Trên đường đi học, bé gái 5 tuổi bị một người mắc chứng rối loạn tâm thần có khuynh hướng bạo lực ép lên đường cao tốc.
Trong tình huống nguy hiểm này, bé gặp nguy mà không hoảng, mưu trí, dũng cảm đối phó với kẻ bắt cóc, tranh thủ cơ hội chủ động cầu cứu cảnh sát, cuối cùng cô bé đã trở về bên bố mẹ mà không mảy may hề hấn gì.
Cả quá trình thoát hiểm khiến người nghe cảm phục, thậm chí còn được gọi là "sách giáo khoa phòng chống bắt cóc" dành cho trẻ em.
1. Khi bị cô lập không người giúp đỡ, đừng phản kháng dữ dội
Giải thích: Bé gái đối diện với người trưởng thành có xu hướng bạo lực rõ ràng thì không nên kháng cự kịch liệt, mà lặng lẽ quan sát tình hình, chờ cơ hội chạy trốn. Điều này tránh kích thích nghi phạm, bảo đảm an toàn cho bản thân.
2. Nhìn thấy cảnh sát xuất hiện, mau chóng vùng thoát cầu cứu
Giải thích: Bé gái cần nhận biết đặc điểm nhận dạng, danh tính nghề nghiệp của cảnh sát bao gồm 3 điểm sau: Nhận ra cảnh sát, biết cảnh sát làm gì, biết gặp nguy hiểm thì nhờ cảnh sát giúp.
3. Ôm chân cảnh sát và nói 1 câu thật to: "Cô ấy/ chú ấy không phải là mẹ/bố của cháu"
Giải thích: Khi đến hiện trường, cảnh sát không hoàn toàn chắc chắn cháu bé này có phải là "bé gái mất tích" được báo cảnh sát không nhưng 1 câu "Cô ấy không phải là mẹ cháu" sẽ khiến cảnh sát mau chóng phán đoán, cách ly và khống chế nghi phạm.
4. Tường thuật chuẩn xác quá trình bị bắt cóc, loại bỏ những từ ngữ gây nhiễu
Giải thích: "Sáng nay cháu đang đi học, cô ấy đưa cháu đến đây…"
Chính vì bé gái tường thuật rõ ràng, chuẩn xác quá trình bị bắt cóc mới giúp cảnh sát có thể loại trừ khả năng nghi phạm chen vào biện minh, nhanh chóng làm rõ tình hình.
5. Cung cấp chính xác họ tên và số điện thoại của bố mẹ mình
Giải thích: "Cháu tên là XXX. Cháu học trường YYY. Trên cặp sách có số điện thoại của bố cháu…"
Chính nhờ cô bé cung cấp thông tin cá nhân chuẩn xác mới giúp cảnh sát có thể nhanh chóng liên lạc với người thân, thầy cô để nhận thông tin toàn diện hơn.
6. Đứng sát cảnh sát, bảo đảm sự an toàn cho bản thân
Giải thích: Trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, cháu bé không chạy lung tung, nắm chặt gấu áo cảnh sát, giữ cho mình vị trí tương đối an toàn.
Giáo dục phòng chống bắt cóc giúp trẻ có thể nắm thời cơ tự cứu mình bất cứ lúc nào
Nhiều bố mẹ tò mò, sao bé gái 5 tuổi có thể thông minh, bình tĩnh biết nhiều kiến thức tự cứu mình như thế?
Đó là bởi ông nội của cô bé đã ghép họ tên, số điện thoại của cả nhà thành một bài hát trẻ con để dạy cháu học thuộc lòng khi bé vừa biết nói; lúc lên 4 tuổi, cháu đã có thể đọc thuộc tên trường học, địa chỉ trường, số điện thoại của thầy cô.
Ông nội còn dạy bé gặp "người xấu" đừng hoảng sợ, khi "người xấu" dẫn cháu qua nơi đông người, nhất định phải kêu lên cầu cứu. Các trường mầm non cũng nên triển khai giáo dục tương tự.
Vậy nên mưu trí, dũng cảm không phải chốc lát mà có, phải đan xen trong việc dạy trẻ thường ngày. Trẻ được dạy cách phòng chống bắt cóc tốt tự nhiên sẽ không dễ dàng bị người xấu bắt đi.
10 lời khuyên giúp trẻ phòng chống bị bắt cóc
1. Dạy trẻ ghi nhớ địa chỉ nơi mình ở
Con không chỉ cần nhớ tên của bố mẹ mà còn phải nhớ mình ở nhà số bao nhiêu, tên khu phố, tên đường, tên thành phố mình ở.
2. Dạy trẻ nhớ số điện thoại của người thân
Dạy con nhớ số điện thoại của người thân, đặc biệt là số của bố mẹ và số điện thoại nhà, còn cần dạy trẻ cách gọi điện thoại.
3. Dạy trẻ gọi số điện thoại khẩn cấp
Dạy bé số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát, cấp cứu. Trong tình huống khẩn cấp, số điện thoại của bố mẹ quá dài dễ quên, những số điện thoại này có thể có tác dụng.
Nhất định phải nói cho con biết, chỉ trong tình huống khẩn cấp mới được gọi, bình thường không được gọi linh tinh.
4. Dạy trẻ phân biệt người tốt và người xấu
Dạy con phân biệt những người mặc đồng phục như: cảnh sát, bộ đội, bảo vệ và trang phục của nhân viên các cơ quan đơn vị lớn hoặc hệ thống siêu thị.
Trẻ bị lạc có thể tìm đến những người này nhờ giúp đỡ.
5. Dạy trẻ đừng nhận bất kỳ thứ gì người lạ cho
Dạy trẻ đừng nhận bất cứ thứ gì của người lạ, đặc biệt là đồ ăn vì bên trong rất có thể bị bỏ thuốc. Còn có kẻ xấu dùng đồ chơi làm mồi nhử, thu hút sự chú ý của trẻ rồi nhân cơ hội bế bé đi.
6. Dạy trẻ đừng để ý đến người lạ
Người lạ đưa rất bất cứ yêu cầu hay nhờ vả gì đều phải kiên quyết từ chối. Chẳng hạn: "Cháu bé, cháu dẫn đường cho chú đến chỗ XX được không?"
Cũng đừng thích thú với lời khen ngợi của người lạ mà mất cảnh giác. Trước sau luôn nhớ một điều: Đừng để ý đến người lạ.
7. Dạy trẻ đừng tùy tiện đến nhà người lạ làm khách
Trước đây có hàng loạt chuyện bạn nhỏ đến chơi nhà bạn học, kết quả không có người lớn ở nhà, dân du cư thất nghiệp gần đó đã lừa trẻ đi.
Đặc biệt là bé gái càng cần phải đặc biệt cảnh giác, dù đi đâu cũng phải kịp thời liên lạc với bố mẹ để báo nơi mình đang có mặt.
8. Dạy trẻ đừng mở cửa cho người lạ
Khi trong nhà chỉ có một mình trẻ, phải dặn con nếu có người gõ cửa nhất định phải nhìn mắt thần ở cửa để xem ai đến.
Chỉ cần là người lạ, dù người đó có nói gì cũng quyết không được mở cửa; có điều do hiện giờ cũng xảy ra không ít vụ án người quen, vì vậy vẫn nên cẩn thận là trên hết.
Ngoài người thân như ông bà nội ngoại ra, đừng cho bất cứ ai vào.
9. Dạy trẻ tập thói quen tốt tiện tay khóa cửa
Nếu một mình đi từ trường về nhà thì phải để ý xem phía sau có ai khả nghi không, chắc chắn không có gì bất thường mới mở cửa vào nhà, đồng thời phải lập tức khóa cửa lại để đề phòng kẻ xấu nhân cơ hội chúng ta sơ ý không đóng cửa mà lẻn vào lừa gạt.
10. Đừng để cho trẻ ra ngoài một mình
Đừng để con ra ngoài một mình, dù chỉ là chạy đi mua gói muối ở tiệm nhỏ gần nhà.
Tuy nói cần bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ nhưng trước khi con có thể hoàn toàn tự bảo vệ mình, tốt nhất người lớn nên dẫn bé đi sẽ an toàn hơn.
Bố mẹ nhất định phải dạy con những kỹ năng phòng thân để lúc then chốt có thể tự cứu mình.