'Bí mật' đằng sau việc đa số máy bay chở khách thường sơn màu trắng mà không phải màu khác

Anh Việt |

Nếu có cơ hội đi qua bất kỳ sân bay nào trên thế giới, bạn sẽ nhận thấy một sự ‘trùng hợp’ kỳ lạ, khi ‘ngoại hình’ của bất kỳ chiếc máy bay bạn bắt gặp thường có màu giống nhau, cụ thể ở đây là màu trắng.

Trên thực tế, mặc dù một số hãng hàng không thường lựa chọn màu sơn có thiết kế độc đáo và táo bạo cho máy bay của mình, phần lớn các máy bay thương mại đều được sơn màu trắng, hoặc tông màu sáng. Trong khi đó, các mẫu máy bay được sơn màu đen hoặc tông màu tối lại hiếm hơn rất nhiều.

Giống như bất cứ điều gì trong kỹ thuật hàng không, điều này không xảy ra một cách tình cờ. Theo đó, lý do tại sao máy bay luôn được sơn màu trắng là một trong số các chủ đề được những người đam mê ‘chim sắt’ thảo luận nhiều nhất. Ở đây, vấn đề chi phí và kỹ thuật hóa học là 2 nguyên nhân chính dẫn tới sự đơn điệu trong màu sắc của máy bay.

Theo hãng hàng không vũ trụ Boeing, việc phủ các lớp sơn trên máy bay chở khách có thể khiến phương tiện bay này nặng thêm từ 273 đến 544kg. Điều này có nghĩa, nếu một chiếc máy bay không được phủ sơn, tải trọng tối đa còn dư của nó cho phép chở thêm được 8 hành khách. Như vậy, việc sơn thêm các màu sắc khác có thể làm tăng trọng lượng của máy bay, vô hình trung giảm hiệu quả và chi phí vận hành máy bay ngay lập tức.

Một câu hỏi được đặt ra: Màu sơn nào mang tới sự hiệu quả nhất cho máy bay? Một chuyên gia về sơn hàng không đã đưa ra luận điểm về việc màu đen có thể là lựa chọn tốt hơn để sơn lên máy bay.

Bí mật đằng sau việc đa số máy bay chở khách thường sơn màu trắng mà không phải màu khác - Ảnh 1.

Theo đó, một lon sơn hàng không màu trắng nặng hơn 53% so với màu đen, tức 6393,7g so với 4156,7g trên mỗi lon sơn 3,78 lít tiêu chuẩn. Sự khác biệt ở đây đến từ thành phần của sơn trắng và sơn đen. Thông thường, sơn trắng chứa một khối lượng lớn oxit kim loại, vốn cần thiết cho sắc tố trắng, khiến màu sơn này nặng hơn. Như vậy, việc sơn màu đen sẽ giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhờ ưu điểm về trọng lượng nhẹ so với sơn màu trắng.

Mặc dù vậy, vẫn không có nhiều máy bay thương mại được sơn màu đen.

Đáp án cho câu hỏi trên liên quan tới vấn đề chi phí và thời gian. Việc sơn lại một chiếc máy bay bằng sơn đen có thể phức tạp và tốn kém hơn so với những ưu điểm về trọng lượng nhẹ mà màu sơn này đem lại. Trong khi đó, sơn trắng lại có giá bán rẻ hơn, và có sẵn hàng hơn nhiều. Do các thợ sơn thường mua sơn trắng với số lượng lớn, các hãng sản xuất sơn thường ưu tiên sản xuất màu sơn này so với các màu khác, với số lượng lô hàng ra lò thường lớn hơn. Điều này giúp giảm chi phí của sơn trắng.

Chưa kể đến, khi sơn máy bay, sự khác biệt về khối lượng giữa các màu được áp dụng là rất nhỏ, vì tất cả các máy bay đều cần thêm lớp sơn lót và lớp phủ ngoài để mang lại cho máy bay vẻ bóng mịn đáp ứng được yếu tố khí động học. Cuối cùng, có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nhiên liệu hơn, chẳng hạn như trọng lượng hàng hóa, v.v.

Sơn trắng làm mát máy bay và tăng khả năng chống bức xạ

Theo nhiều nghiên cứu, màu sơn trắng giúp phản xạ nhiệt ra khỏi máy bay. Năm 1996, người ta phát hiện ra rằng lớp sơn màu xanh lam trên chiếc Concorde của Air France dành cho Pepsi Cola dễ gặp sự cố quá nhiệt. Nó chỉ có thể bay ở tốc độ Mach 2 trong thời gian ngắn 20 phút hoặc có nguy cơ bốc cháy.

Bí mật đằng sau việc đa số máy bay chở khách thường sơn màu trắng mà không phải màu khác - Ảnh 3.

Chưa kể đến, việc sử dụng sơn trắng có hàm lượng oxit kim loại cao giúp bảo vệ hành khách và bản thân máy bay. Lý do chính tại sao máy bay được sơn màu trắng hoặc màu nhạt là để phản chiếu ánh sáng Mặt trời và giảm thiểu nhiệt cũng như bất kỳ thiệt hại tiềm ẩn nào từ bức xạ Mặt trời. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, trong chuyến bay kéo dài 3 giờ, hành khách tiếp xúc với 3,5 mrem bức xạ vũ trụ, tương đương với lượng bức xạ khi chụp X-quang lồng ngực. Mức bức xạ tia cực tím cao do bay ở độ cao là điều mà tất cả các hãng hàng không phải cân nhắc về các cách phối màu sắc.

Gần đây, người ta phát hiện ra rằng lớp sơn lót được sử dụng trên máy bay 787 Dreamliners của Boeing gặp vấn đề bong tróc khi tiếp xúc nhiều với ánh sáng Mặt trời. Các nhà sản xuất máy bay đã buộc nộp đơn lên Cục quản lý hàng không liên bang của Mỹ để thu hồi máy bay, từ đó phủ lớp sơn phủ chống tia cực tím lên lớp sơn bị lỗi.

Trong thời gian chờ giải quyết, các hãng hàng không phải sử dụng các loại băng keo chuyên dụng để giải quyết vấn đề máy bay bị bong tróc.

“Mặc dù việc sử dụng băng keo không ảnh hưởng đến sự an toàn của máy bay, nhưng công chúng có thể nhận thấy tình trạng không an toàn khi nhìn thấy chúng trên bề mặt của cánh may bay,” Beoing nói.

Sơn trắng giảm chi phí vận hành

Việc sơn trắng toàn bộ một chiếc Boeing 777 tương đương với 544kg trọng lượng tăng thêm. Theo Telegraph Travel, điều đó tương đương với việc bổ sung thêm một dãy ghế hành khách vào máy bay, vốn có thể mang tới nhiều hơn về doanh thu.

Bí mật đằng sau việc đa số máy bay chở khách thường sơn màu trắng mà không phải màu khác - Ảnh 5.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không có gì lạ khi các hãng hàng không sử dụng những chiếc máy bay không hề được phủ sơn. Thay vào đó, lớp vỏ bên ngoài của những chiếc máy bay này được đánh bóng thành một lớp crôm mịn. Cá biệt, hãng American Airlines đã vận hành đội bay gồm những chiếc ‘chim bạc’ đến tận năm 2013.

Tuy nhiên, phần lớn những chiếc máy bay này sau đó đã được phủ một lớp sơn màu trắng mới được phát triển riêng cho American Airlines, cho phép thi công mà không cần phun thêm sơn lót mica. Hãng hàng không cho biết điều này đã tiết kiệm cho họ 300.000 gallon (1.135.000 lít) nhiên liệu mỗi năm.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại