Bị chê kiểm soát chất lượng hàng trên sàn "bằng cơm", sếp Tiki phản pháo thế nào?

Bảo Bảo |

Trong tiến trình mua hàng của khách, Tiki đang kiểm soát chất lượng cả "bằng cơm" và bằng hệ thống, ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc Kinh Doanh Sàn Tiki - cho biết.

Tại Diễn đàn Tiếp thị Trực tuyến 2020 (VOMF), đại diện từ một đơn vị trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng đặt câu hỏi về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa của Tiki , đồng thời cho rằng Tiki nên học hỏi Amazon trong việc đào tạo các Sellers, và rằng sàn thương mại điện tử này vẫn kiểm soát chất lượng hàng "bằng cơm".

Đại diện đến từ Tiki, Giám đốc Kinh doanh Nguyễn Chí Thọ thừa nhận Tiki coi Amazon là một sàn để học hỏi, và Founder kiêm CEO Tiki Nguyễn Ngọc Thái Sơn cũng thường xuyên nhắc tới việc này.

Về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa bán trên sàn, ông Thọ cho biết Tiki kiểm soát 3 giai đoạn: Trước, Trong, và Sau mua hàng. Cụ thể:

1- Trước

"Các anh chị từng bán hàng trên các sàn sẽ than "Trời", vì Tiki là sàn khó được đăng sản phẩm nhất", ông Thọ chia sẻ.

Bị chê kiểm soát chất lượng hàng trên sàn bằng cơm, sếp Tiki phản pháo thế nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc Kinh Doanh Sàn Tiki.

Để bán hàng trên Tiki thì phải có:

- Giấy phép đăng ký kinh doanh, chứ không phải ai cũng được bán.

- "Để đăng sản phẩm thì tất cả sản phẩm phải có giấy xuất xứ nguồn gốc. Muốn bán chai nước phải có giấy công bố sản phẩm, làm rõ Sellers mua chai nước này từ đâu thì mới được đăng", ông Thọ nói.

"Chúng tôi rất khó trong tiêu chuẩn đầu vào".

2- Trong

"Khâu này, Tiki đang làm vừa "bằng cơm" vừa bằng hệ thống", ông Thọ nói.

Với đội chạy "bằng cơm", thực tế Tiki có đội QC (Quality Control - kiểm soát chất lượng). Hàng tuần, hàng tháng, team QC đều lựa chọn những sản phẩm được cho là dễ có chất lượng kém nhất, tới trực tiếp kiểm tra.

Khi khách hàng order một món hàng, Tiki sẽ trực tiếp đến nhà bán hàng lấy sản phẩm, nhưng chưa giao trực tiếp cho khách hàng ngay mà đem về kho của Tiki kiểm tra một lần nữa

Với phần làm bằng hệ thống, Tiki ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (máy học) phát triển công cụ "Investigation Tool" và hệ thống "Fraud Detection System" để có thể tự động lọc ra content sản phẩm có khả năng giả nhái và không chất lượng, và loại ngay.

Một cái "Trong" nữa ông Thọ đề cập tới là "trong giao hàng". Khi khách hàng order một món hàng, Tiki sẽ trực tiếp đến nhà bán hàng lấy sản phẩm, nhưng chưa giao trực tiếp cho khách hàng ngay mà đem về kho của Tiki, kiểm tra sản phẩm một lần nữa rồi rồi đóng theo tiêu chuẩn của Tiki.

"Đó là cách kiểm tra sản phẩm một lần nữa, rồi mới giao cho khách hàng", Giám đốc Kinh Doanh Sàn Tiki chia sẻ.

3- Sau

"Lỡ may sót một vài "con ruồi bay qua", khách hàng là người giúp Tiki phản ánh sản phẩm đó chất lượng hay không chất lượng, giả hay không giả. Khi phát hiện như vậy, Tiki đứng ra bồi thường và xin lỗi khách hàng trước với chính sách đền 111% giá trị sản phẩm, đồng thời đóng vĩnh viễn gian hàng", ông Thọ nói.

Về tiềm năng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam, Hiệp hội TMĐT (VECOM) dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó qui mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD.

VECOM cho hay Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại