Vịt là thực phẩm có thể chế biến thành nhiều món ăn tuyệt ngon nhưng khâu chế biến lại khiến nhiều người e ngại vì rất khó làm sạch hết phần lông. Nếu chế biến không khéo, phần thịt sẽ bị thâm đen và có mùi hôi.
Các bí quyết nhổ lông vịt dễ dàng
Khâu làm lông vịt thường tốn nhiều thời gian và khó sạch. Vì thế, những bí quyết nhổ lông vịt dễ dàng sẽ là cứu tinh của các bà nội trợ khi muốn tự tay đãi gia đình các món ngon từ vịt.
Sử dụng rượu trắng
Có thể bạn chưa biết, rượu trắng không chỉ khử mùi hôi tanh mà còn có thể giúp loại bỏ lông măng của vịt một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Các bí quyết nhổ lông vịt dễ dàng, nhanh chóng sẽ khiến bạn không còn ngại làm món này. (Ảnh: 123RF)
Vịt sau khi cắt tiết cần được nhúng vào chậu nước lạnh cho nước ngấm đều khắp thân và da. Sau khi vớt ra, bạn hãy lấy một bát rượu trắng đổ lên toàn bộ thân vịt, để khoảng 10 phút cho rượu ngấm vào các chân lông. Lúc này, các lỗ chân lông trên da vịt sẽ nở ra.
Tiếp đến, bạn nhúng vịt vào nước ấm và bắt đầu nhổ lông. Cả lông ống và lông măng của con vịt đều được làm sạch mà bạn không mất nhiều công sức.
Sử dụng muối hạt
Sử dụng muối cũng là bí quyết nhổ lông vịt dễ dàng, nhanh chóng. Sau khi cắt tiết vịt, bạn hãy nhúng nó vào thau nước lạnh cho sạch máu thừa và cặn bẩn rồi nhúng nó vào chậu nước nóng có pha sẵn 2-3 thìa muối hạt. Sau đó, bạn bắt đầu nhổ lông vịt. Bằng cách này, toàn bộ lông vịt sẽ được làm sạch hoàn toàn.
Sau khi làm sạch lông, bạn nên xát lại với muối và rửa nhiều lần để vịt sạch hơn.
Trước khi chế biến, bạn hãy cho cả con vịt vào ngâm với nước lạnh trong khoảng 20 phút để thịt vịt trắng tươi, món ăn cũng hấp dẫn hơn.
Một số lưu ý khi làm lông vịt
Bạn không nên sử dụng nước sôi 100ºC để trụng vịt. Chỉ dùng nước ấm khoảng 40ºC để lỗ chân lông của vịt nở ra, giúp việc nhổ lông dễ dàng hơn. Nước nóng già sẽ khiến lỗ chân lông trên da vịt bị co lại ngay lập tức, càng gây khó khăn trong việc làm sạch lông. Ngoài ra, nước nóng có thể làm da vịt bị nứt, rách.
Thao tác vặt lông nên được thực hiện dứt khoát, miết mạnh tay xuống sát da và xuôi theo chiều lông mọc để lấy toàn bộ lông măng và lông tơ.
Nên nhổ lông vịt một cách tuần tự, làm sạch hết phần này mới chuyển sang phần khác. Với phần lông măng, lông tơ còn sót lại, bạn có thể dùng tay hoặc nhíp để nhổ bỏ.
Ngoài ra, nên tránh mua những con vịt quá non vì thịt bị nhão, lại nhiều lông măng.
Mẹo chọn mua vịt ngon
Theo kinh nghiệm dân gian, để có món vịt ngon thì nên chọn vịt đực, không quá già cũng không quá non. Loại vịt này có phần thịt dày, ít mỡ, lông đã mọc đủ nên việc làm sạch lông sẽ dễ dàng hơn.
Để có món vịt ngon thì nên chọn vịt đực, không quá già cũng không quá non. (Ảnh: olympicwaterfowl)
Khi chọn mua vịt sống, hãy lựa những con đã mọc đủ lông, lông dày, phần mút trên 2 cánh dễ dàng đan chéo lại với nhau; sờ vào phần ức vịt thấy đầy đặn, không bị xương; phao câu to, đều, không bị bẩn. Nếu phao câu bị xẹp, dính nhiều chất bẩn chứng tỏ vịt bị bệnh, không nên mua.
Phần mỏ vịt không được quá cứng hoặc quá mềm. Vịt non thường có mỏ to và mềm. Trong khi đó, mỏ vịt già sẽ nhỏ hơn và sờ cứng hơn.
Quan sát chân vịt, nếu thấy chân có lớp đệm thịt nhỏ cùng lớp chai mỏng thì đó là con vịt béo.
Những con vịt có tiếng hơi ồm và khàn là vịt đực.
Tùy vào sở thích cũng như món ăn định chế biến mà bạn chọn loại vịt phù hợp với nhu cầu. Chẳng hạn vịt cỏ ít mỡ, thịt thơm ngọt nhưng nhiều xương. Còn vịt xiêm nhiều nạc, thịt dày và chắc. Vịt siêu nạc có nhiều thịt, thịt dày nhưng ăn không đậm vị như vịt cỏ và vịt xiêm.
Mẹo giúp đánh bay mùi hôi của thịt vịt
Trong quá trình chế biến, nếu không biết cách khử mùi, món thịt vịt của bạn sẽ bị hôi và trở nên kém ngon. Với các nguyên liệu dưới đây, việc khử mùi hôi của vịt sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Dùng gừng
Để món vịt không bị hôi, trước khi luộc, bạn nên ướp với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể thêm chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo, sau đó đem luộc.
Cho một củ hành nướng, một miếng gừng nướng đập dập vào nồi luộc. Cách này giúp khử hết mùi hôi của vịt và món vịt của bạn dậy mùi thơm.
Dùng giấm
Hòa muối và giấm. Sau khi sơ chế vịt sạch sẽ, dùng hỗn hợp này xát thật kỹ cả bên trong và bên ngoài con vịt nhiều lần. Nhờ đó khi ăn, bạn sẽ không còn thấy mùi hôi của vịt nữa.
Dùng chanh
Nếu không có sẵn giấm trong nhà, bạn có thể dùng chanh xát trực tiếp lên vịt, vịt sẽ hết mùi ngay. Nếu không thì khi luộc, bạn đập dập vài củ hành và nhánh gừng đã được nướng qua cho vào nồi.
Cắt bỏ phao câu vịt
Thủ phạm gây nên mùi hôi của vịt chính là phao câu nằm ở gần hậu môn. Vì thế khi làm thịt vịt, bạn phải bỏ hoàn toàn phần phao câu đi.