Bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên Facebook: Cô giáo tự ý mở điện thoại của học sinh có sai?

Đặng Chung |

Nhóm học sinh ở Thanh Hóa nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo và đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, việc giáo viên tự ý mở điện thoại của học trò và đọc tin nhắn trong nhóm kín của học sinh, theo nhiều chuyên gia, đây là hành động không nên làm, thậm chí còn vi phạm quy định của pháp luật về quyền riêng tư.

Giáo viên có xâm phạm quyền riêng tư của học sinh?

Sau phản ứng của dư luận về quyết định đuổi học 1 năm với nhóm học sinh nói xấu thầy cô trên mạng xã hội , ngày 2.11, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã thu hồi quyết định kỷ luật để xem xét lại sự việc và học sinh đã trở lại trường học bình thường.

Tuy nhiên, những giờ qua, trên các diễn đàn đã tranh luận gay gắt liên quan đến hành vi “ mở điện thoại của học sinh để đọc tin nhắn trên facebook” mà giáo viên của Trường THPT Nguyễn Trãi đã làm.

Cụ thể, theo thông tin từ ông Bùi Nguyễn Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, ngày 1.10, một nữ sinh lớp 10A5 sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho chủ nhiệm lớp. 

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, do điện thoại của nữ sinh không bị khóa nên cô giáo vô tình thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”.

Kiểm tra, cô giáo đọc được các cuộc trò chuyện nói xấu thầy cô, nhà trường, sự việc kéo dài nhiều ngày trước khi được phát hiện. Sau đó cô đã báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Hội cha mẹ học sinh và phụ huynh của những em có hành vi nói xấu giáo viên để có hướng xử lý.

Bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên Facebook: Cô giáo tự ý mở điện thoại của học sinh có sai? - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng giáo viên không được tự ý mở điện thoại của học sinh để xem.


Bình luận về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần xem xét hành vi giáo viên xem điện thoại của học sinh được diễn ra trong bối cảnh ra sao, nếu cô tự ý xem là đã xâm phạm quyền riêng tư của học sinh được pháp luật bảo vệ.

“Theo quy định của Hiến pháp thì mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định “Thư tín, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật” - Luật sư Cường phân tích.

Trong bất kỳ trường hợp nào, giáo viên đều không được tự ý mở điện thoại của học sinh để xem, đọc các thông tin cá nhân nếu không được các em đồng ý hoặc không thuộc tình huống, trường hợp khẩn cấp, như cần liên lạc với người nhà học sinh trong trường hợp các em bị ốm, gặp nguy cấp...

Giáo viên bị học sinh nói xấu cũng cần xem lại mình!

Đồng tình hành vi nói xấu giáo viên của nhóm học sinh là sai, nhưng TS Trần Thành Nam – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi cần thận trọng xem xét cả bối cảnh, nguyên nhân khiến học sinh có hành động này trước khi “kết án”, kỷ luật các em.

Bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên Facebook: Cô giáo tự ý mở điện thoại của học sinh có sai? - Ảnh 3.

TS Trần Thành Nam.


“Giáo viên cần thực hiện tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, xem những hành vi, ứng xử của mình với học sinh có áp đặt, khiến các em “tâm phục khẩu phục” hay không? Phải có vấn đề gì khúc mắc, không phục cách giải quyết của giáo viên, thì học sinh mới có hành động như vậy”- TS Nam chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý này cũng cho rằng, khi nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc, chúng ta ắt sẽ đưa ra quyết định, hay lời nói vội vàng, làm tổn thương nhau. 

Vì vậy đây là cơ hội để cả học sinh và giáo viên trong vụ việc “ bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên facebook ” bình tĩnh ngồi lại, nói ra những khúc mắc, từ đó sẽ có hướng xử lý hợp tình hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại