Bí quyết để vay vốn Ngân hàng hiệu quả, không lo bị 'hớ'

Trọng Nghĩa |

Trong mối quan hệ giữa khách hàng là 'Bên được cấp tín dụng' với Ngân hàng là 'Bên cấp tín dụng', tưởng chừng cửa trên luôn thuộc về 'Bên cấp tín dụng' nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Tham khảo kỹ lưỡng trước khi chọn mặt gửi…sổ đỏ

Chị Phương, một nhân viên hành chính tại Hà Nội, đã tham khảo tổng cộng 6 ngân hàng trước khi quyết định vay tiền ở đâu.

"Mình hỏi kỹ các bạn ở Ngân hàng tất cả các vấn đề liên quan đến GIÁ. Lãi suất ban đầu là bao nhiêu, cố định bao lâu, sau khi thay đổi là bao nhiêu, các loại phí làm hồ sơ, phí phạt trả nợ trước hạn,…."

Thừa nhận rằng việc này lấy đi của mình không ít thời gian và công sức, tuy nhiên bù lại, chị Phương có được lượng thông tin cần thiết về khoản vay hơn 1 tỷ đồng của gia đình. Thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chị không quá cao, nên khi đặt bút ký vay tiền ngân hàng mua nhà, chị phải rất cẩn thận.

Bí quyết để vay vốn Ngân hàng hiệu quả, không lo bị hớ - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Trên thực tế, những người lần đầu tiên vay vốn ngân hàng mua nhà thường không biết tới những khái niệm như thời gian ân hạn, lãi suất thả nổi, kỳ cố định lãi suất, trả nợ trước hạn,…

Quy định nội bộ của các Ngân hàng về phí hay mua bảo hiểm cũng khác nhau, khiến khách hàng thường dễ bị rơi vào tình huống loạn "ma trận thông tin".

Theo anh Giang, một nhân sự lâu năm trong mảng bán lẻ ngân hàng chia sẻ, khách hàng khi vay vốn cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, lãi suất không cố định suốt thời gian vay. Có nghĩa rằng, khi ai đó chào mời bạn "Lãi suất chỉ 7%/năm", bạn sẽ cần quan tâm mức lãi suất hấp dẫn đó sẽ kéo dài trong bao nhiêu lâu.

Thứ hai, các loại phí có thể phát sinh. Tùy theo chính sách của từng bên, có ngân hàng thu phí thẩm định tài sản, có ngân hàng không.

Nên nhớ, phí công chứng, thế chấp liên quan đến dịch vụ hành chính công, khách hàng phải trả.

Thứ ba, bảo hiểm nhân thọ không bắt buộc đi kèm khoản vay. Bảo hiểm cháy nổ với những tài sản đặc biệt như nhà chung cư, một số loại hàng hóa,.. thì có. Lý do vì nhà chung cư được xếp vào loại cơ sở có nguy cơ cao về rủi ro cháy nổ, được quy định cụ thể trong Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ban hành ngày 23/02/2018 về Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Thứ tư, trả nợ trước hạn thông thường sẽ bị phạt. Mặc dù điều này gây khó hiểu và bức xúc cho nhiều khách hàng, nhưng nó xuất phát từ cơ chế mua bán vốn nội bộ và lãi suất ưu đãi kỳ đầu của nhà băng. Hãy tìm hiểu về quy định trả nợ trước hạn và tính toán phù hợp với nhu cầu, dòng tiền trả nợ của mình.

Thứ năm, hãy luôn dự phòng khi tính lịch trả nợ. Đó là khoảng trống giúp bạn bù đắp những rủi ro khó lường như bị giảm thu nhập, mất việc, ốm đau, chi tiêu tăng bất thường,… Sau đại dịch Covid, điều này càng trở nên có ý nghĩa.Đọc kỹ không chỉ hợp đồng tín dụng

Hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng (có dẫn chiếu hợp đồng thế chấp), giấy nhận nợ (hay gọi là khế ước nhận nợ).

Theo thứ tự, khách hàng sẽ ký những loại giấy tờ có tính pháp lý sau đây trong quá trình làm hồ sơ và giải ngân:

Bí quyết để vay vốn Ngân hàng hiệu quả, không lo bị hớ - Ảnh 2.

Hãy phân biệt hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ

Trong đó, hợp đồng thế chấp sẽ được ký đầu tiên, nội dung liên quan đến việc thế chấp tài sản nào, bảo đảm cho nghĩa vụ của ai bao nhiêu tiền,... Hợp đồng thế chấp là cơ sở pháp lý cho việc đăng ký thế chấp tài sản bảo đảm và cần được ký trước mặt công chứng viên.

Hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ sẽ được ký song phương giữa khách hàng và ngân hàng.

Phần lớn khách hàng chưa có kinh nghiệm vay vốn thường cố gắng đọc thật kỹ hợp đồng tín dụng nhưng thực chất hợp đồng tín dụng chỉ quy định những nguyên tắc chung.

Những thông tin cụ thể như số tiền thực tế giải ngân, ngày giải ngân, ngày trả nợ, lãi suất, phí trả nợ trước hạn,... sẽ được thể hiện ở giấy nhận nợ (khế ước nhận nợ) khi khách hàng giải ngân cụ thể.

Đây mới thực sự là những thông tin tài chính quan trọng nhất khách hàng cần nắm được, nhưng nó lại là thứ Ngân hàng sẽ đưa ra cho bạn cuối cùng, sau khi hoàn tất ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng. Để tránh rơi vào tình trạng "ván đã đóng thuyền", điều bạn nên làm ngay từ đầu đó là trao đổi thật kỹ với nhân viên tư vấn của ngân hàng ngay từ giai đoạn thu thập và làm hồ sơ.

Khách hàng có quyền từ chối mua bảo hiểm nhân thọ nếu không có nhu cầu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Bí quyết để vay vốn Ngân hàng hiệu quả, không lo bị hớ - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng tuy nhiên trên thực tế tình trạng này vẫn diễn ra. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các khách hàng nên trao đổi với nhân viên Ngân hàng vấn đề bảo hiểm nhân thọ ngay từ đầu.

Nếu gặp trường hợp nhân viên ngân hàng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng có thể gọi điện phản ánh tới đường dây nóng của ngân hàng hoặc các cơ quan quản lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại