Con người trở nên giàu có bằng cách nào? Tôi luôn tò mò với câu hỏi này bởi bạn có thể học hỏi được nhiều điều từ thành công của người khác.
Tuy nhiên, nếu tìm trên mạng, bạn sẽ chỉ thấy thông tin về việc, làm thế nào mà những người như Jeff Bezos trở nên giàu có.
Tôi lại muốn tìm hiểu về những người không bị truyền thông “đánh bóng” tên tuổi. Những người “bình thường” đang sống trong cùng một thành phố với bạn - không phải các tỷ phú ngoài kia. Bởi lẽ, nếu họ có thể giàu thì bạn cũng làm được.
Tôi quen 2 người rất giàu có, là bạn và cố vấn của tôi. Họ đã kể cho tôi nghe về con đường đi tới giàu có của mình.
Trường hợp 1: Người tận hưởng cuộc sống
John đã hơn 60 tuổi, có 3 người con trưởng thành và 2 đứa. Ông đã ly hôn và đang sống một mình cùng chú chó cưng. Ông cũng có bạn gái - người mà ông gặp vài lần trong tuần.
John có một vài bất động sản để cho thuê làm nhà. Mỗi tháng, ông sẽ dành ra vài tiếng để quản lý tài sản. Hầu hết công việc đều được ông thuê người phụ trách, tuy nhiên ông vẫn thích giữ liên lạc với những người thuê nhà.
Vì vậy, ông thường tới mỗi năm một lần.
Đó thật ra là cách tôi đã gặp John. Ông ấy từng là chủ nhà của tôi. Tôi nghĩ ông ấy là một người tốt và có thể học hỏi được nhiều thứ.
Cuộc sống của John khá thoải mái: ông ấy không phải đi làm, sống trong một ngôi nhà lớn, dành thời gian bên con cháu, di du thuyền nếu thời tiết đẹp.
“Nhưng cuộc sống của tôi không phải lúc nào cũng như vậy”, ông nói. Cha của John làm ăn được, nhưng không quá giàu có. John có thể hơn nhiều người, nhưng ông không ngậm thìa bạc từ bé.
John vào đại học, sau đó làm vài công việc cho đến khi ông nhận ra mình cần tự kinh doanh riêng. Khi ấy, ông đã kết hôn và có con, nhưng chuyện này không khiến ông dừng lại. John mở một công ty chuyên về đào tạo và phát triển.
Ông đến các buổi hội thảo và thuyết trình về nhiều lĩnh vực: nghệ thuật lãnh đạo, truyền thông, sales, kỹ năng làm việc nhóm… Sau này, ông ấy thuê thêm người về để giảng dạy.
John dành gần 20 năm để xây dựng công ty. “Lúc nào tôi cũng ở cơ quan. Tôi luôn thoải mái với điều này. Tuy nhiên, tôi đã bỏ lỡ thời tuổi thơ ấu của con cái”, ông nói, nhưng không hối tiếc vì đã làm việc chăm chỉ.
John cho rằng đây là cái giá phải trả để trở nên giàu có. Ông ấy kinh doanh và tạo ra việc làm.
Con cái ông vẫn sống tốt, vào đại học; hai trong số đó còn có công ăn việc làm ổn định, người còn lại thì kinh doanh thành công. Dù vậy, những đứa con của John lại không thích sự vắng mặt của bố.
“Suốt 20 năm qua, tôi đã cống hiến tất cả cho công ty. Cuối cùng, tôi kiệt sức. Khi cơ hội đến, tôi đã bán nó đi”, John nói. Đó chính là lý do mà ông trở nên giàu có ở tuổi 40.
Sau đó, John làm quản lý tạm thời trong vài năm. Ông tới những công ty đang gặp khó khăn và vực họ dậy. Tuy nhiên, sau một thời gian, John cảm thấy quá đủ và không muốn kinh doanh bao giờ nữa.
Trong những năm tiếp theo, John xây dựng khối bất động sản của mình và tập trung đầu tư vào đây.
Ngoại trừ chiếc du thuyền và những bức tranh John thích sưu tầm ra, ông không sống một cuộc đời sang chảnh mà vẫn lái chiếc xe đã dùng nhiều năm.
Tôi chưa từng hỏi ông ấy có bao nhiêu tiền, nhưng nhìn vào khối bất động sản và đầu tư của ông, tôi biết nó rơi vào khoảng 3 triệu USD.
Bài học rút ra:
Trong suốt một thập kỷ qua, John đã thoải mái tận hưởng cuộc sống. Ông nhận ra mình không thể trở nên giàu có nếu chỉ mãi làm thuê.
Ông tự mình xây dựng công ty riêng trong gần 20 năm, bán nó đi khi thấy có lợi nhuận, rồi đầu tư tiền đó vào bất động sản. Giờ đây, ông tận hưởng cuộc sống và dành thời gian bên gia đình mình.
Câu chuyện của John không phải là hiếm. Hầu hết những người giàu có bắt đầu từ hai bàn tay trắng đều có câu chuyện như thế này. Nhìn từ ngoài vào, mọi người thấy đây chẳng khác nào trúng xổ số.
Thế nhưng, suy nghĩ đó thật sai lầm. Đối với người giàu, đó là nhờ làm việc cật lực chăm chỉ. Và sự chăm chỉ nào cũng có cái giá của nó.
Hiếm ai có thể giàu lên nhờ may mắn. Vì thế, nếu muốn trở nên giàu có, bạn cần tự hỏi bản thân: Mình có sẵn sàng trả giá?
Trường hợp 2: Doanh nhân đầy cạnh tranh
Brian (hơn 50 tuổi) là một trong những doanh nhân thành đạt nhất mà tôi biết. Ông ấy có cả một công ty sản xuất quốc tế với hơn 1000 nhân viên.
Tôi đoán Brian sở hữu ít nhất 50 triệu USD. Ông ấy sống trong biệt thự lớn, sở hữu siêu xe, thường xuyên đi du lịch và còn đầu tư mạnh vào bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, cuộc sống cá nhân của Brian thì ít hào nhoáng hơn. Vợ ông qua đời năm ông 40 tuổi và điều này đã ảnh hưởng tới ông rất nhiều. Phải mất tới 18 năm sau ông mới tái giá.
Tôi biết Brian thích phim ảnh và xe hơi. Ông ấy không tập thể dục, đi du lịch, hay đọc sách. Ông ấy có chơi golf, nhưng đó là vì những người giàu khác cũng chơi.
Brian là con một trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Sau khi thành công với nghề kỹ sư, ông tự mở một công ty sản xuất của riêng mình khi đã hơn 30 tuổi. Ông ấy là một người vô cùng cạnh tranh và năng nổ trong công việc.
Chỉ trong 5 năm, Brian đã đưa công ty từ con số 0 lên doanh thu 10 triệu USD. Để làm được điều này, ông ấy đã làm việc cả 365 ngày - đó là tất cả những gì ông ấy làm trong năm. Brian có văn phòng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong vòng 5 năm qua, ông đã tiếp quản vô số công ty trong lĩnh vực của mình.
“Tôi thích kinh doanh”, đó là câu trả lời của Brian khi được hỏi tại sao lại làm vậy. Con người ông là như vậy, cứ làm mọi thứ và không bao giờ ngừng lại.
Tuy nhiên, ông không hoàn toàn là triệu phú tự thân. Brian được một người cố vấn kiêm đối tác thành công đầu tư khi mới bắt đầu.
Họ vẫn là đối tác cho đến tận ngày hôm nay. Nếu không có sự hỗ trợ đó, ông đã không thể thành công như ngày hôm nay.
Brian là người chẳng ngại đối đầu. Có lần tôi chứng kiến bất đồng giữa ông và một tên tuổi lớn trong thị trường.
Nhắc tới đối thủ - người mạnh hơn, có thâm niên hơn trong ngành, ông nhận xét: “Tôi không quan tâm họ là ai. Tôi sẽ không dừng lại cho tới khi mình thắng”.
Bài học rút ra:
Tôi không biết rõ về Brian như tôi biết John, và đó cũng chính là lý do tại sao. Những người có tính cạnh tranh cao thường không dễ mở lòng.
Họ chỉ làm một điều duy nhất: Chiến đấu để giành chiến thắng. Đó là tất cả những gì họ hứng thú. Trong trường hợp của Brian, anh đã làm điều này rất tốt.
Brian đã dành hầu hết thời gian để làm việc. Ông có một người cố vấn hỗ trợ mình phía sau. Ông không ngừng mua bán và đầu tư kinh doanh.
Ông sống rất kín đáo và giao lưu trong vòng tròn kín. Ông không ngừng làm việc để làm giàu. Ông chính là ví dụ cho bài học: Để trở nên thực sự giàu có, bạn phải biết cạnh tranh.
Tuy nhiên, Brian cũng làm từ thiện khá nhiều. Nhân viên làm việc cho ông trong nhiều năm trời, vì ông luôn đối xử tốt với họ.
Tôi đã nhận ra rằng hành trình làm giàu đòi hỏi bạn phải có phẩm chất khác biệt mà rất ít người có. Brian sẵn sàng trả một cái giá đắt hơn John, vì thế số tiền mà ông kiếm được cũng nhiều hơn hẳn.
***
Làm giàu không phải là một bài toán. Chẳng có công thức nào để làm giàu cả. Nếu có, tất cả những nhà toán học trên thế giới này đã sớm giàu rồi.
Để trở nên giàu có, bạn cần một phẩm chất đặc biệt. Làm giàu là cả một nghệ thuật, chứ không phải là một bộ môn khoa học.
Muốn làm giàu, bạn cần phải nỗ lực để tìm kiếm nó. Henry David Thoreau đã từng nói: “Thành công thường đến với những người biết nỗ lực bận rộn để tìm kiếm nó”.
Nếu dành đủ thời gian để làm điều mình muốn, bạn sẽ sớm được hưởng trái ngọt. Bạn chỉ cần tiếp tục nỗ lực và tìm cách để biến mơ ước thành hiện thực. Và làm giàu cũng vậy.
(Bài chia sẻ của Darius Foroux trên Medium. Anh là người sáng lập The Sounding Board - một cộng đồng riêng dành cho những người yêu thích học hỏi.)