì dòng chảy khí đốt đến châu Âu là “vô lý”.
Việc thoả thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine kết thúc sẽ càng gây áp lực cho nền kinh tế Nga. Moscow vốn đã gặp nhiều khó khăn vì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm đến hoạt động thương mại dầu khí vốn “ăn nên làm ra” của nước này.
Năng lượng chiếm khoảng 1/5 trong GDP 2 nghìn tỷ USD của Nga. Doanh thu từ năng lượng của Điện Kremlin đã giảm 24% vào năm ngoái do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và tiếp tục chịu sức ép trong năm nay khi châu Âu đẩy mạnh nỗ lực “cai nghiện” khí đốt Nga.
Khi EU cắt giảm sự phụ thuộc, Nga đã đa dạng hoá “danh sách” khách hàng mua năng lượng, chuyển hướng phần lớn lượng dầu trước đây vận chuyển đến châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuần trước, gã khổng lồ ngành năng lượng Nga, Gazprom, cho biết họ đã giao lượng khí đốt kỷ lục đến Trung Quốc thông qua đường ống khí đốt phí đông Siberia. Công ty không tiết lộ cụ thể nhưng cho biết con số cao hơn so với cam kết trong hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).