Có lẽ bạn đã từng tình cờ nghe đến cụm từ “thao túng tâm lý”, chẳng hạn như trên bìa một cuốn sách trinh thám, trong một bộ phim... Suy nghĩ đầu tiên trong phần lớn người lần đầu tiên nghe về thuật ngữ là: Sao có vẻ xa vời và cao siêu quá! Thao túng tâm lý giống như một điều gì đó sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta - những con người với nhịp sống đơn giản.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng. Thao túng tâm lý là một điều đời thường hơn rất nhiều, có thể bắt gặp khá nhiều trong những tình huống đơn giản nhất. Khi ai đó bỗng dưng phê bình bạn thậm tệ vì đã không làm một điều gì đó và gây ảnh hưởng đến họ, dù đáng lý ra, trách nhiệm đó chẳng phải của bạn. Hay đối phương lấy điểm thiếu sót của bạn ra để trêu chọc, làm trò đùa vui và làm giảm hẳn đi sự tự tin của bạn, mà bạn chẳng thể phản ứng.
Nó giống như 1 cơn ác mộng tồi tệ: Hãy tưởng tượng có người đang làm cho cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ, “chơi đùa” với cảm xúc và sự tỉnh táo của bạn. Rõ ràng rằng bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng câu chuyện thao túng tâm lý này dù ít dù nhiều.
Theo Tiến sĩ Mariyam Ahmed, một nhà tâm lý học tại Toronto, thao túng tâm lý là biểu hiện việc ai đó cố gắng quản lý cảm xúc hoặc gây ảnh hưởng lên hành vi của người khác vì mục đích phục vụ bản thân.
"Thao túng tâm lý là điều đang diễn ra thường xuyên. (Ai đó) sẽ sử dụng các phương tiện tình cảm, chẳng hạn như khó chịu hơn hoặc tức giận hơn, để cố gắng khiến người khác thay đổi hành vi của họ".
Thao túng tâm lý trong môi trường công sở: Cảm thấy thiếu trách nhiệm vì không tăng ca
“Khi mới ra trường, tôi thường xuyên ở lại công ty để tăng ca. Hồi đó, sếp cũ hay nói rằng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, làm việc chưa đủ chăm chỉ nên luôn đề nghị theo kiểu thuyết phục rằng tôi nên ở lại công ty muộn. ‘Nếu em không làm, chị sẽ phải ở lại hoàn thành đến tối muộn’ là câu nói mà tôi thường nghe nhất, cảm tưởng như bản thân đã tạo thêm công việc cho sếp bằng cách từ chối yêu cầu”, Laura chia sẻ.
Cũng là trong chuyện công sở, nhưng Jason lại gặp vấn đề với đồng nghiệp của mình. Là 1 người hướng nội, anh cần rất nhiều thời gian để có thể khắc phục nỗi sợ của bản thân khi phải trình bày trước nhiều người. “Không dưới 5 lần, tôi từng bị đồng nghiệp lấy việc nói lắp và nói vấp khi trình bày phân tích ra làm trò cười. Đối với họ, đó là sự hài hước nhưng với tôi, đó là cách nhanh nhất khiến tôi giảm đi sự tự tin và ngày càng sợ hãi việc trình bày trước mọi người”.
Tiến sĩ Mariyam Ahmed, một nhà tâm lý học tại Toronto, chia sẻ rằng: “Thao túng cảm xúc làm suy yếu nhận thức của chúng ta. Điều này có thể khiến mọi người nghi ngờ bản thân hoặc cảm thấy bối rối, một tác động tương tự như hiện tượng ngạt thở”.
Trong tình cảm, thao túng tâm lý làm đối phương cảm thấy tội lỗi vì không đủ yêu
Thao túng tâm lý không chỉ bắt gặp trong môi trường công sở, mà còn phổ biến trong tình yêu. Mia 24 tuổi, cũng mang cảm xúc tội lỗi và tự vấn bản thân trong câu chuyện tình cảm. Một người bạn của cô luôn đến muộn. Ban đầu, cô chỉ ra điều này cho anh ta lưu ý rằng hành động đó là không tôn trọng. Phản ứng đầu tiên của anh ấy là cho rằng cô “quá nhạy cảm”.
“Theo thời gian, việc đến trễ và các anh ấy đưa vấn đề sang lại cho tôi dẫn đến tranh cãi. Anh ấy sẽ nói 'Em thật sự có vấn đề với thời gian, phải không?'. Và lúc đó, tôi nghĩ rằng có thể anh ấy đúng. Tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân “Có thật sẽ xảy ra vấn đề nếu ai đó đến muộn, có lẽ mình đã không đủ linh hoạt”'.
Bên cạnh đó, Phillip, 27 tuổi lại gặp phải câu chuyện trớ trêu khác. Bạn gái của Phillip luôn ngỏ ý mong muốn mang tính chất yêu cầu được tặng quà trong những dịp lễ dù chẳng liên quan gì đến tình yêu, hay những ngày rất vô lý như là kỷ niệm 10-20 tuần yêu nhau.
“Thu nhập của tôi thuộc tầm trung, dù biết điều đó bạn gái tôi vẫn luôn mong muốn những món quà xa xỉ đặc biệt trong những ngày chẳng có ý nghĩa gì. Nếu tôi từ chối, bạn gái sẽ cho rằng tôi đang không đủ yêu cô ấy. Dần dà, tôi cố gắng chiều theo sở thích của cô ấy đến mức phải nợ thẻ tín dụng”.
Tiến sĩ Robin Stern, phó giám đốc tại Trung tâm Trí tuệ cảm xúc Yale chia sẻ rằng: “Khi bị lạm dụng, bạn có thể chỉ ra những dấu hiệu đó rõ ràng hơn nhiều. Ví dụ như một người nào đó đã bị đánh hoặc bị đe dọa - thật dễ dàng để nhìn thấy và hiểu họ đã bị tổn thương như thế nào. Nhưng khi ai đó đang thao túng bạn, bạn sẽ kết thúc bằng việc đoán mò về bản thân và chuyển sự chú ý vào chính mình như một người đáng trách”.
Không những vậy, chúng ta còn bị thế giới mạng thao túng tâm lý
Thao túng tâm lý không chỉ diễn ra trong mối quan hệ giữa người với người mà còn trên môi trường mạng Khi bạn tìm kiếm một từ khoá nào đó trên Google, những kết quả đầu tiên thường sẽ là quảng cáo. Bạn hoàn toàn tự do có thể chọn ấn vào đó hay không. Song, rõ ràng tâm lý chúng ta thường sẽ chú ý hơn vào những cái gần nhất vì sẽ thường đưa ra kết quả đúng với điều mà bản thân muốn tìm ra nhất. Tưởng như tự do nhưng thực tế là đang bị thao túng trên “quyền tự do” của chính mình.
Một trong những trường hợp khác dễ dàng nhận thấy về cách thế giới mạng đã thao túng con người như thế nào chính là cách chúng ta luôn chờ đợi xem có bao nhiêu người đã “thả like” hay xem story Instagram. “Cứ 5 phút sau 1 tiếng đăng bài, tôi sẽ luôn chờ xem có ai đã xem, đã bình luận hay đã yêu thích bài của mình. Nó rất nghiện, khó có thể dứt ra. Hơn thế nữa, tôi sẽ cảm thấy rất thành tựu nếu bài đăng hôm nay có lượt tương tác cao hơn những hôm trước. Tôi nghĩ đó cũng là động lực khiến tôi muốn đăng nhiều hơn”, Emma chia sẻ.
Tuy nhiên, trên môi trường Internet cũng sẽ có những thuật toán riêng, về cơ bản, bạn không thể kiểm soát được lượt tương tác của bản thân. Điều này kích thích bạn muốn đăng nhiều hơn, và đây chính là thao túng tâm lý mà Internet mang lại.
M. Ryan Calo chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng các công nghệ và kỹ thuật mới nổi sẽ ngày càng cho phép các công ty khai thác sự bất hợp lý hoặc dễ bị tổn thương của người tiêu dùng. Về cơ bản, Internet giúp việc khai thác cảm xúc ở cấp độ cá nhân và thao túng các hành vi trở nên dễ dàng hơn nhiều.
"Những người có phẩm chất độc hại là những người thao túng bậc thầy"
Chuyên gia trị liệu Shannon Thomas chia sẻ: “Những người có phẩm chất độc hại là những người thao túng bậc thầy, những kẻ nói dối có tay nghề cao và những diễn viên tuyệt vời. Họ có thể ẩn náu ở khắp mọi nơi”.
Luôn luôn có một cái gì đó với người này. Và không phải lúc nào bạn cũng có thể xác định được nó. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy phụ thuộc vào 1 ai đó về ý kiến của họ, nghi ngờ ý kiến của riêng bạn.
Với những tác động trong thời gian ngắn, bạn có thể sẽ bị cuốn vào trạng thái “tự vấn bản thân” như Mia. Bạn tự hỏi liệu mình có thật sự đang đi theo những điều đúng đắn hay có điều gì đó không ổn với bản thân. Đây là kết quả của câu chuyện mọi việc bạn làm đều bị “thẩm vấn” hoặc bị cho biết rằng bạn đang làm điều gì đó không đúng lẽ thông thường.
Ngoài ra, bạn thường sẽ rơi vào tâm lý “xấu hổ và tội lỗi”. Bạn cảm thấy như mình có lỗi hoặc tự trách mình vì đã tạo ra sự những rắc rối đến cuộc sống của người khác. Khi họ đổ lỗi cho bạn, việc bạn tự giải quyết vấn đề đó với chính bản thân sẽ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến cảm giác thậm chí còn tồi tệ hơn.
Về mặt cảm xúc bạn thường xuyên lo lắng và bất an. Trong hành vi, bạn sẽ tránh giao tiếp bằng mắt. “Điều này là bởi vì lúc đó mình không muốn trở nên nhỏ bé hơn. Chỉ cần không nhìn họ, mình sẽ tự huyễn hoặc rằng những chuyện đó không xảy ra và thấy sự hiện diện của bản thân trở nên nhỏ bé và an toàn hơn”, Jason chia sẻ.
Đây chỉ là những hiệu ứng trong ngắn, thực tế về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng kéo dài cả đời. Chẳng hạn như điều mà mọi người thường xuyên gặp phải đó là mong muốn làm hài lòng người khác.
“Tôi mong muốn có thể được mọi người cho là đang làm tốt không chỉ trong công việc hay công việc mà từ chuyện ăn mặc, những bức ảnh được đăng lên đều chú trọng đến bình luận của những người xung quanh. Nhưng tất nhiên, tôi chưa bao giờ là “đủ””, 1 cô gái dấu tên 25 tuổi chia sẻ.
Sau khi cảm thấy mình không đủ trong một thời gian dài, bản năng của bạn là làm cho mình có vẻ hoàn hảo để người khác đánh giá cao bạn. Điều đó cũng dẫn đến việc dễ dàng có các biểu hiện như thất vọng, thiếu kiên nhẫn, cáu kỉnh và đổ lỗi. Sự phẫn uất chắc chắn cần được giải phóng, nhưng điều này có thể khó tìm kiếm và giải toả. Sau khi ai đó đối xử tệ với bạn, bạn có thể khó nhận ra điều gì ngoài hành vi tồi tệ đó.
Trong lúc thao túng tâm lý có rất nhiều lời nói dối đã được nói ra, bản thân bạn thường có xu hướng tin vào chúng. Mặt khác, những người đi thao túng tâm lý có thể không ý thức được lời nói dối mà mình đã đưa ra. Trong nhiều trường hợp, những kẻ thao túng cảm xúc biết rằng họ đang thao túng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, ngay cả những kẻ thao túng cũng không biết họ đang thao túng.
Những bậc thầy lợi dụng sự bất an của bạn và luôn cố gắng khai thác chúng. Họ sẽ khiến bạn trở nên phụ thuộc và biết mọi chi tiết về điểm yếu của bạn. Nếu bạn phát hiện ra bất kỳ kẻ thao túng nào với những đặc điểm này, tốt hơn là bạn nên thoát khỏi tình huống này càng sớm càng tốt.
Phải làm sao để thoát khỏi sự thao túng?
Stern nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà rất nhiều người gặp khó khăn trong việc quyết định đâu là thật và cảm giác như họ đang bị thao túng. Nếu biết điều gì đó là đúng và ai đó nói với bạn rằng điều đó không đúng, việc bám vào thực tế của bạn là điều cần thiết. Khi ở trong thực tại của chính mình và nhận ra sự thao túng khi bạn nhìn thấy nó".
“Tôi từ chối thay đổi câu chuyện và sự thách thức là chìa khóa. Tin tưởng phiên bản thực tế của tôi. Không cho phép nó được thay đổi theo yêu cầu. Chống lại. Sự tức giận này đã bảo vệ tôi, bởi vì tôi biết những gì tôi biết. Những điều này khiến tôi trở nên kiên cường”, Ariel Leve chia sẻ về quá trình bản thân thoát khỏi các giác bị thao túng.
Một mẹo mà Stern đưa ra để xử lý mọi việc là viết ra những gì thực sự đã xảy ra trong cuộc trò chuyện. “Một khi bạn không bị cảm xúc điều khiển, lý trí của bạn sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Hãy nhìn vào cuộc trò chuyện và xem nó đã diễn ra như thế nào".
Khi ai đó quá chắc chắn về những gì họ tin tưởng và họ tiếp tục nhấn mạnh và cố gắng thuyết phục bạn - trong một khoảng thời gian - điều đó làm xói mòn nhận thức của chính bạn.
Theo Shannon Thomas, một cách để xác định một người như thế này là cảm giác của bạn sau khi đi chơi: Mỗi khi bạn nói chuyện với họ, bạn cảm thấy kiệt sức, cạn kiệt cảm xúc và tiêu cực. “Chúng có thể khiến bạn kiệt quệ và khiến bạn bị xóa sổ về mặt cảm xúc. Họ muốn bạn cảm thấy có lỗi với họ và chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề của họ - và sau đó cũng khắc phục những vấn đề này”.
Trong một vài trường hợp quá tệ, Chantal Heide, một chuyên gia về mối quan hệ nhấn mạnh rằng việc tìm đến sự hỗ trợ của những người có chuyên môn hay chuyên gia trị liệu sẽ là phương pháp tốt nhất.
Theo Global News, Thriveworks, The Guardian, Good Therapy,...