Sáng nay, trong một động thái khá bất ngờ, chính phủ Qatar đã chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Iran. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Qatar đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng với các quốc gia Ả- rập láng giềng cũng chính vì mối quan hệ thân thiết với chính quyền Tehran.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar tuyên bố đại sứ nước này sẽ quay trở lại thủ đô Tehran (Iran) sau hơn 1 năm chính thức rút đại sứ khỏi đây nhằm thể hiện sự đoàn kết với Ả rập Xê út sau các vụ tấn công 2 nhân viên ngoại giao của nước này tại Iran.
"Chính phủ Qatar mong muốn tăng cường quan hệ ngoại giao song phương với Cộng hòa Hồi giáo Iran trên tất cả các lĩnh vực" trích thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Qatar. Trong bản thông cáo này, chính phủ Qatar cũng không hề đề cập đến cuộc khủng hoảng ngoại giao mà quốc gia giàu tài nguyên này đang phải đối mặt trong suốt hơn 2 tháng qua.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng việc các quốc gia láng giềng bất ngờ cắt đứt sự thông thương đường biển, đường bộ và hàng không với Qatar do các chính sách của chính quyền Doha tại khu vực Trung Đông.
Theo giáo sư Kristian Coastes Ulrichsen, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách công James A Baker thuộc Trường ĐH Rice (Mỹ): "Điều này cho thấy Qatar đang theo đuổi một hướng đi mới. Đây có thể là tín hiệu củng cố giả thuyết chính phủ Doha sẽ không khuất phục trước những áp lực của các quốc gia láng giềng và minh chứng rằng các quốc gia Ả rập đang thiếu những biện pháp cấm vận đủ mạnh để trừng phạt Qatar"
Mặc dù xác nhận sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước nhưng Cơ quan truyền thông của chính phủ Iran không hề đưa ra bất cứ thông tin bình luận nào về động thái này của Qatar.
Phải thừa nhận rằng mặc dù rút đại sứ vào đầu năm 2016, Iran và Qatar trong suốt thời gian qua vẫn duy trì quan hệ thương mại trị giá nhiều tỉ USD như việc đồng sở hữu mỏ khí tự nhiên ngoài khơi mà Tehran gọi là mỏ South Pars còn Doha gọi là North Field.
Mỏ khí có trữ lượng khổng lồ này không những giúp người dân Qatar có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trên thế giới mà còn đủ tiền để đăng cai giải bóng đá World Cup 2022 và trang trải cho mọi hoạt động của kênh truyền hình quốc gia Al- Jazeera.
Đó là chưa kể, kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra vào tháng 6 vừa qua, Iran đã gửi các chuyến hàng gồm thực phẩm tới trợ giúp người dân Qatar. Hiện các quốc gia Ả rập vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước sự thay đổi bất ngờ trong chính sách ngoại giao của chính phủ Qatar.