Tờ tiền giấy đầu tiên
Thế kỷ XIII ghi dấu chiến thắng vang dội của vương triều Trần ba lần chiến thắng quân Mông-Nguyên, chế độ quân chủ quý tộc phát triển đến đỉnh cao.
Sau một thời gian dài thịnh trị, đến cuối thế kỷ XIV, đất nước bắt đầu rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội (nạn chiếm hữu ruộng đất ở làng xã; tô thuế, lao dịch nặng nề; tệ cho vay nặng lãi khiến nông dân điêu đứng; khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp cả nước).
Trước cảnh đất nước rối ren, lòng người khủng hoảng, Hồ Quý Ly một quý tộc có quyền lực và tham vọng (hai người cô ruột của Hồ Quý Ly lấy vua Trần; con gái Hồ Quý Ly là vợ của vua Trần; bản thân ông cũng lấy công chúa Huy Ninh con gái vua Trần Nghệ Tông) đã thâu tóm binh quyền chuẩn bị các điều kiện thành lập nhà Hồ.
Chân dung Hồ Quý Ly
Năm 1396, đời vua Trần Thuận Tông, binh quyền tuyệt đối đã nằm trong tay Hồ Quý Ly, ông tiến hành một loạt các cải cách nhằm củng cố chế độ phong kiến khủng hoảng, phát triển kinh tế, xã hội. Đáng chú ý nhất phải kể đến việc thu tiền đồng cho in tiền giấy (Thông bảo hội sao) phát hành rộng rãi trên cả nước nhằm giải quyết vấn đề tài chính.
Giải mã bí mật trên "Thông Bảo hội sao"
Tờ tiền giấy đầu tiên được phát hành vào tháng 4 năm 1396 với tên gọi Thông bảo hội sao. Thông bảo là tên gọi chung cho các loại tiền (chủ yếu là tiền đồng) dưới thời phong kiến ở Việt Nam, như: Thiên Cảm Thông Bảo (thời vua Lý Thái Tông); Thiệu Phong Thông Bảo (nhà Trần); Cảnh Hưng Thông Bảo (Thế kỷ XVIII); Tự Đức Thông Bảo (thời vua Tự Đức)...
Thông Bảo hội sao là tờ tiền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Bên cạnh nghĩa Thông Bảo giống các loại tiền trước và sau đó, từ hội sao còn mang thêm một ý nghĩa nữa thể hiện trên tờ tiền. Hội trong từ hội họa; sao trong sao chụp, sao chép. Nghĩa là, đây là đồng tiền được lưu hành phổ thông, có giá trị và được vẽ và sao chụp lên những hình nhất định.
Tiền giấy gồm có 7 mệnh giá với những hình vẽ khác nhau để phân biệt.
Tờ 10 đồng vẽ rồng, tuy nhiên, đây là ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, nếu tờ 10 đồng có hình rồng, sẽ giống với tờ tiền có mệnh giá lớn nhất lúc đó là 1 quan.
Lật dở lại những tài liệu ở những thế kỷ sau, một điều đặc biệt đó là, các ghi chép đều cho thấy 7 hình vẽ trên các tờ tiền mệnh giá khác nhau có các hình vẽ khác nhau.
Một trong số đó là công trình đồ sộ "Khâm định Việt Sử thông giám cương mục" do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho rằng, hình vẽ trên tờ tiền mệnh giá nhỏ nhất 10 đồng là vẽ rau rong, cùng chung quan điểm này là các công trình:
"Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Lê Thành Khôi; Lịch sử Việt Nam tập I của Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam; Đại cương lịch sử Việt Nam do Trương Hữu Quýnh chủ biên...".
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), vốn là tôn thất nhà Hồ.
Đây có thể là một sự nhầm lẫn trong khắc in bản khắc năm Chính Hòa (1697) hoặc dịch thuật đời sau. Ngoài sự khác nhau ở tờ 10 đồng, còn lại các tài liệu đều thống nhất, tờ 30 đồng vẽ sóng; tờ 1 tiền vẽ mây; tờ 2 tiền vẽ rùa; tờ 3 tiền vẽ lân; tờ 5 tiền vẽ phượng; tờ 1 quan vẽ rồng.
Mỗi hình vẽ dùng để phân biệt mệnh giá của một tờ tiền, đằng sau đó, những hình vẽ cũng hàm chứa ý nghĩa, gắn với đời sống kinh tế văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Đại Việt trong suốt chiều dài lịch sử.
1. Hình cây rong trên tờ 10 đồng
Hình ảnh cây rong thuộc nhóm hoa văn thực vật, tuy nhiên, đây không phải là biểu tượng quen thuộc. Các hình mẫu quen thuộc được sử dụng nhiều đó là tứ quý Tùng-Trúc-Cúc-Mai thể hiện sự vận động của thời tiết 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, với ước vọng đem lại may mắn, niềm tin về một cuộc sống thịnh vượng, no đủ.
Tờ 10 đồng có hình cây rong.
Hình vẽ cây rong cũng được tìm thấy trên một số công trình kiến trúc nổi tiếng thời Trần như Tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) hay chạm gỗ ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên). Có thể đây là cách điệu của một loại cây lương thực chính của Đại Việt-cây lúa nước. Nó biểu trưng cho mùa màng, ước mơ vụ mùa bội thu, dân chúng no đủ, cũng là mong ước của các vương triều phong kiến.
2. Hình sóng nước trên tờ 30 đồng
Đối với cư dân nông nghiệp như Đại Việt, nước là nguồn sống của con người, là sự khởi đầu của vạn vật và là nhân tố quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế phong kiến. Thời Lý-Trần, trong mỹ thuật Phật giáo sử dụng sóng nước hình nấm, ở bệ tượng Phật, ở trụ đá và nhiều loại kiến trúc khác một cách phổ biến.
Sóng vừa mang hình tượng cây, vừa mang hình tượng núi. Trong chạm khắc đình làng, sóng nước thường được sử dụng trong đồ án trang trí, như rồng phun nước, cá chép hoá rồng... Sóng nước luôn ở thế động và được cách điệu thành sóng nước như vẩy cá. Như vậy, sóng nước vừa gắn với đời sống kinh tế, lại gắn với văn hóa tín ngưỡng của cư dân Đại Việt.
3. Hình mây trời trên tờ 1 tiền
Theo quan niệm của người xưa, mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc. Đối với cư dân nông nghiệp, mây dấu hiệu báo hiệu cơn mưa, mang đến điềm báo cát tường, như mây ngũ sắc cũng có nghĩa là ngũ phúc.
Mây được trang trí cùng với tứ linh như Long vân khánh hội, Long ẩn vân, phượng mây, mây nâng vòng. Khi đức Phật ra đời, có mây ngũ sắc toả ánh hào quang. Trong những lễ tế thần, người xưa quan niệm có ứng nghiệm là khi có những đám mây trắng hoặc mây ngũ sắc hiện ra. Và, một lần nữa, sự "may mắn" này được chọn thể hiện trên tiền giấy.
4. Hình rùa trên tờ 2 tiền
Hình tượng Rùa là một biểu tượng thiêng liêng, là linh vật mang đến điềm lành, hạnh phục cho con người. Rùa có chiếc mai dạng mái vòm, là biểu tượng của bầu trời; bụng rùa phẳng được biểu tượng cho mặt đất.
Rùa là loài đứng đầu của loài vật có mai và vỏ. Rùa có tuổi thọ tưởng chừng như bất diệt, cho nên rùa là con vật thiêng, biểu tượng cho sự trường sinh, bất lão, cho sinh lực và sự trường tồn vĩnh cửu.
Con rùa cũng là biểu tượng cho sự "trung thành", "cam chịu" biểu hiện của hình ảnh làm thân cho hạc cưỡi trong các đình và vai trò đội bia trong kiến trúc các ngôi chùa. Thể hiện sự hài hòa âm dương, và ước mong sự trường tồn của một "vương triều".
CÒN NỮA...
*Tài liệu tham khảo
- Lê Thành Khôi (2016), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, HN, Tr. 228.
- Ngô Sỹ Liên và các sửa thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký Toàn thư tập II. Bản kỷ toàn thư, quyển VIII, Kỷ nhà Trần, Nxb Khoa học xã hội, HN, Tr. 189.
- Nguyễn Khắc Thuần (2005), Việt sử giai thoại (tập 4 36 giai thoại thời Hồ và thuộc Minh), Nxb Giáo dục, HN, Tr. 9.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Chính biên, quyển XI, Nxb Giáo dục, HN, Tr 318.
- Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2005), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên. Tr. 150
- Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Giáo dục, HN, Tr. 254.
- Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr. 233