Rạng sáng ngày 14/4, liên quân ba nước Mỹ-Anh-Pháp đã phát động cuộc tấn công Syria. Do thực hiện kế hoạch khi chưa được sự đồng thuận của Quốc hội nên Thủ tướng Anh Theresa May đã bị lực lượng đối lập trong nước chỉ trích dữ dội. Trong đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng, bà May đã hoàn toàn nghe theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/4, Thủ tướng Anh đã phủ nhận cáo buộc trên.
"Chúng tôi không làm theo yêu cầu của Tổng thống Trump. Chúng tôi làm điều đó bởi vì chúng tôi tin rằng đó là điều đúng đắn"", bà May khẳng định, quân đội Anh đã hành động vì lợi ích quốc gia.
Trong phiên họp, lãnh đạo đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn đã chỉ trích hành động lần này của London là "thiếu cơ sở pháp lý" và yêu cầu Thủ tướng May phải đưa ra cơ sở pháp lý đầy đủ về cuộc tấn công Syria.
Đáp lại, bà May nhấn mạnh, nhằm trả đũa sự kiện sử dụng vũ khí hóa học (nghi) của chính quyền Tổng thống Assad thì hành động của Anh đúng cả về đạo đức và pháp luật.
Khi ông Corbyn chỉ trích rằng, London đã phối hợp với Washington và Paris tấn công Damascus mà chưa được Liên hợp quốc phê chuẩn, bà May cho hay, nếu đợi Liên hợp quốc phê chuẩn, Nga nhất định sẽ phủ quyết kế hoạch này.
Trước Quốc hội, bà May cho biết thêm, rất nhiều lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ trước cuộc tấn công của liên quân.
Xét về mặt pháp lý, Thủ tướng Anh không bắt buộc phải hỏi ý kiến của Quốc hội trước khi ra đưa ra chỉ đạo về một hành động quân sự nhưng quy định đã thay đổi trong những năm gần đây.
Năm 2003, Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair đã thuyết phục Quốc hội ủng hộ cuộc tấn công Iraq trước khi chính thức can thiệp quân sự vào nước này. Đến năm 2013, khi David Cameron là Thủ tướng, ông đã yêu cầu Quốc hội cho phép tấn công Syria nhưng đã bị các nhà lập pháp phủ quyết.
Theo The New York Times, việc không ủng hộ Lầu Năm Góc ảnh hưởng đến mức độ tin cậy lẫn nhau khi Anh-Mỹ là đối tác quân sự của nhau.
Liên minh Mỹ - Anh - Pháp tấn công Syria