Hãng tin CNBC cho hay gạo là nguyên liệu chính mang tính biểu tượng của Nhật Bản trong văn hóa ẩm thực, nhưng nền kinh tế này lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo lớn nhất suốt nhiều thập kỷ.
Cụ thể, thời tiết xấu gây giảm sản lượng, số du khách tăng đột biến và việc đánh thuế 778% với gạo nhập khẩu đã khiến Nhật Bản lâm vào một cuộc khủng hoảng hiếm thấy.
"Trong suốt mùa hè năm 2024, Nhật Bản đã phải vật lộn với tình trạng thiếu gạo khiến siêu thị trống rỗng. Nguyên nhân chính là nhu cầu vượt xa sản lượng trong 3 năm qua khiến lượng gạo dự trữ của Nhật Bản cạn kiệt, xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm", báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nêu rõ.
Ngoài ra, việc người Nhật Bản tích trữ nhiều gạo hơn để chuẩn bị cho mùa mưa bão ở Nhật Bản cũng góp phần khiến nền kinh tế này lâm vào tình trạng khan hiếm tạm thời.
Đỉnh điểm vào tháng 8/2024, nhiều siêu thị Nhật Bản được cho là đã hết gạo trắng và các cửa hàng chỉ bán 1 túi gạo cho mỗi người mua.
Đài truyền hình NHK thì cho biết tình trạng thiếu hụt gạo là do lượng du khách đổ về thưởng thức các món ăn khiến cầu vượt cung.
Giá gạo tháng 8/2024 tại Nhật Bản đã tăng lên đến 16.133 Yên, tương đương 112,67 USD cho mỗi kg, cao hơn 3% so với tháng trước và 5% so với đầu năm nay.
Số liệu của Bộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản (MAFF) cho thấy lượng gạo tồn kho tư nhân của nước này trong tháng 6/2024 chỉ đạt 1,56 triệu tấn, thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra MAFF cũng cho rằng lượng du khách tăng đột biến cùng việc người dân tích trữ gạo chuẩn bị cho mùa mưa bão là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Theo ước tính của Rabobank, lượng gạo tiêu thụ của du khách đã tăng từ 19.000 tấn trong khoảng tháng 7/2022-6/2023 lên 51.000 tấn trong khoảng tháng 7/2023-6/2024.
Nhật Bản đã đón kỷ lục 17,8 triệu du khách trong nửa đầu năm, cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Xu hướng đó vẫn đang tiếp diễn với 3,3 triệu du khách đến vào tháng 7/2024, mức cao nhất từng được ghi nhận theo số liệu thống kê du lịch của Nhật Bản.
Một yếu tố nữa là sản lượng gạo Nhật Bản đã giảm do nông dân lớn tuổi nghỉ hưu nhưng giới trẻ lại không muốn theo nghề này.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản lại áp mức thuế 778% với gạo nhập khẩu để giữ giá cho người nông dân trồng lúa.
Mặc dù Nhật Bản cam kết nhập khẩu tối thiểu 682.000 tấn gạo mỗi năm theo nghĩa vụ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng lượng gạo này phần lớn bị tách biệt khỏi người tiêu dùng trong nước vì chủ yếu được sử dụng để chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.
Ở phía ngược lại, xuất khẩu gạo từ Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần trong khoảng 2014-2022 lên gần 30.000 tấn.
Giá gạo tăng đã đẩy lạm phát Nhật Bản tăng 2,8% trong tháng 8/2024 so với cùng kỳ năm trước.
*Nguồn: CNBC