Cách đây không lâu, có cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ câu chuyện: Một bà mẹ đưa con có dấu hiệu trầm cảm đi khám. Bác sĩ nói rằng đứa trẻ vô cùng thiếu tự tin và nhờ cha mẹ động viên, cố gắng không đánh hay nói những lời tổn thương con.
Sau khi khám xong, người mẹ đi lấy thuốc, trong khi cô con gái ngồi đợi một bên và đọc sách. Một phụ huynh ngồi gần khen bé chăm học và có động lực. Người mẹ về tới, nghe thấy, vô thức buột miệng: "Làm gì có động lực? Nó toàn làm ra vẻ mà thôi". Đứa trẻ nghe mẹ nói xong liền im lặng cất cuốn sách trên tay đi.
Có lẽ khi chứng kiến điều này, rất nhiều người sẽ cảm thấy tức giận, trong đó có bác sĩ, ông sẽ cảm thấy mọi lời dặn dò của mình đều bị bỏ ngoài tai. Người mẹ có yêu con mình không? Có lẽ có. Nhưng việc từ chối, phủ nhận con đã trở thành thói quen của bà. Người mẹ tưởng rằng đây là biểu hiện của sự khiêm tốn nhưng không biết một câu nói ngắn ngủi có thể khiến trái tim đứa trẻ tổn thương đến mức nào.
Cha mẹ là giáo viên quan trọng nhất của con cái và phương pháp giáo dục của họ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng là một "giáo viên" có chuyên môn. Nhiều cha mẹ với cách nuôi dạy con sai lầm đã dẫn đến những vấn đề về tâm lý suốt đời cho con cái.
Câu chuyện của Phạm Kim Thành, một cô gái 33 tuổi sau đây là một ví dụ.
33 tuổi, có bằng đại học vẫn sống bám cha mẹ 10 năm
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV từng phát sóng một video phỏng vấn. Nhân vật chính của video là Phạm Kim Thành. Cô tốt nghiệp đại học nhưng vẫn ở nhà suốt mười năm, lời giải thích của cô là: "Bố mẹ đánh gãy đôi cánh của tôi từ nhỏ nhưng lại trách tôi không biết bay".
Cô gái Phạm Kim Thành
Phạm Kim Thành sinh ra trong một gia đình bình thường ở ngoại ô thành phố Đường Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Ở nhà cô còn có một chị gái. Vì kế hoạch hóa gia đình thời đó rất nghiêm ngặt nên khi mẹ bất ngờ mang thai cô, cha của Kim Thành đã phải mất việc, ông chỉ có thể dựa vào nghề nông để nuôi sống gia đình.
Ban đầu, hai vợ chồng có thể chấp nhận nhưng dần dần gánh nặng cơm áo nặng nề khiến họ cảm thấy không thể đương đầu được. Điều này khiến người cha đổ lỗi mọi sự bi thảm của mình cho đứa con gái út.
Từ khi còn nhỏ Kim Thành đã chịu sự hà khắc của cha. Trong khi những đứa trẻ khác có thể ra ngoài chơi thì cô bé chỉ ngồi học ở nhà. Những bậc cha mẹ khác mua cặp sách và đồ chơi xinh xắn cho con, Kim Thành chỉ có thể dùng đồ cũ của chị. Khi con gái ngỏ ý muốn mua một món đồ nhỏ, cha mẹ sẽ mắng cô đua đòi viển vông.
Phạm Kim Thành cũng luôn bị mẹ mắng mỏ và phủ nhận. Chẳng hạn cô rất thích chạm khắc nhưng người mẹ lại cảm thấy việc đó không có tác dụng, thà đọc sách và học tập chăm chỉ, đạt điểm cao còn hơn. Vì vậy, cô chỉ có thể từ bỏ ước mơ vừa chớm nở của mình và quay lại cống hiến hết mình cho sách vở.
Sau này, khi vào cấp hai, Phạm Kim Thành lại yêu thích thiết kế. Cô luôn thích tự mình thiết kế quần áo, giày patin và các đồ dùng khác, làm việc chăm chỉ hết lần này đến lần khác để thể hiện tác phẩm ưng ý nhất. Nhưng mẹ cô cau mày, mắng mỏ, cho rằng con đang lãng phí thời gian, thậm chí ném đôi giày con gái làm vào thùng rác. Giấc mơ của cô lại tan vỡ.
Phương pháp giáo dục của cha mẹ đã khiến Kim Thành mắc chứng ám ảnh sợ xã hội và luôn cảm thấy dù có làm gì thì mình cũng chưa đủ giỏi. Khi còn trẻ, cô cùng bạn bè đi siêu thị làm công việc bán thời gian, nhưng cô rất ngại giao tiếp với người lạ. Một khi có khách hỏi cô sẽ lo lắng đến mức không nói được gì, còn tay chân lạnh toát. Áp lực từ cha mẹ giống như một tảng đá vô hình luôn đè nặng lên trái tim Kim Thành nhiều năm khiến cô rụng tóc, trầm cảm và cuối cùng trượt kỳ thi tuyển sinh đại học.
Dưới áp lực của cha mẹ, Kim Thành phải học lại ba năm liên tiếp nhưng điểm số không đạt yêu cầu. Cuối cùng cô cũng vào được đại học và theo học chuyên ngành yêu thích của cô - thiết kế thời trang.
Trong lớp, Kim Thành không biết gì về thiết kế, trong khi các bạn cùng lớp đã có thể mô tả phong cách và triết lý thiết kế của Michelangelo - Bậc thầy hội họa nước Ý. Sau khi tốt nghiệp, Kim Thành gắng tìm việc làm và thực tập ở một công ty thiết kế, nhưng vì lòng tự trọng thấp nên cô phục tùng, không dám giao tiếp hay nêu ý tưởng.
Các bạn cùng lớp hoặc thành công trong lĩnh vực thiết kế hoặc chuyển đổi nghề nghiệp và tìm được công việc tốt dựa vào chuyên ngành của mình, chỉ có Kim Thành trở về nhà, bị cha mẹ họ hàng trách là kẻ vô ơn, lười biếng, bất hiếu.
Cha mẹ cô nhờ người tìm cho con một công việc ở công ty quảng cáo. Không ngờ cô lại bị sếp sa thải trong vòng một tháng. Lý do rất đơn giản: Ông chủ yêu cầu Kim Thành thay đổi cỡ chữ trên danh thiếp của khách hàng, cô không chịu làm, thậm chí còn lớn tiếng nói rằng ông chủ đang coi thường cô. Cha mẹ cô không còn cách nào khác ngoài việc nhìn con gái mình ngủ hoặc xem TV hàng ngày, họ ngày càng tức giận và xúc phạm con hết lời.
Kim Thành cũng biết việc mình không đi làm là sai, nhưng cô lại sợ khi nghĩ đến việc cần phải giao tiếp với người khác ở nơi làm việc. Cô cũng biết mình có vấn đề tinh thần, từng xin tiền bố mẹ để tham gia một lớp đào tạo tâm lý, cô đã vượt qua kỳ thi trở thành huấn luyện viên tâm lý chỉ sau ba tháng.
Cô thậm chí còn được thuê làm giáo viên ở đây, mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng tốt, nhưng lúc này cô lại không muốn đi làm nữa mà tiếp tục ở nhà. Cha mẹ Kim Thành không chịu nổi, suốt ngày mắng con. Nhưng càng mắng mỏ thì vấn đề tâm lý của cô càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Kim Thành và mẹ (ở giữa) xuất hiện trên truyền hình
Cha mẹ của Kim Thành không nhận ra sai lầm của mình. Họ cho rằng dù thế nào đi nữa họ cũng đúng nên sau đó đã đưa con gái cùng xuất hiện trên một chương trình truyền hình. Ngay cả trước ống kính trong cuộc phỏng vấn, người mẹ vẫn lớn tiếng nói rằng con gái bà không thể làm được gì: "Nếu nó thành công thì con chó cũng có thể thành công".
Mọi người đều cho rằng Kim Thành lười biếng, bất hiếu, nhưng họ không biết rằng cô cũng có ước mơ nhưng lại bị cha mẹ triệt tiêu từ rất sớm. Sau khi chương trình phỏng vấn kết thúc, Kim Thành nói rằng cô sẽ ra ngoài tìm việc làm và rời xa gia đình của mình...