Nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin (1809-1882), cha đẻ của Thuyết Tiến hóa đã từng bỏ ra 15 năm để nghiên cứu về những loại cây có khả năng "ăn thịt" trước khi có chuyên đề đầu tiên về cây ăn thịt vào năm 1875.
Không lấy khí CO2 từ không khí, hút nguồn nước ngầm dưới lòng đất và quang hợp ánh sáng Mặt trời như những loài cây khác, cây ăn thịt (Carnivorous plant) lấy dưỡng chất bằng việc bẫy và "ăn thịt" động vật.
Sinh sống trong những môi trường khắc nghiệt và nghèo chất dinh dưỡng như đất mỏng, sỏi đá, đầm lầy chua, cây ăn thịt buộc phải thích nghi với điều kiện sống "kham khổ" bằng cách trở nên xinh đẹp, hấp dẫn. Chỉ với cách đó, chúng mới có thể tạo nên những cái bẫy ngọt ngào "chết người".
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 600 loài cây dùng các loại bẫy khác nhau để thu hút con mồi. Đặc điểm chung của các loài cây ăn thịt là sản xuất các enzym tiêu hóa để hấp thụ chất dinh dưỡng từ động vật.
Vậy, ẩn sau trong những cái bẫy đẹp đẽ đó là những loại "vũ khí" nào có khả năng biến con mồi thành dưỡng chất?
Cách thức hủy hoại động vật của cây ăn thịt
Cây Bẫy ruồi Venus
Có hình dáng như những cặp hàm quỷ lởm chởm răng nhọn, loài cây Bắt ruồi Venus sử dụng lớp lông vô cùng nhạy cảm để cảm nhận sự động chạm của các loài động vật "khoái khẩu" của nó như ruồi, nhện.
Những sợi lông cực nhạy của cây Bẫy ruồi Venus một khi bị đụng chạm thì con mồi khó mà thoát chết. Ảnh: BBC.
Chỉ cần côn trùng chạm nhẹ, "hàm quỷ" nhanh chóng khép lại không cho con mồi trốn thoát. Ngay sau đó, cây Bắt ruồi Venus sẽ trào ra loại enzym tiêu hóa, giết chết con mồi rồi dần dần "nuốt" dưỡng chất ngon lành.
Cây Gọng vó Sundew
Cái bẫy "chết người" mà cây Gọng vó sử dụng để "làm thịt" con mồi là những mật hoa có mùi vị ngọt ngào. Côn trùng một khi bị mật ngọt này hấp dẫn sẽ nhanh chóng đậu xuống nhành cây.
Khi đó, những sợi lông vô cùng mảnh chứa đầy chất keo dính sẽ cuộn chặt nạn nhân vừa khiến con mồi không thể thoát thân vừa khiến chúng bỏ mạng vì ngạt thở.
Cây Nắp ấm Pitcher
Là một trong những loài cây ăn thịt sở hữu chiếc bẫy "chết người" hoàn hảo nhất, cây nắp ấm sử dụng những chất có mùi vị vô cùng ngọt ngào.
Với cấu tạo như chiếc bình có chất ngọt ở đáy bình, côn trùng dễ dàng bị thu hút. Chúng không biết rằng, trong thành bình có những chất rất trơn. Công cuộc kiếm ăn bỗng chốc trở thành cuộc "tự sát" khi con mồi rơi xuống đáy bình mà không thể thoát thân.
Lẽ dĩ nhiên, Nắp ấm chỉ việc tiết chất phân hủy và an nhàn thưởng thức con mồi.
Cây loa kèn vàng (the yellow trumpet), cây hố bẫy Sarracenia cũng có cách thức bẫy và tiêu hủy con mồi giống cây Nắp ấm.
Cây Rong bắt ruồi Bladderwort
Được xem là "sát thủ" có khả năng ăn thịt nhiều nhất trong hơn 600 loài cây ăn thịt, cây Rong bắt mồi Bladderwort có thể "kiếm ăn" khoảng 1.000 con ruồi mỗi ngày.
Sử dụng hệ thống bẫy giống bong bóng nổi trên mặt nước, loài cây ăn thịt sống môi trường nước này giả mình là những "ngôi nhà" cho loài các thủy sinh trú ngụ.
Khi cơ hội vàng đến, chúng nhanh chóng dùng những sợi lông mảnh cuộn chặt và tiêu hóa con mồi.
Cây Cỏ bơ Butterwort
Sử dụng hệ thống bẫy giống như những giọt nước trong lành đậu trên lá, cây Cỏ bơ dễ dàng hấp dẫn những vị khách "vãng lại" muốn dừng chân nghỉ ngơi và thưởng thức nước ngon lành.
Các con mồi đâu biết, những giọt nước đó là những giọt keo có khả năng tóm chặt và giam hãm chúng.
Cái chết sẽ đến nhanh khi Cỏ bơ liên tiếp tiết ra chất keo nhiều hơn nữa để bao bọc con mồi, khiến chúng ngạt thở trong đau đớn. Quá trình thưởng thức món ăn của Cỏ bơ từ đó cũng bắt đầu.
Cây "Hoa xác chết" Amorphophallus titanum
Trong số những loài cây ăn thịt trên thế giới, cây "Hoa xác chết" là một trong những loài cây "ăn đạm" lớn nhất (dài gần 3m), có mùi mạnh nhất và đáng sợ nhất.
Không dùng mùi ngọt ngào hay dáng vẻ ngọt ngào, đáng yêu để hấp dẫn con mồi, cây "Hoa xác chết" sử dụng loại mùi hôi thối như mùi thịt ôi để làm bẫy.
Ấy vậy mà, các loài ong lại rất "kết" mùi vị này. Một khi đã đậu nên những cánh hoa, phấn hoa của "Hoa xác chết" sẽ rơi như mưa khiến ong không thể thoát thân mà rơi xuống đáy hoa.
Tại đây, các chất nhầy sẽ nhanh chóng bao bọc nạn nhân xấu số và phân hủy thành dưỡng chất cho cây "Hoa xác chết".
Tự nhiên luôn có những điều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết. Ảnh: Funny.com.
Tự nhiên vốn tồn tại những điều mà con người chúng ta khó ngờ tới. Riêng cụm từ "cây ăn thịt" cũng đủ để nói lên những mâu thuẫn mà con người thích khám phá.
Bài viết tham khảo các nguồn: Livescience, Carnivorous, Thanh Niên, Wikipedia