Chào các bạn. Trong những ngày mùa đông giá rét ở miền Bắc, bên cạnh những thiết bị làm ấm như quạt sưởi, máy sưởi thì đèn sưởi nhà tắm cũng là một sản phẩm luôn "cháy hàng" vì được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Và mặc dù đèn sưởi nhà tắm không còn là món đồ gia dụng quá xa lạ với nhiều người, nhưng cách lựa chọn và sử dụng đèn sưởi nhà tắm sao cho tiết kiệm và an toàn thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này ngay bây giờ nhé.
Lựa chọn đèn sưởi phù hợp với không gian nhà tắm
Tùy thuộc vào diện tích phòng tắm mà chúng ta sẽ chọn loại đèn sưởi có công suất phù hợp. Điều này không những vừa tiết kiệm được chi phí, đảm bảo hiệu quả hoạt động của đèn sưởi mà còn giúp giữ an toàn điện trong gia đình.
Với công suất mỗi bóng đèn sưởi thông dụng hiện nay là 275 W, và đa phần dây điện sẵn có trong nhà chúng ta tiết diện tối thiểu 2 x 1,5 mm² thì:
Đối với phòng tắm có diện tích từ 2 - 4m2: Chọn loại đèn 2 bóng tương đương với công suất 550 - 570 W.
Đối với phòng tắm có diện tích từ 4 - 8m2: Chọn loại đèn 3 bóng tương với công suất khoảng 825 - 850 W.
Với phòng tắm lớn trên 15m2 thì có thể lắp loại đèn sưởi 4 bóng với công suất lên đến hơn 1100 W nhưng sẽ quá tải với loại dây có tiết diện 2 x 1,5 mm². Lúc này, chúng ta nên dùng loại cáp PVC 2 lớp cách điện, tiết diện 2 x 2,5 mm² để đảm bảo an toàn.
Nếu hệ thống điện trong nhà các bạn đã cũ thì cũng không cần quá lo lắng bởi hầu hết những loại đèn sưởi nhà tắm hiện nay đều có công tắc để bật/tắt các bóng đèn độc lập. Nghĩa là, dù bạn mua loại 4 bóng nhưng có thể sử dụng chỉ 1, 2 hoặc 3 bóng chứ không nhất thiết là phải bật cả 4 bóng đồng thời.
Lựa chọn vị trí lắp đặt đảm bảo an toàn hiệu quả
Nếu lắp đèn sưởi quá thấp thì sẽ có nguy cơ bị bỏng khi vô tình chạm tay vào bóng đèn hoặc thậm chí cháy nổ, chập điện nếu bị dính nước từ vòi hoa sen. Ở chiều ngược lại, nếu vị trí lắp đặt quá cao lại khiến hiệu quả sưởi ấm bị giảm đi đáng kể.
Đối với người Việt Nam chúng ta thì các nhà sản xuất khuyến cáo khoảng cách tính từ vị trí nền nhà đến đèn sưởi bắt buộc phải cao hơn vòi hoa sen để hạn chế tiếp xúc với nước, và nên dao động trong khoảng từ 1.8 – 2 m. Độ cao này vừa đảm bảo an toàn, lại vẫn dễ dàng trong thao tác bật/tắt đèn khi sử dụng.
Định kỳ kiểm tra đèn sưởi
Quá nửa thời gian trong năm chúng ta không sử dụng đến đèn sưởi. Bên cạnh đó, do luôn phải tiếp xúc với hơi ẩm nên đèn sưởi nhà tắm có nguy cơ bị côn trùng (gián, kiến...) xâm nhập hoặc thậm chí là chập điện mà ít người để ý.
Vì vậy, các bạn cần định kỳ kiểm tra lại dây điện của đèn sưởi xem có bị hở, bị đứt hay không. Nếu chẳng may dây có bị chuột hoặc gián gặm thì phải sửa lại hoặc tốt nhất là thay dây mới.
Ngoài ra, vì phải "đắp chiếu" trong thời gian dài nên vỏ đèn sưởi và các bóng đèn rất dễ bị bám bụi, khiến cho hiệu quả làm nóng và tuổi thọ của đèn bị giảm. Do vậy, các bạn nên vệ sinh đèn sưởi tối thiểu 2 lần/năm vào thời điểm trước mùa lạnh lúc bắt đầu dùng đèn và sau mùa lạnh khi không dùng nữa để làm sạch bụi bẩn bám trên bóng đèn, giúp kéo dài tuổi thọ bóng.