Bi hài chuyện cán bộ xã kéo người dân vào “vòng xoáy” đa cấp

Hoàng Minh Vân |

Cán bộ xã kéo người dân vào vòng xoáy đa cấp, đó là những gì đã xảy ra tại xã Thanh Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), nơi hàng năm vẫn phải nhận gạo cứu đói.

Liêu xiêu vì "bão đa cấp"

Xã Thanh Sơn mới được thành lập năm 2009, là xã tái định cư của 1200 hộ dân đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú chuyển về từ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương.

Bởi đời sống còn nhiều khó khăn, đa phần là đồng bào dân tộc nên trước đây, người dân vốn quen với "nước độc rừng thiêng" này không hiểu "đa cấp" là gì. Thế nhưng, vào năm 2012 thì cơn lốc đa cấp đã tìm về đây.

Người dân gọi những người đưa "cơn bão đa cấp" về bản là… cán bộ. Họ là người của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam .

Trước sự "nhiệt thành" của "cán bộ đa cấp", những người dân tộc thật thà đã nhanh chóng mắc bẫy.

Chớ trêu, những người đầu tiên dính bẫy lại là những cán bộ xã. Hai ông Vi Trọng Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Vi Thành Viên, Phó Chủ tịch HĐND xã… là những người "mở hàng" cho "phong trào đa cấp" này.

Đầu tiên, ông Thủy cho mở cuộc hội thảo ngay tại nhà mình để "cán bộ" công ty đa cấp thuyết trình. Sau đó, cũng chính ông Thủy mua gói hàng đầu tiên để mọi người tin tưởng làm theo.

Bi hài chuyện cán bộ xã kéo người dân vào “vòng xoáy” đa cấp - Ảnh 1.

Danh sách cán bộ xã tham gia đa cấp ở Thanh Sơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: "Thời điểm nhà ông Thủy tổ chức hội thảo tôi đang là phó bí thư Đảng ủy xã.

Tôi và hầu hết cán bộ UBND xã đều được mời đến nhà anh Thủy để nghe thuyết trình. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe khoảng 15 phút rồi ra về vì thấy "ảo" quá.

Họ bảo, nếu mua 4 gói quà (mã), mỗi gói 8,4 triệu đồng sau 4 năm sẽ nhận được số tiền "tri ân" lên đến 400 triệu. Khách hàng nhận 300 triệu tiền mặt, 100 triệu đồng con lại sẽ nhận bằng hiện vật là 1 chiếc xe SH và kèm theo một số sản phẩm khác.

Làm gì mà kiếm tiền dễ thế! Tôi chẳng tin một chút nào nên không tham gia".

Ông Thông không tham gia và ông cũng tin người dân sẽ không tham gia bởi ông biết, dân xã ông nghèo, cơm ăn còn chưa đủ lấy đâu tiền mà mua hàng.

Thế nhưng, không thể ngờ rằng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, rất nhiều người đã "nhập cuộc".

"Đi đầu" là các lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, tiếp đến là các thầy cô giáo ở trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn) và hàng loạt người dân cũng nhảy vào để thực hiện giấc mơ "làm giàu không khó" này.

Trong danh sách mới được công an xã Thanh Sơn điều tra vào tháng 3/2016, cả xã đã có 74 người tham gia đa cấp với số tiền mua lên đến hơn 1,8 tỷ đồng.

Cán bộ xã kéo người dân… vào bẫy

Ông Vi Trọng Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, người được cho là mở màn cho "cơn bão đa cấp" và lôi kéo nhiều người dân tham gia.

"Đầu tiên tôi mua gói sản phẩm là thực phẩm chức năng có tác dụng giải độc gan, mua hết 5,8 triệu đồng. Tôi thấy có tác dụng tốt nên đã mua thêm mấy gói nữa.

Từ đông trùng hạ thảo, đến phân vi sinh, tôi đã mua tổng cộng 7 gói sản phẩm.

Các sản phẩm dù có giá đắt nhưng rất tốt lại còn có tiền "tri ân" sau này nên tôi đã tuyên truyền để người dân cùng mua", trao đổi với chúng tôi, ông Thủy cho biết.

Con trai ông Thủy là anh Vi Công Tuấn, cán bộ Đoàn xã Thanh Sơn, cũng được bố thuyết phục vào cuộc. Sau đó, chính Tuấn đã cùng với bố đi thuyết phục thêm nhiều người nữa tham gia mua hàng.

Khách hàng đầu tiên của Tuấn là ông Lô Hoàng Thanh ở bản Chà Coong 1. Ông Thanh nguyên là Bí thư xã Thanh Sơn.

Ông Thanh nói rằng, thời điểm đó ông mới nghỉ công tác nên cũng muốn tìm thêm việc làm để có thu nhập. Đúng lúc đó ông được Tuấn thuyết phục tham gia.

"Năm 2013, tôi được anh Tuấn "bảo trợ" nên đã xuống thành phố Vinh để mua một gói sản phẩm là 10 lọ thuốc bổ", ông Thanh nhớ lại.

Theo ông Thanh, sở dĩ ông không nghĩ mình bị lừa phỉnh bởi có sự "bảo lãnh" của cán bộ xã là bố con ông Thủy.

"Bản thân anh Thủy là phó chủ tịch xã cũng tham gia nên tôi càng tin tưởng", ông Thanh chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, vợ ông Thanh, bà Lô Thị Hằng, nguyên là giáo viên nghỉ hưu nói rằng, ngay từ đầu khi nghe nói về cách "làm giàu" chóng vánh như vậy bà đã ngăn cản và hết lời phân tích cho chồng hiểu.

Tuy nhiên, thời điểm đó, cả xã lên "cơn sốt" đa cấp, biết bà ngăn cản chồng nên từng có người đến nhà và bảo: "Cứ như bà thì chẳng bao giờ khá lên được. Cứ như bà thì xã này vẫn mãi đói nghèo".

Theo thống kê, hiện tại người dân xã Thanh Sơn đã nướng gần 2 tỷ đồng vào việc "kinh doanh đa cấp".

Con số đó là rất lớn nến biết được rằng, trong số 1200 hộ dân ở xã Thanh Sơn, hiện vẫn còn đến 920 hộ nghèo.

Để có tiền tham gia, người dân đã phải vay mượn, chủ yếu là vay ngân hàng và bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà.

Bi hài chuyện cán bộ xã kéo người dân vào “vòng xoáy” đa cấp - Ảnh 2.

Cơn bão đa cấp đang khiến chính quyền và người dân xã Thanh Sơn đau đầu.

Ông Lô Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, bởi là xã nghèo nên hàng năm, Nhà nước vẫn 2 lần phải cấp gạo cứu đói.

Theo ông Thông, Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam đã "đánh" trúng vào lòng tham và sự hiểu biết hạn chế của đông đảo cán bộ và người dân xã Thanh Sơn.

Trong danh sách được công an xã Thanh Sơn cung cấp, đã có 12 cán bộ UBND xã Thanh Sơn tham gia mua hàng đa cấp.

Kéo dân chơi đa cấp là… muốn tốt cho dân!

Mua bán hàng đa cấp đang là chủ đề nóng tại xã Thanh Sơn những ngày này. Những người như ông Thủy, ông Viên, ông Thâm… đang là tâm điểm của sự chỉ trích.

Mặc dù vậy, đến thời điểm này ông Thủy vẫn nói rằng: "Tôi chẳng lừa ai, mua hàng là thuận mua vừa bán. Cũng không thể nói là tôi lôi kéo, tôi chỉ muốn tốt cho người dân, cung cấp cho người dân thông tin và họ tham gia".

Không cho rằng mình lừa người dân nhưng ông Thủy thừa nhận, việc lôi kéo người dân tham gia mua hàng đa cấp ông được tiền. Cụ thể thuyết phục được một người, ông Thủy bỏ túi ngay 600 nghìn đồng.

Ngoài ra, thông tin chúng tôi có được là các cán bộ xã đã được "tri ân" 250 triệu đồng trong khi người dân không được gì. Ông Thủy cũng thừa nhận là đã được "tri ân"… đủ vốn!

Đến thời điểm này, ông Thủy vẫn bao biện: "Biết đâu sau này họ sẽ thực hiện lời hứa, chúng tôi và người dân sẽ được…tri ân". 

Bi hài chuyện cán bộ xã kéo người dân vào “vòng xoáy” đa cấp - Ảnh 3.

Danh sách những người dân bị cán bộ xã dụ vào vòng xoáy đa cấp.

Theo ông Lô Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn thì khi bão đa cấp bùng nổ, ông đã rất nhiều lần khuyên can cán bộ của mình.

"Từ đầu tôi đã không tin nhưng cũng không có bằng chứng gì nói Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam lừa đảo.

Tuy nhiên, với việc cán bộ xã đi lôi kéo người dân tôi đã có ý kiến rất nhiều lần. Trong các cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ xã tôi đều nhắc nhở. Điều tôi không ngờ là nhiều người dân lại mắc bẫy như vậy", ông Thông đau xót.

Xã Thanh Sơn có 16 bản nhưng bản "chơi" đa cấp nhiều nhất là Thanh Bình, Chà Coong 1, 2, Kim Hạnh, Thái Lâm.

Không chỉ cán bộ xã, nhiều giáo viên ở xã này cũng dính bả đa cấp.

Ông Hoàng Văn Danh, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Lâm cho biết, nhiều giáo viên của trường đã đầu tư vào kiểu "làm giàu không khó" này với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Đến bây giờ, khi chiếc mặt nạ đa cấp bị hạ xuống, nhiều người mới ngã ngửa. Hối hận thì cũng đã quá muộn màng.

Theo ông Danh, bởi mù quáng tin vào kiểu kinh doanh ảo trên mà nhiều giáo viên của trường đã và đang còng lưng gánh nợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại