Một ngày giữa tháng 6/2017, khi các thí sinh rời phòng thi, trong đám đông bước ra khỏi cổng trường trung học số 2 Thượng Khâu, tỉnh Hà Nam có một cô bé khiến mọi người xôn xao bàn tán. Cô bé đó là Trương Nhất Văn (9 tuổi) - thí sinh nhỏ tuổi nhất thi vào đại học năm ấy.
Sinh ra với thân phận kép
Trương Nhất Văn là con đầu lòng trong gia đình không mấy khá giá, bố mẹ đều là giáo viên. Gia đình cô sống trong căn nhà cũ kỹ, phong cách cổ xưa hoàn toàn khác biệt với các căn nhà xung quanh. Bố của Nhất Văn không bao giờ có ý định sang sửa ngôi nhà để cải thiện môi trường sống. Thay vào đó, ông dành tiền để mua sách cho con.
Trong căn nhà chật hẹp, ông tối giản mọi đồ gia dụng, để chỗ cho những cuốn sách. Hàng xóm của nhà Nhất Văn khi sang chơi từng thốt lên rằng ngôi nhà như thư viện cũ.
Với người ngoài, đó chỉ là ngôi nhà nhưng với Nhất Văn, đó còn là ngôi trường đầu tiên và khắc nghiệt nhất cuộc đời. Thời gian Nhất Văn học ở nhà còn nhiều hơn học tại trường lớp.
Vốn là người yêu thích văn học, bố Nhất Văn luôn tự nhận bản thân có trí thông minh và năng khiếu từ nhỏ. Ông thường lên mạng viết các bài bình luận về xã hội, còn tự so sánh mình với Lỗ Tấn. Từ thời trẻ, ông đã muốn xây dựng hình ảnh bản thân là người học vấn cao, muốn mọi người nể phục.
Do vậy, ông luôn khoe bản thân có nhiều bằng cấp, từng bỏ học tại Đại học Bắc Kinh chuyển đến Hong Kong tham gia chương trình tiến sĩ ngôn ngữ. Tuy nhiên tất cả những điều đó đều do ông tự ảo tưởng, không có thành tích nào là thật.
Vỡ mộng về bản thân, ông lên kế hoạch biến con gái thành nhân tài. Ông tự mở một trường tư thục để dạy con gái với giáo trình độc nhất.
5 giờ sáng mỗi ngày, Nhất Văn phải thức dậy và ghi nhớ các từ vựng. Sau bữa sáng, cô bé phải học tập và rèn luyện chuyên sâu ở trường tư thục của bố. Nhất Văn chỉ được nghỉ trưa trong thời gian ngắn sau đó tiếp tục học đến tối muộn. Nhất Văn không được phép đi ngủ trước 11 giờ tối.
Cô bé phải học ngày học đêm dưới sự giám sát nghiêm ngặt của bố. Nhờ vậy, Nhất Văn học xong chương trình phổ thông chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Nhất Văn gần như không có bạn, sống ngày càng khép kín. Nhiều người nói cô bé phải sống với thân phận kép, vừa là con gái vừa là "thí nghiệm" của bố đẻ.
Thành công đến bất chợt rồi vụt tắt
Sau nhiều năm học tập, ôn luyện cật lực dưới sự quản thúc của bố, Trương Nhất Văn trở thành hiện tượng khi tham gia kỳ thi đại học ở tuổi lên 9. Cô được nhiều người ngưỡng mộ gọi là "thần đồng Hà Nam". Thậm chí nhiều phụ huynh còn đến tận nhà Nhất Văn tìm gặp bố cô hỏi cách thức nuôi dạy nhân tài. Nhờ đó, ngôi trường tư thục ông mở có thêm nhiều học sinh đến học.
Tuy nhiên hào quang của Nhất Văn không duy trì được lâu. Thời điểm đó ai cũng kỳ vọng Nhất Văn sẽ vào đại học và ngày càng xuất sắc, nhưng chỉ sau mấy tháng nổi tiếng, người ta phát hiện cô bé không đỗ đại học, cô chỉ được 172 điểm, đủ đỗ vào trường cao đẳng hạng trung. Từ đó mọi người cũng không còn nhắc đến cô bé thần đồng.
Bố Nhất Văn tiếp tục gửi cô đến các lò luyện thi với kỳ vọng năm sau cô sẽ đỗ đại học. Sau một năm ôn tập điên cuồng, cô bé xuất sắc đạt được 352 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2018. Kết quả này tuy không quá nổi bật nhưng với cô bé 10 tuổi, đó là nỗ lực lớn.
Sau khi có kết quả, bố của Nhất Văn đăng ký cho con vào Học viện Công nghệ Shangqiu - chương trình kéo dài ba năm.
Trong quá trình học đại học, Nhất Văn không thể hoà đồng với những người bạn 18-20 tuổi. Tại trường đại học, không ai bắt chuyện. Việc sống tự lập là nỗi vất vả với cô bé vì suốt những năm tuổi thơ cô chỉ sống trong sự bao bọc giám sát của bố.
Suốt thời gian học đại học không ai còn nhắc về Nhất Văn. Năm 2021, cô bé tốt nghiệp đại học ở tuổi 13, tuy nhiên không công ty nào dám thuê một đứa trẻ về làm việc.
Sau thời gian bị công chúng lãng quên, Nhất Văn lại một lần nữa được nhắc đến, nhưng lần này không phải sự ngưỡng mộ. Không ai tin rằng cô bé thần đồng lại có cuộc đời tuột dốc.
Không học trường đại học danh giá như nhiều người kỳ vọng cũng không làm được công việc thu nhập cao, Nhất Văn được bố mình thuê làm trợ lý tại trường tư thục của ông với mức lương 2.000 nhân dân tệ. Hàng tháng cô chỉ nhận được một nửa số đó tương đương 3,5 triệu đồng.
Vì quen với cuộc sống cô độc nên khi lớn, Nhất Văn khó mở lòng với người xung quanh. Hạn chế giao tiếp khiến công việc của cô bất lợi, cả ngày cô chỉ quanh quẩn ở nhà hoặc ở trường.
Ở tuổi 17, dư luận chỉ quan tâm Nhất Văn thành công hay thất bại mà ít ai biết suốt thời gian trưởng thành, cô bị trầm cảm dưới sự kìm hãm của bố mình.