Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng

DIỆP LỤC |

Trên hành trình di cư đầy mạo hiểm, nhiều người mãi mãi nằm yên nghỉ trong những ngôi mộ không tên tuổi hoặc tan biến không dấu vết.

Tại một góc khuất ở một nghĩa trang của Nam Phi, nhiều ngôi mộ nằm lẻ loi ở đó. Không ai biết rõ tên tuổi của những người đã khuất, trên bia mộ chỉ ghi tạm dòng chữ nguệch ngoạc: "Vô danh B/Nam giới".

Những người đàn ông này là những người di cư từ khắp các nơi ở châu Phi đến tỉnh Gauteng, Nam Phi, nơi được gọi là "vùng đất vàng" để tìm kiếm công việc ở đây. 

Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện giấc mơ đổi đời, nhiều người đã phải bỏ mạng trong hành trình di cư khắc nghiệt. Thi thể của họ không được đặt tên và cũng không ai đứng ra nhận về. 

Theo số liệu thống kê, chỉ riêng ở Gauteng, đã có hơn 4.300 người di cư bỏ mạng trong khoảng thời gian 2014-2017.

Một trong số họ đã được chôn cất tại nghĩa trang Olifantsvlei, nơi cỏ mọc um tùm, vắng vẻ. Thậm chí, ở đây còn có những ngôi mộ rất nhỏ, dành cho nạn nhân là trẻ em. 

Khi người dân trên toàn thế giới chạy trốn khỏi chiến tranh, đói nghèo và thiếu việc làm, di cư toàn cầu đã tăng vọt lên ở mức cao với hơn 258 triệu người di cư quốc tế trong năm 2017. 

Đó là mức tăng 49%, một con số kỷ lục kể từ trước cho đến nay, theo Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, hệ quả khôn lường của những cuộc di cư hàng loạt này thì không phải ai cũng biết: Hàng chục ngàn người đã chết hoặc mất tích trong cuộc hành trình tử thần này, vĩnh viễn không bao giờ họ được nhìn thấy nữa. 

Ngày càng nhiều người di cư bị chết đuối, bỏ mạng nơi sa mạc hoặc trở thành con mồi của những kẻ buôn người, khiến người thân của các nạn nhân không hề hay biết chuyện gì đã xảy đến với họ. 

Đồng thời, những ngôi mộ vô danh đang lấp đầy các nghĩa trang trên khắp thế giới, giống như nghĩa trang ở Gauteng.

Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng - Ảnh 1.

Quan tài của một trong những người di cư đã chết khi thuyền của họ bị lật ở kênh đào Sicily được nâng lên bằng cần cẩu đến một tàu Hải quân Ý tại bến cảng đảo Lampedusa vào ngày 12/10/2013.

Một báo cáo của Associated Press cho thấy có ít nhất 56.800 người di cư đã chết hoặc mất tích kể từ năm 2014, con số này nhiều hơn gấp đôi so với số liệu thống kê chính thức duy nhất được thực hiện bởi Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM). 

Theo số liệu của IOM, tính đến hết hết ngày 1/10/2018, có hơn 28.500 người di cư đã chết hoặc mất tích. 

Hãng AP đã bổ sung thêm gần 28.300 trường hợp khác bằng cách tổng hợp các thông tin từ những nhóm tổ chức quốc tế khác nhau, dựa theo hồ sơ pháp y, những báo cáo về việc người mất tích hay sàng lọc dữ liệu từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn người di cư.

Tuy nhiên, con số mà AP đưa ra còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Thi thể của những người di cư nằm ở sa mạc hay dưới đáy đại dương là không thể đếm được. 

Nhiều gia đình cũng che giấu việc những người thân của họ đã bị mất tích vì các nạn nhân là người di cư bất hợp pháp hoặc bởi vì họ rời khỏi nhà mà không nói chính xác họ đi đâu.

Con số chính thức của Liên Hợp Quốc tập trung chủ yếu vào châu Âu. Tuy nhiên trên thực tế, còn có những con đường di cư khác nhưng số liệu về chúng thì cực kỳ khan hiếm. 

Ít ai biết được rằng, ở Nam Mỹ, Venezuela là một trong những quốc gia có người di cư lớn nhất thế giới hiện nay và châu Á là khu vực hàng đầu về số lượng người di cư. 

Chính phủ các nước đều đánh giá rất thấp số lượng người di cư, một vấn đề chính trị và xã hội lớn cần được quan tâm hiện nay.

Những người di cư đã bỏ lại gia đình ở phía sau, họ buộc phải lựa chọn đi để đổi đời chấp nhận rủi ro hay bám lại quê hương nhưng tương lai mịt mù, giống như trường hợp của bà Safi al-Bahri. 

Con trai bà, Majdi Barhoumi, rời quê hương Ras Jebel, Tunisia vào ngày 7/5/2011, để đến châu Âu trên một chiếc thuyền nhỏ chở hàng tá người di cư khác. 

Chiếc thuyền không may bị đắm và kể từ đó không ai hay biết gì về số phận của Barhoumi cùng những người khác. Cha mẹ của Barhoumi vẫn không ngừng hy vọng rằng con trai họ còn sống.

"Tôi luôn đợi con trai tôi trở về. Tôi luôn cảm nhận thấy thằng bé đang ở gần đây", bà Safi al-Bahri nói.

Châu Âu: Những chiếc thuyền không bao giờ cập bến

Trong cuộc khủng hoảng di cư trên toàn cầu, châu Âu là khu vực nhìn thấy rõ nhất thực trạng này.

Hình ảnh bất động của cậu bé người Kurd nằm chết trên bãi biển, các lều trại đóng băng ở Đông Âu và một loạt các vụ đắm tàu chết người đã được lan truyền trên khắp thế giới, khiến dư luận chấn động.

Hai vụ đắm tàu và cái chết của ít nhất 368 người ngoài khơi Ý vào tháng 10/2013, đã thúc đẩy tổ chức IOM nghiên cứu về cái chết của người di cư. 

Tổ chức này đã tập trung vào những cái chết ở Địa Trung Hải. Chỉ riêng trong năm nay, IOM đã tìm thấy hơn 1.700 người chết ở vùng biển này.

Giống như những người Tunisia di cư khác, Barhoumi cùng bạn bè và những người đồng hành quyết định lên đường đến châu Âu để tìm kiếm việc làm tốt hơn. 

Họ đã ở trong một chiếc lều dựng tạm bợ gần bãi biển vào buổi tối trước khi lên thuyền đến miền đất hứa vào sáng hôm sau. 

Nhưng họ không ngờ rằng, chiếc thuyền đã không bao giờ có thể cập bến đến châu Âu như dự định.

Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng - Ảnh 2.

Anh Khalid Arfaoui từng có ý định tham gia vào chuyến hành trình ấy nhưng vì thiếu khoảng 100 USD để trả tiền cho chủ thuyền mà anh đành ở lại. 

Khalid Arfaoui lặng lẽ dõi theo dòng người rời khỏi khu lều, bắt đầu hành trình đến châu Âu. Chiếc thuyền làm bằng cao su bị lật khi trở nên quá tải, yếu ớt trước sóng biển bao la. Chỉ có hai thi thể được tìm thấy. 

Chính phủ Tunisia chưa bao giờ có hoạt động kiểm tra những người dân bị mất tích. Do vậy, những người di cư trên chiếc thuyền định mệnh ấy không bao giờ được tính trong số người chết và bị mất tích.

"Nếu tôi đi với họ, tôi cũng có số phận như những người khác. Mặc dù vậy, nếu có cơ hội, tôi sẽ thực hiện điều đó. Ngay cả khi tôi sợ biển và tôi biết mình có thể chết, tôi vẫn sẽ đi", anh Arfaoui cho hay.

Anh Mounir Aguida, 30 tuổi, từng thực hiện chuyến đi di cư vào cuối tháng 8/2018 khi anh cùng 7 người bạn khác chen chúc nhau vào một chiếc thuyền nhỏ. 

Những con sóng tấp vào chiếc thuyền khiến nó trở nên mong manh. Cuối cùng, anh cùng một thanh niên khác quyết định nhảy ra khỏi chiếc thuyền, quay lại bờ.

Không có bất kỳ thông tin nào về tung tích của 6 người còn lại. Không có vụ đắm tàu nào được báo cáo, không có thi thể nào được tìm thấy, không ai rõ số phận của 6 người đàn ông còn lại ra sao.

Tunisia và nước láng giềng Algeria là điểm trung chuyển cho những người châu Phi khác đến từ phía Bắc muốn di chuyển đến miền đất hứa châu Âu. 

Tunisia cũng có nghĩa trang riêng dành cho người di cư vô danh như Hy Lạp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại một nghĩa trang nằm gần bờ biển phía nam Tunisia, thủy thủ thất nghiệp tên Chamseddin Marzouk là người chăm sóc nghĩa trang này.

Trong số khoảng 400 thi thể được chôn cất tại đây từ năm 2005 cho đến năm 2018, chỉ có một người xác định được danh tính. 

Đối với những người khác nằm lại đây, Marzouk không thể tưởng tượng được gia đình của họ sẽ cảm thấy như thế nào.

"Gia đình của họ có thể nghĩ rằng con cái mình vẫn còn sống và một ngày nào đó sẽ quay trở về. Họ không biết rằng con cái, người thân của họ đang được chôn cất ở đây, tại Zarzis, Tunisia", Marzouk nói.

Châu Phi: Tan biến không dấu vết

Mặc dù làn sóng di cư của người châu Phi chỉ được biết đến chủ yếu qua con đường Địa Trung Hải thì trên thực tế có tới 16 triệu người di cư chọn hành trình qua một số nước châu Phi. 

Theo số liệu thống kê, kể từ năm 2014, có ít nhất 18.400 người di cư đã chết ở châu Phi, số liệu này được tổng hợp từ hồ sơ của AP và IOM. 

Số người mất tích trong quá trình di cư ở châu Phi thì thường không có bất kỳ dấu vết nào của họ được tìm thấy.

IOM nói rằng sa mạc Sahara có thể đã giết chết nhiều người di cư hơn là ở Địa Trung Hải. 

Nhưng không ai có thể biết chắc chắn con số cụ thể là bao nhiêu vì Sahara là vùng sa mạc lớn nhất thế giới nên việc tìm kiếm như mò kim đáy bể. 

Ánh nắng mặt trời khắc nghiệt cùng những đụn cát nóng bỏng có thể khiến các thi thể nhanh chóng bị phân hủy, khó có thể nhận dạng.

Với một nền kinh tế thịnh vượng và chính phủ ổn định, Nam Phi thu hút nhiều người di cư hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Phi. 

Tuy nhiên tại đây lại không có bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến những người sống và làm việc bất hợp pháp ở đây. 

Nam Phi cũng là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao nhất thế giới và cảnh sát chỉ tập trung vào giải quyết các vụ án trong nước thay vì xác định danh tính của người di cư.

Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng - Ảnh 3.

Nhân viên nhà xác đem quan tài của một người di cư vô danh đi chôn cất tại một nghĩa trang bên ngoài thành phố Johannesburg vào ngày 12/4/2018.

Do đó, các thi thể thường được chôn cất tại các nghĩa trang địa phương và không thể xác nhận được danh tính. 

Trong một chuyến thăm gần đây của hãng AP, họ chứng kiến một loạt các quan tài hình chữ nhật được mở sẵn để chờ thi thể của những người không xác nhận được danh tính. Một chiếc xe tải sẽ chở khoảng 10 chiếc quan tài, mỗi ngôi mộ sẽ chôn 5 thi thể.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đang hợp tác với chính quyền nơi đây để bắt đầu một dự án thí điểm với nhà xác ở Gauteng để chụp ảnh chi tiết, dấu vân tay và mẫu DNA của những thi thể vô danh. 

Những thông tin này sẽ được lưu lại trong cơ sở dữ liệu và họ có thể tìm được danh tính của các nạn nhân.

Hoa Kỳ: "Đó là cách anh tôi thường ngủ"

Tại biên giới Mỹ-Mexico, thi thể của những người di cư nằm chết chồng lên nhau. Nhiều người đã cố gắng chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói ở Guatemala, Honduras, El Salvador hoặc Mexico.

 Những nạn nhân xấu số được tìm thấy sau nhiều tháng hoặc nhiều năm khi họ chỉ còn là một bộ xương khô. Những người khác kịp gọi một cuộc điện thoại cuối cùng để rồi không một ai còn thấy họ nữa.

Vào năm 2010, đội Nhân chủng học Pháp y Argentina và nhà xác địa phương ở Hạt Pima, Ariz., đã bắt đầu thực hiện các hoạt động tìm danh tính cho những thi thể vô danh được tìm thấy ở hai bên bờ biên giới. 

"Dự án Biên giới" đã xác định được danh tính của hơn 183 người, một con số khá khiêm tốn. Ít nhất 3.861 người di cư đã chết và mất tích trên tuyến đường từ Mexico đến Hoa Kỳ kể từ năm 2014, theo con số  kết hợp của AP và IOM.

Công việc xác định danh tính của người xấu số có thể mất nhiều năm do thiếu nguồn lực, những hồ sơ chính thức và sự phối hợp giữa các quốc gia với nhau.

Đối với nhiều gia đình có người bị mất tích, đó là hy vọng duy nhất của họ, nhưng đối với gia đình của Juan Lorenzo Luna và Armando Reyes, hy vọng đó đang mờ dần.

Luna, 27 tuổi, và Reyes, 22 tuổi, là hai anh em rể, rời khỏi thị trấn nhỏ Gomez Palacio ở miền bắc Mexico vào tháng 8/2016. 

Họ đã cố gắng vượt biên đến Hoa Kỳ nhưng bị các nhân viên tuần tra biên giới phát hiện và đã bị trục xuất về nước. 

Họ biết rằng họ đang mạo hiểm mạng sống của mình khi cha của Reyes đã qua đời trên đường di cư vào năm 1995 và một người chú của họ bị mất tích năm 2004. 

Tuy nhiên, Luna, một người đàn ông sống vì gia đình, luôn muốn kiếm đủ tiền để mua xe bán tải, sau đó trở về bên vợ con để họ cùng nhau chung sống trong sự ấm no, hạnh phúc. 

Còn Reyes muốn tìm kiếm một công việc tốt hơn để có thể mang lại cho cô con gái mới sinh của anh một tương lai tốt đẹp.

Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng - Ảnh 4.

Một nhóm người di cư băng qua sa mạc gần biên giới Mexico - Hoa Kỳ.

Trong số năm người rời Gomez Palacio cùng nhau thì có hai người đàn ông đến nơi an toàn, một người quay trở lại còn hai anh em Reyes và Luna thì bặt vô âm tín. 

Mọi người chỉ biết rằng họ quay trở lại con đường di cư sau khi bị trục xuất, kể từ đó không ai hay biết họ ra sao. 

Các quan chức nói với gia đình rằng họ đã lùng sục các nhà tù và trại giam, nhưng không có dấu hiệu của hai người đàn ông mất tích. 

Thậm chí, gia đình đã nhờ một thầy bói tìm tung tích của họ và người này nói rằng cả hai có thể đã bỏ mạng trên sa mạc.

Một ngày cuối tuần vào tháng 6/2017, các tình nguyện viên đã tìm thấy 8 thi thể bên cạnh một khu vực quân sự của sa mạc Arizona. 

Họ đã đăng tải các bức hình lên mạng xã hội với hy vọng gia đình của những người xấu số có thể nhận ra họ. Trong số đó có Maria Elena Luna. 

Thi thể của người đàn ông đang trong tình trạng phân hủy, được tìm thấy gần bụi cây xương rồng. Một người thân của anh đã nhận ra Luna nhờ tư thế của người đàn ông này. 

"Đó là cách anh tôi thường nằm ngủ", người thân của Luna cho hay.

Cùng với các thi thể, các tình nguyện viên cũng tìm thấy một số giấy tờ liên quan, một bức ảnh và một mảnh giấy có ghi số trên đó. Bức ảnh là của Juan Lorenzo Luna. 

Nhưng các nhà điều tra cho rằng, điều đó chưa thể chứng minh được gì vì trong quá trình di cư, họ có thể bị thất lạc giấy tờ hoặc bị trộm cướp mất ví. 

Tất cả đều phải chờ giám định DNA. Những người thân của họ đã gửi mẫu DNA cho chính phủ và chờ đợi kết quả.

Nam Mỹ: "Không ai muốn thừa nhận đây là một thực tế"

Gần 2 triệu người Venezuela đang chạy trốn khỏi sự sụp đổ của đất nước họ. 

Những người di cư này đã nhảy lên xe buýt, ngồi lên những chiếc thuyền mỏng manh Caribbean hoặc đi bộ dọc theo đường cao tốc nóng như thiêu như đốt, những con đường mòn trên núi trong để tìm đường sang miền đất hứa. 

Họ cũng dễ trở thành nạn nhân của các băng đảng ma túy, đói rét và bệnh tật có thể ập đến lúc nào ngay cả khi họ đến đích.

"Không phải ai cũng có thể chịu đựng được chuyến đi khó khăn như vậy vì đó là một hành trình rất dài. Nhiều người chỉ có thể được ăn 1 lần trong ngày. Có những người phải nhịn đói và rồi họ chết", Carlos Valdes, giám đốc viện pháp y quốc gia nói.

Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng - Ảnh 5.

Người di cư Venezuela quấn chăn lên người khi họ đứng chờ đợi trong giá lạnh để chuẩn bị vượt biên sang Colombia vào ngày 5/8/2018.

Valdes cũng cho biết chính quyền không phải lúc nào cũng có thể xác định được danh tính của những người đã chết. Nhiều người đã chết khi bị hạ thân nhiệt trong lúc đi qua vùng núi để vượt biên.

Marta Duque, 55 tuổi, ở Pamplona, Colombia là người hiểu rõ hơn ai hết cuộc khủng hoảng di cư ở Venezuela. 

Pamplona là một trong những thành phố cuối cùng mà người di cư tiếp cận trước khi mạo hiểm đi qua một ngọn núi băng giá, một chặng đường nguy hiểm trong hành trình di cư. 

Hàng đêm, bà Marta Duque đã mở cửa để cung cấp nơi trú ẩn cho những gia đình di cư có em nhỏ. Bà nói rằng sự im lặng của chính quyền đã buộc những người như bà phải hành động để giúp họ.

"Mọi người dường như chỉ đùn đẩy trách nhiệm với nhau. Không một ai muốn thừa nhận đây là một thực tế", bà Marta Duque nói.

Có ít nhất 3.410 người Venezuela đã được báo cáo mất tích hoặc chết trên hành trình di cư. Trong số những người mất tích có Randy Javier Gutierrez, một cậu bé đi bộ qua Colombia cùng hai người thân để hy vọng tới Peru đoàn tụ với mẹ của mình. 

Tuy nhiên cậu bé đã mất liên lạc kể từ đó. "Tôi rất lo lắng. Tôi không biết mình phải làm gì", mẹ của Gutierrez nói.

Châu Á: Một ẩn số quá lớn

Khu vực có lượng người di cư lớn nhất, châu Á, cũng là nơi có ít thông tin nhất về số phận của những người rời khỏi quê hương đi tìm miền đất hứa. 

Người châu Á và Trung Đông chiếm 40% số người di cư trên thế giới. Và theo AP ghi nhận, có hơn 8.200 người di cư đã biến mất hoặc tử vong sau khi rời bỏ quê hương. 

Các băng đảng buôn người hoạt động trên một phạm vi rộng lớn, diễn ra phức tạp và tinh vi khiến cho việc thống kê những người di cư chết và mất tích là một ẩn số quá lớn.

Almass, 14 tuổi và em trai 11 tuổi đến từ một nước Trung Đông là hai trong số hàng ngàn người di cư muốn đến châu Âu. 

Hai anh em bị nhồi nhét trong một chiếc xe bán tải với khoảng 40 người sau một vài ngày đi bộ ở biên giới. Em trai của cậu bé đã kiệt sức khi họ đến biên giới Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những kẻ buôn người nói rằng đây không phải là lúc để nghỉ ngơi, có ít nhất hai đồn biên phòng gần đó.

Bi kịch của khủng hoảng di cư toàn cầu: Hàng nghìn ngôi mộ vô danh, thi thể chất chồng nơi biên giới và người thân đợi chờ đến tuyệt vọng - Ảnh 6.

Almass bế em trên tay nhưng họ đã thấy tiếng quát tháo của lính biên phòng ở Iran. Trong lúc trốn chạy, Almass bất ngờ bị rơi xuống khe núi và bất tỉnh.

Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, Almass tình cờ gặp ba chàng trai khác trong khe núi và sau đó là 4 người di cư khác nhưng không ai nhìn thấy em trai của Almass. 

Đó là vào đầu năm 2014. Almass, hiện 18 tuổi, đã cố gắng tìm kiếm tung tích em trai trong số 2.773 trẻ em được Hội Chữ thập đỏ đưa ra thông báo đã bị mất tích trên đường đến châu Âu.

Almass đã đi từ châu Á đến châu Âu và may mắn gặp một người phụ nữ Pháp trong một trang trại 400 năm tuổi ở vùng Limousin. 

Dù có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng Almass không thể liên lạc được với gia đình vì số điện thoại ở quê nhà không còn hoạt động nữa và anh cũng không biết làm thế nào để tìm thấy em trai mình.

"Bây giờ tôi không biết họ đang ở đâu. Họ cũng không biết tôi đang nơi nào", Almass nói với gương mặt đau khổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại