TikTok vẫn sống khỏe ở Indonesia
Trong tháng lễ Ramadan, TikTok của Indonesia biến thành một thiên đường mua sắm. Ứng dụng video sáng lên với các buổi phát trực tiếp dài, được thực hiện theo ca bởi những người bán trong bộ trang phục kaftan lấp lánh và khăn trùm đầu đầy màu sắc trước máy quay.
Các buổi phát trực tiếp sôi nổi với nhiều câu hỏi và nhịp độ tăng lên sau khi mặt trời lặn.
Permata Hidayat, người sáng lập 29 tuổi của cửa hàng kaftan Caftanesia tỏ ra rất vui mừng. Trong tháng 3 và tháng 4, cửa hàng đã phát trực tiếp trên TikTok Shop 18 giờ một ngày, với ba phiên kéo dài 6 giờ, xen kẽ vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối.
Trang phục kaftan để mặc trong lễ Eid hiện đang có nhu cầu cao trên TikTok ở quốc gia này trong tháng Ramadan. Doanh số bán hàng ngày thường của Hidayat đã tăng gấp 5 lần lên khoảng 1.500 chiếc. "Chúng tôi mới bắt đầu dùng thử TikTok vào đầu tháng 11/2021 và không thể tin rằng mình làm tốt như vậy", anh nói.
Vào tháng 4/2021, TikTok Shop ra mắt hoàn toàn tại Indonesia, một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm tính năng này bên ngoài Trung Quốc.
Hidayat đã mở tài khoản TikTok có tên Caftanesia vào tháng 11 năm đó và ngay tháng sau, một đại diện của TikTok đã mời anh tham gia sáng kiến Cửa hàng mới.
Công ty hỗ trợ cho Hidayat một "người quản lý tài khoản", người này cho anh lời khuyên về cách tạo nội dung, các sự kiện bán hàng đặc biệt và các chiến lược quảng cáo khác.
Những người bán hàng trong buổi phát trực tiếp trên TikTok của Hidayat đến từ một công ty quản lý tài năng, với những người được đào tạo về nghệ thuật bán hàng trực tuyến và được dạy cách bán kaftan cho khán giả trên mạng.
Tham vọng của TikTok là thúc đẩy lượng khán giả khổng lồ trở thành nhánh mua sắm kiếm tiền, với sự ra mắt của TikTok Shop từ hai năm nay. Nỗ lực đó đang bị cản trở ở Mỹ bởi những lo ngại về lệnh cấm tiềm năng trên toàn quốc với cáo buộc thu thập dữ liệu cá nhân.
Thế nhưng, TikTok Shop vẫn đang càn quét khắp Indonesia, thị trường lớn thứ hai của công ty sau Mỹ - nơi có khoảng 110 triệu người dùng, theo công ty tư vấn DataReportal.
Từ một khởi đầu không chắc chắn trong khu vực vào năm 2021, TikTok Shop được cho là đã đạt tổng giá trị hàng hóa là 4,4 tỷ USD trên khắp Đông Nam Á vào năm 2022, được hỗ trợ bởi một mạng lưới các công ty đối tác, quản lý cửa hàng và người phát trực tiếp.
Ở một quốc gia không bị những ràng buộc khắt khe, TikTok đã tăng cường đào tạo người bán và đưa cho họ những ưu đãi như trợ cấp mua hàng và giao hàng miễn phí. Tình hình ngày càng khả quan cho ứng dụng đến từ Trung Quốc.
"Lượng người dùng TikTok ở Indonesia hiện rất lớn và gắn bó đến mức không ai muốn cấm ứng dụng này vì lo ngại các cử tri trẻ tuổi sẽ phản ứng", Ross Tapsell, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc đưa ra quan điểm.
Người bán ở Indonesia có thể đăng ký miễn phí trên TikTok Shop bằng cách cung cấp các giấy tờ hợp pháp, chẳng hạn như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng phải đồng ý trả 1% hoa hồng, cộng với 2.000 rupiah Indonesia (3 nghìn đồng) cho mỗi đơn hàng được bán. Sau khi được duyệt, họ có thể liên kết tài khoản TikTok với TikTok Shop.
Mỹ cấm TikTok cũng không có gì phải lo
Jodi Rizaldi Akbar là người đồng sáng lập và chủ sở hữu của Kitty Shop Girls, cửa hàng quần áo thường phục của người Hồi giáo nhắm đến các bà mẹ trẻ.
Người đàn ông 29 tuổi này sở hữu một cửa hàng truyền thống ở tỉnh Banten trong 9 năm qua và quyết định dùng thử TikTok vào cuối năm 2022. Khi người quản lý tài khoản đưa anh vào xu hướng bán hàng mới, con số 100 lượt bán nhỏ giọt mỗi ngày giờ trở thành cơn lũ khoảng 10.000 lượt mỗi tuần.
"Đây thực sự là năm của TikTok", anh nói. "Quy mô đối tượng và nhiệt huyết mua sắm là vô song". Lưu lượng truy cập trên TikTok cao hơn khoảng 50% so với những gì anh trải nghiệm khi sử dụng các ứng dụng khác, bao gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Shopee.
Cả Hidayat và Jodi đều nhận được hỗ trợ từ TikTok khi mua các mặt hàng bán buôn, cũng như chi phí vận chuyển.
Trong năm đầu tiên, Hidayat không trả phần trăm doanh thu cho ứng dụng. Năm nay, TikTok Shop đã lấy 2% lợi nhuận – một khoản phí mà Hidayat dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, tương tự như cách làm của Lazada và Shopee.
Hidayat nói rằng anh không lo lắng khi có tin tức về một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đang cân nhắc các lệnh cấm TikTok, điều khiến các nhà sáng tạo trên toàn thế giới âu lo.
"Nếu TikTok bị cấm ở Indonesia, không có vấn đề gì. Chúng tôi vẫn sẽ bán thông qua cửa hàng truyền thống và sẽ đi theo những xu hướng mới nhất", Hidayat nói.
Phó giáo sư Tapsell nhận định, người Indonesia hiểu khá rõ về cách sử dụng nền tảng này và không có khả năng sẽ từ bỏ.
"Mỹ lo ngại về TikTok bởi vì lần đầu tiên họ phải đắn đo về tầm ảnh hưởng của một công ty công nghệ lớn từ nước ngoài".
"Trong khi người Đông Nam Á đã trải qua điều này suốt kỷ nguyên kỹ thuật số. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, quan điểm của nhiều người Đông Nam Á cho rằng, không có gì mới mẻ khi các nền tảng công nghệ nước ngoài đang thu thập dữ liệu địa phương để kiếm tiền".