BI: Mỗi tháng Nga mắc kẹt thêm 1 tỉ USD ở Ấn Độ vì "đòn hiểm" từ Mỹ và phương Tây, điểm yếu kinh tế lộ diện?

Tất Đạt |

Mặc dù bán được dầu mỏ sang Ấn Độ nhưng Nga khó có cách thu hồi khoản tiền trị giá hàng tỉ USD về nước - Business Insider nhận định.

Hàng tỉ USD mắc kẹt

Hoạt động mua bán dầu mỏ của Nga với Ấn Độ đang bùng nổ, nhưng Moscow khó có cách nào để thu được toàn bộ lợi ích từ các hợp đồng thương mại đó - báo Business Insider (Mỹ) nhận định.

Ngay cả khi các nhà băng Nga bị cắt khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu với sự thống trị của đồng USD - một phần trong các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Moscow, hai nước đã tiếp tục sử dụng đồng rupee của Ấn Độ để giao dịch.

Tuy nhiên, Nga hiện đang gặp vấn đề với giao dịch bằng đồng rupee vì mất cân bằng cán cân thương mại.

Hiện tại, Ấn Độ có nhiều nhu cầu đối với hàng hóa của Nga hơn so với chiều ngược lại - điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi tháng Nga lại có thêm số tiền rupee trị giá 1 tỷ USD mắc kẹt trong các ngân hàng Ấn Độ, theo tính toán của Bloomberg.

Nga không thể gửi đồng rupee về nước vì Ấn Độ có những hạn chế đối với dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Nga đành "bất lực" trước số tiền rupee trị giá từ 2 đến 3 tỷ USD bị mắc kẹt ở Ấn Độ mỗi quý.

Con số này góp phần tăng thêm vào khoản 147 tỷ USD tài sản nước ngoài của Nga được ước tính cho tới hết năm 2022 - theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Nga.

BI: Mỗi tháng Nga mắc kẹt thêm 1 tỉ USD ở Ấn Độ vì đòn hiểm từ Mỹ và phương Tây, điểm yếu kinh tế lộ diện? - Ảnh 1.

Để so sánh, Nga đã chi 5,51 nghìn tỷ rúp, tương đương 68 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2022, theo một báo cáo ngày 15/5 của Reuters trích dẫn dữ liệu từ Kho bạc Liên bang Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc tới các vấn đề với đồng rupee vào đầu tháng này - ông nói với các phóng viên ở Ấn Độ vào ngày 5/5 rằng có vấn đề với "hàng tỷ rupee tích lũy trong tài khoản Nga tại các ngân hàng Ấn Độ và chúng tôi cần sử dụng số tiền này."

"Về vấn đề này, đồng rupee nên được chuyển đổi thành các loại tiền tệ khác. Điều này đang được thảo luận", ông Lavrov nói, theo Bloomberg.

"Nga không có nhà nhập khẩu dầu thay thế nào như Ấn Độ"

Ấn Độ và Nga hiện đang cố gắng tìm cách để Nga có thể sử dụng kho rupee dự trữ ngày càng tăng - Bloomberg dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho hay.

Một lựa chọn khác đang được thảo luận là để Nga chuyển đồng rupee vào các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ để đổi lấy cổ phần, theo các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán này, Moscow dường như không có nhiều quyền thương lượng.

Alexander Isakov, nhà kinh tế Nga tại Bloomberg Economics, cho biết: "Nga không có nhà nhập khẩu dầu mỏ thay thế nào như Ấn Độ, vì vậy các nhà xuất khẩu và ngân hàng sẽ dần chấp nhận thanh toán bằng đồng rupee".

Và trong khi Ấn Độ có thể tăng cường mua dầu của Nga bằng cách tận dụng chiết khấu cao trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt, thì những khách hàng Ấn Độ cũng có các lựa chọn khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ.

Ian Hall, giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Quốc tế Australia, nhận định:

"Không có khả năng Ấn Độ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung của Nga trong trung và dài hạn, do Ấn Độ có khoảng cách tương đối gần với các đối tác truyền thống ở Trung Đông".

Điện Kremlin, ngân hàng trung ương Nga và Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Trước đó, Business Insider cho biết xuất khẩu dầu thô của Nga tiếp tục tăng bất chấp lời đe dọa cắt giảm sản lượng của Moscow ba tháng trước.

Trong khoảng thời gian 4 tuần tính đến ngày 5/5, lượng vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển đạt 3,55 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu vào đầu năm 2022.

Gần như tất cả xuất khẩu dầu thô của Nga đều được gửi đến Trung Quốc và Ấn Độ trong tháng trước, và khối lượng sang châu Á cũng tăng lên một mức cao mới.

Vào tháng 2, Điện Kremlin tuyên bố sản lượng sẽ giảm 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3, viện dẫn các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga. Xuất khẩu đường biển tiếp tục tăng trong suốt tháng 3 và tháng 4. Trên thực tế, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng trên mức trước xung đột vào tháng 4. Theo dữ liệu của Kpler, Trung Quốc và Ấn Độ đã mua khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cũng là những khách hàng hàng đầu của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại