Bí mật sức mạnh đột biến của lính dù Nga

Đại tá Trần Danh Bảng |

Chỉ trong vài giờ, Nga có thể đưa lính dù xuất hiện ở bất cứ đâu trên TG. Hàng trăm chiếc An-124 và IL-76, dư sức đưa hàng sư đoàn dù, với đầy đủ binh khí di chuyển hàng ngàn km.

Lực lượng tác chiến lợi hại, xuất hiện bất thần

Với lính dù, các nhà quân sự đều thừa nhận: Các đơn vị nhảy dù của quân đội các nước bao giờ cũng là đơn vị thiện chiến đứng đầu. Họ được tuyển chọn khắt khe, được huấn luyện toàn diện, kỹ càng nhất; có phương tiện và kỹ thuật cơ động nhanh nhất.

Các đơn vị này có sức đột kích mạnh nhất, xuất hiện bất thần, tác chiến ở những khu vực không thể vào bằng đường bộ hay đường biển, sâu trong trung tâm địch, tạo nên thế tiến công mạnh mẽ cho lực lượng chủ lực giành thắng lợi, đặc biệt lợi hại khi đánh chiếm sở chỉ huy, sân bay, căn cứ hiểm yếu, đánh úp các mục tiêu tối quan trọng, lãnh đạo chính trị và giải thoát con tin…

Tuy vậy, do điều kiện phải cơ động đường không, đổ quân đặc thù bằng dù hoặc trực thăng, nên binh lực xuất hiện mới chỉ là "lính dù" thiện chiến mà thôi. Khi yếu tố bất ngờ không còn nữa, tương quan sức mạnh bên có lính dù sẽ nhanh chóng mất đi, nhất là khi đối phương mạnh về hoả lực pháo binh, sức đột kích của xe tăng và cơ giới bọc thép.

Khái niệm "quân dù" được mở rộng gọi là "lực lượng dù", kèm theo pháo binh, cơ giới. Thực hiện đổ bộ bằng máy bay cánh bằng xuống sân bay, hoặc trực thăng đổ quân xuống mọi địa hình tác chiến, kể cả trên nóc các nhà cao tầng trong tác chiến đô thị.

Bí mật sức mạnh đột biến của lính dù Nga - Ảnh 1.

 Phương tiện chiến đấu hiện đại của lính dù Nga.

Theo lịch sử, trong Chiến tranh Xô-Đức, Liên-Xô có tới cấp "quân đoàn đổ bộ đường không". Người ta còn nhớ Chiến dịch đổ bộ đường không Vyazma năm 1942, tham gia nhảy dù xuống chiến trường rộng lớn gồm Lữ đoàn đổ bộ đường không số 201 (thuộc quân đoàn đổ bộ đường không số 5); Lữ đoàn đổ bộ đường không số 250; cùng Quân đoàn đổ bộ đường không số 4.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thương vong lớn, vì quân dù phải chống trả kịch liệt với quân Đức, Hồng quân đã đổ bộ được 7.373 binh sĩ và 1.525 kiện hàng, gồm vũ khí, thực phẩm… do tướng Belov chỉ huy, đã hoạt động sâu trong hậu cứ quân Đức tới 22 km.

Họ đã đánh chiếm Nam Vyazma, đánh lui nhiều đợt tấn công của quân Đức. Tướng Đức Franz Halder đã phải nói: "Quân của tướng Belov bây giờ đang hoạt động ở phía Tây Kirov. Tính cho cùng, ông ta đã thu hút tổng cộng 7 sư đoàn Đức về phía mình"…

Nhìn chung, ngoài kế hoạch tác chiến ban đầu, quân dù thường xuất hiện bất thần, còn được sử dụng trong các tình huống tăng phái, mở hướng tấn công khác và cứu vãn tình thế đang nguy kịch.

Nga kỳ vọng vào Quân dù (VDV)

Lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô, kế thừa là Nga sau này (Русский воздух посадку-VDV), trong chiến tranh lạnh VDV đã tham gia các sự kiện "tày đình", nhằm bảo vệ hệ thống XHCN, tính thống nhất của khối Warszawa.

Như sự kiện tháng 8/1968, quân dù Liên-Xô tham gia dập tắt phong trào "Mùa xuân Praha" bằng "Chiến dịch Dunai". Chỉ trong 1 đêm, Sư đoàn dù số 7, với 8000 lính trang bị tận răng đã có mặt cùng các lực lượng khác dập tắt "Mùa xuân Praha" đòi ly khai XHCN, lập lại chính quyền mới ở Tiệp Khắc…

Binh chủng nhảy dù của Liên Xô lúc này, trình độ nhảy dù đã đạt đến đẳng cấp rất cao. Nhảy dù ở rất thấp vẫn an toàn, hoặc nhảy từ độ cao lớn (có bình dưỡng khí) để phi cơ tránh được tên lửa vác vai cũng rất tốt.

Bí mật sức mạnh đột biến của lính dù Nga - Ảnh 2.

 Xe thiết giáp và phương tiện chiến đấu của lính dù Nga được thả từ máy bay vận tải IL-76

Thời điểm này, quân dù vừa nhận được thiết bị mới. Đó là loại dù D-1-8. Cho phép lính dù nhảy từ rất cao, độ tin cậy trong khi lái dù tốt, tiếp đất chính xác. Binh sĩ nhảy có thể từ tất cả các loại máy bay hiện đại, khổng lồ, tốc độ bay lên đến 400 km/h."

Tại sự kiện sân bay Slatina đêm 1999 ở Kosovo, đêm 11 rạng 12 tháng sáu năm 1999, cuộc đột kích chớp nhoáng của 370 lính dù Nga, cấp tốc đánh chiếm trước sân bay quốc tế này, khẳng định sự can dự của Nga, "có mối quan tâm" sâu sắc đến khu vực Balkan.

Mục tiêu khác dễ thấy là Nga ngăn không để các máy bay MiG-29 (xuất xứ Nga) của Nam Tư lọt vào tay NATO ẩn chứa nhiều bí mật quân sự. Khiến NATO sửng sốt về sự "nhanh tay phỗng lấy" này. Tháng 8 năm 2008, VDV tham gia vào tác chiến để buộc Gruzia trả lại Ossetia và Abkhazia.

VDV Nga còn chiến đấu 10 năm tại Afghanistan và sau đó trở về để đối phó với những bất ổn dân sự gây ra bởi perestroika của Gorbachev.

Qua gần hai thập kỷ thăng trầm, do Liên Xô sụp đổ, không quân Nga rệu rã, nhiều năm liền không tổ chức diễn tập quy mô lớn, hệ luỵ đến sức chiến đấu và sự phát triển VDV Nga.

Mãi tới tháng 11/2012, Tướng Sergei Shoigu giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, thay Tướng A.Serdyukov với những "sai lầm chết người", thì Lực lượng đổ bộ đường không Nga, mới bước vào thời kỳ lột xác, phát triển đột biến.

Bằng chứng là, Quân dù Nga đã được củng cố, chỉ sau 2 năm, VDV đã có những cuộc diến tập " kinh hồn" cấp quân đoàn. Lực lượng Đổ bộ đường không Nga (VDV) năm 2013 đã phát triển mạnh, có tới 35.000 lính thường trực triển khai với 4 sư đoàn và lữ đoàn.

Tướng Sergei Shoigu, một người từng giữ trọng trách Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga 11 năm liền. Ông hiểu vai trò của quân dù trong các tình huống "khẩn nguy" với sức mạnh xuất quỷ nhập thần của nó.

Không phải ngẫu nhiên, tháng 5/2014 ông Shoigu chủ trương mở cuộc thi đầu tiên "lựa chọn của bạn" thu hút thanh niên với lực lượng vũ trang. Trong đó quảng bá tính chuyên nghiệp cao của Quân đoàn dù, hút thanh niên tình nguyện vào lực lượng này.

Bí mật sức mạnh đột biến của lính dù Nga - Ảnh 3.

 Nụ cười của các chiến sĩ dù Nga.

Sự kiện được tổ chức tại đơn vị dù 98 (Vùng Ivanovo), đơn vị dù số 7 (Vùng Novorossiysk), số 76 (Vùng Pskov) và đơn vị dù 106 (Vùng Tula). Trong một ngày có tới 1.500 thanh niên đăng ký muốn phục vụ trong Lực lượng nhảy dù VDV Nga.

Cần nói chi tiết thêm về sự quan tâm tới Quân dù, từ năm 2012, một trung sĩ dù thu nhập không dưới 30.000 rúp, và với tiền thưởng có thể hưởng nhiều hơn: 40.000 đến 45.000 rúp. Tiền lương lính dù thoả đáng, so với lương trung bình trong khu vực, góp phần thu hút nhiều hơn thanh niên vào lính dù để đào tạo, chọn lựa ra lớp binh sĩ thiện nghệ trong tác chiến trên mọi địa hình, thời tiết.

Một sự kiện "kinh thiên động địa", tháng 6/2014, đã có cuộc diễn tập, trong "chiến dịch" đổ bộ đường không quy mô lớn, tại các vùng Kostroma, Yaroslavl. Phát ngôn viên lực lượng đổ bộ đường không Nga Yevgeny Meshkov cho hay, lực lượng này tiến hành diễn tập huấn luyện đổ bộ quy mô lớn tại 15 khu vực với sự tham gia của hơn 40.000 lính dù, tương đương với 3 sư đoàn.

Một đợt, khoảng 20.000 lính dù cùng xe bọc thép được thả từ các máy bay vận tải quân sự IL-76. Còn 2.000 lính dù sẽ nhảy từ máy bay An-26. Hơn 20.000 lính dù khác sẽ đổ bộ từ máy bay An-2 và trực thăng Mi-8.

Trung đoàn 566 là đơn vị duy nhất ở Nga làm nhiệm vụ trên các máy bay khổng lồ, lớn nhất thế giới An-124. Chỉ trong một vài giờ là các máy bay này có thể đưa quân dù xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới với đầy đủ khí tài, hoả lực.

Tính cơ động, tính đột kích và tính hoả lực hội đủ trong quân dù

Ba tố chất quý giá của một đạo quân, mà người chỉ huy nào cũng tìm cách củng cố, phát huy, đó là Tính cơ động, tính đột kích và tính hoả lực. "Quân dù" ban đầu mới chỉ lợi thế ở tính cơ động, và chút yếu tố đột kích khi bất thần xuất hiện.

Trong chiến tranh Việt Nam, Lữ đoàn dù của Mỹ, đều có phân đội pháo dù đổ quân cùng. Sư đoàn dù của VNCH trước đây được Mỹ "nâng cấp" cũng như vậy. Pháo đi kèm dù, nhờ trực thăng cẩu theo.

Pháo dù đã phát huy sức mạnh hoả lực ngay khi quân dù có mặt tại địa bàn tác chiến. Khi xe bọc thép có hoả lực trên xe được đổ cùng lính dù, khiến cho quân dù từ đó có đủ 3 yếu tố rất quý trong tác chiến: Tính cơ động, tính đột kích và tính hoả lực.

Trong chiến tranh lạnh, các nước có tiềm lực kinh tế - quân sự đã tăng cường sức mạnh cho lực lượng lính dù bằng lực lượng trực thăng yểm trợ, pháo binh cùng nhảy dù, thậm chí xe tăng nhẹ, xe bọc thép cũng được thả xuống bên binh sĩ…Khiến cho vai trò của "quân dù" trở nên nguy hiểm, chuyển hoá nhanh thế trận.

Binh chủng dù Nga, từ rất sớm có khả năng huy động lực lượng cực lớn tham chiến. Trong đó binh sĩ thiện chiến nhảy dù cùng nhiều xe chiến đấu, pháo tự hành. Đã từng có cuộc thao diễn, nhiều ngàn binh sĩ nhảy dù cùng lúc từ trên không, đều tiếp đất chính xác.

Ông Shamanov - Tư lệnh binh chủng dù Nga cho biết VDV tiếp nhận nhiều xe chiến đấu BMD-4M và xe bọc thép chở quân Rakushka, cũng như xe bọc thép chở quân BTR-82 trang bị pháo tự động 30mm 2A42.

Hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến thuật tiên tiến (C20) mang tên Andromeda sẽ dần dần được trang bị cho tất cả các đơn vị thuộc VDV. Hiện VDV có thêm 3 lữ đoàn để tăng cường khả năng phản ứng nhanh trong các cuộc xung đột tương lai.

Một trong những vũ khí mới, tiên tiến nhất mà VDV nhận được trong vài năm tới là pháo tự hành "nhảy dù" Zauralets-D. "Zauralets-D sẽ trình diễn lần đầu tiên trong tương lai gần. Pháo tự hành 120mm cải tiến độ chính xác, tầm bắn và một số đặc tính kỹ thuật khác", ông nói.

Ngoài ra pháo tự hành chống tăng 2S25 Sprut-SD được thiết kế dành riêng cho lực lượng Đổ bộ Đường không Nga với sức mạnh hỏa lực vượt trội hơn các dòng xe bọc thép đổ bộ đường không khác. Bên cạnh đó 2S25 còn được trang bị cho các đơn vị tác chiến đặc biệt của Quân đội Nga.

Trong kế hoạch tái trang bị của mình, dự kiến đến năm 2025, binh chủng dù Nga sẽ tiếp nhận vào biên chế hơn 1.500 xe chiến đấu BMD-4M, hơn 2.500 xe bọc thép BTR-DM.

Ngày càng hiện đại

Mới đây, VDV đã dự kiến, xin trang bị xe tăng T-72B3, vào lực lượng dù của Nga cuối năm 2016, sẽ phát triển đến tiểu đoàn xe tăng dù trong hai năm tiếp theo.

Lực lượng đổ bộ đường không Nga cho biết, họ cũng đang thử nghiệm hệ thống máy bay không người lái cánh cố định, hạng nhẹ, có thể vác vai, mang tên Iskatel (Searcher).

"Chúng tôi đang phát triển một hệ thống phòng không có thể thả từ trên không dựa trên mẫu xe chiến đấu đường không BMD-4M. Mẫu thiết kế thử nghiệm có tên Ptiselov", phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nga nói với hãng thông tấn TASS.

"Chúng tôi đã báo cáo rằng...VDV đã tái trang bị các thiết bị quân sự mới tới 41%. Như vậy, chúng tôi đã vượt xa dự kiến ban đầu". Tư lệnh Shamanov còn tuyên bố, việc tái trang bị vũ khí mới cho VDV là một trong những ưu tiên trong chương trình vũ khí nhà nước Nga năm 2025.

Như vậy, bên cạnh "sức lính can trường, thiện chiến" VDV Nga đã có tính cơ động cao, đạt trên 70km/ giờ, sức đột kích và hoả lực rất mạnh, ngay khi đặt chân xuống đất.

Với Quân dù "Bộ binh cơ giới" sẽ tạo thành những mũi đột kích, hướng đột kích rất mạnh, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng. Nhờ có pháo phòng không đi kèm, quân dù còn bảo vệ được đội hình trước không quân. Quân dù chiến đấu ngay trong hành tiến, chuyển hoá thế trận, trên nhiều loại hình chiến trường, kể cả vùng băng giá như Siberi và Bắc cực.

Thực hiện chỉ thị của Tổng thống PuTin, trong thập kỷ tới đây, sẽ trang bị cho quân đội các loại vũ khí công nghệ cao. VDV cũng " tăng hàm lượng vũ khí hiện đại, công nghệ cao".

Thực tế VDV đã nhận một loạt trang bị vũ khí tối tân gồm: bộ trang phục chiến sĩ Ratnik, hệ thống pháo - tên lửa nâng cấp cũng như súng trường bắn tỉa mới, súng trường tiến công và vũ khí hạng nhẹ khác. Các thiết bị bay không người lái cho VDV cũng đang được phát triển.

"Xung đột vũ trang những năm 2020-2030 chắc chắn sẽ đòi hỏi một module chiến đấu hoặc là một cái gì đó lai ghép giữa xe bọc thép và trực thăng", Tư lệnh VDV Shamanov nói.

Được biết, các nhà khoa học quân sự Nga đã nghĩ tới loại máy bay trực thăng không người lái mới sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả của hệ thống thông tin và thu thập tình báo thống nhất của các lực lượng trên chiến trường, trong đó có VDV.

VDV còn có thiết bị "Dome" thực hiện thả dù từ độ cao khoảng 1500 mét từ máy bay IL-76 với việc sử dụng các mục đích đặc biệt hệ thống dù "Arbalet-2". Dome như một vòm chứa những trang bị thiết yếu, bao gồm năng lượng, thức ăn, y tế, vũ khí… bảo đảm cho nhóm quân dù tiếp đất trên Bắc Cực, hoặc vùng đài nguyên hoang dã có ngay cuộc sống thường ngày, an sinh bảo đảm.

Các hệ thống dù đặc biệt như Arbalet-1 và Arbalet-2, đã được sử dụng thành công trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là ở Bắc Cực và núi Elbrus, có khả năng mang được 150 kg. Hàng hóa có thể được thả từ các máy bay đang bay với vận tốc lên đến 400 km/giờ. Tại Bắc Cực lính dù được đào tạo đa năng để vượt qua những trở ngại trong điều kiện khắc nghiệt.

Trường Chỉ huy lính dù Ryazan, nơi "sản sinh" ra các thế hệ ưu tú chỉ huy lính dù Nga cũng được nâng cấp, hiện đại hoá, đáp ứng năng lực tác chiến rất cao cho quân dù, trong tác chiến hiệp đồng và ngày 22/5 vừa qua đã vinh dụ được nhận Cup hạng nhất- Bộ trưởng Quốc phòng các nước CIS tại Olympic quốc tế cho sinh viên huấn luyện quân sự.

Quân dù Nga đang là lực lượng tác chiến phản ứng nhanh, đột kích mạnh, hoả lực rất sung mãn, sẵn sàng tác chiến bất cứ đâu trên thế giới!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại