Chuông cửa reo lên lúc 1 giờ 24 phút sáng, nhân viên bảo vệ Richard Abath ngước nhìn qua bàn làm việc của mình và trông thấy hai người đàn ông trong trang phục cảnh sát đứng ngoài cửa. “Cảnh sát đây!”, một người cất tiếng, “…chúng tôi nhận được tin báo về một vụ lộn xộn”.
Bọn trộm quấn băng keo khắp đầu Abath.
Theo đúng quy trình, Abath phải gọi đến sở cảnh sát Boston để kiểm tra tên và số hiệu của các sĩ quan trên, thế nhưng cậu nhân viên 23 tuổi này đã không tuân thủ, vội ấn nút mở cửa cho hai người đàn ông vào trong. Họ yêu cầu Abath thông báo cho đồng nghiệp của anh ta là Randy Hestand tập trung tại tiền sảnh.
Một đối tượng nói với Abath: “Anh trông quen lắm. Tôi nghĩ chúng tôi có lệnh bắt giữ anh. Đi ra phía sau bàn và cho chúng tôi xem giấy tờ tùy thân”. Thêm một lần phạm quy tắc nữa, Abath không mảy may nghi ngờ và rời khỏi vị trí canh gác của mình.
Điều này có nghĩa rằng anh đã bị dụ đi xa khỏi chiếc chuông báo động duy nhất của bảo tàng. Chỉ chờ có thế, tên cướp mặc đồng phục cảnh sát đã áp sát Abath vào tường và còng tay anh lại. Trong khi đó, Hestand, người lần đầu tiên đi làm ca đêm, vừa đến sảnh thì cũng bị bắt trói.
“Đây là một vụ cướp, thưa các quý ông”, một tên tuyên bố như thể mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng. Hai kẻ đột nhập dùng băng keo bịt miệng các nhân viên bảo vệ, sau đó áp giải họ vào nhà vệ sinh, trói tay Hestand vào bồn rửa còn Abath vào một cái bàn cách xa nhau gần 40 mét.
Hai tên cướp đã lục soát khắp bảo tàng do nhà triệu phú hảo tâm Isabella Stewart Gardner mở ra năm 1903 để tặng cho công chúng Boston. Chúng ném các khung tranh mạ vàng xuống nền đá cẩm thạch rồi dùng dao rạch lấy tranh vải nham nhở.
Chúng thậm chí còn để lại một khung tranh rỗng trên ghế ngồi của giám đốc phụ trách an ninh của bảo tàng, đồng thời xóa bỏ toàn bộ đoạn băng trong hệ thống camera giám sát ghi lại quá trình dài 81 phút, kể từ lúc chúng lái một chiếc xe màu tối đỗ trước cửa bảo tàng.
Sáng hôm sau, người ta tìm thấy Abath và Hestand nhưng 13 hiện vật trị giá 500 triệu USD thì đã biến mất. Kiệt tác đắt giá nhất trong số đó có bức “The Concert” của danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer, cùng một bản phác họa và hai bức tranh của Rembrandt.
Ngoài ra còn có một con chim đại bàng bằng đồng trên lá cờ Napoleon và một chiếc bình cổ của Trung Quốc. Lạ lùng thay, hai tên cướp đã không sờ tới bức tranh đắt nhất ở bảo tàng là “The Rape of Europa” trong khi chúng có thời gian để chôm chỉa vài chiếc socola từ máy bán kẹo tự động.
Một ngày sau vụ đột nhập, tờ Boston Globe đưa tin các chuyên gia trong giới nghệ thuật cho rằng số hiện vật quý giá trên “có lẽ đã được một tay sưu tầm ở thị trường chợ đen ngoài nước đặt mua”.
Các băng đảng ma túy Mỹ Latinh, quân nổi loạn ở Ireland và thậm chí cả các mật vụ Vatican cũng bị liệt vào danh sách tình nghi.
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã tra hỏi Abath, người duy nhất bị máy cảm biến chuyển động đặt gần bức Chez Tortoni của Edouard Manet quét được, song không thu được bất kỳ manh mối nào.
Khung tranh rỗng trên tường từng treo bức họa "Storm" của Rembrandt.
25 năm đã trôi qua, các đầu mối đều dẫn đến kết quả sai lệch, vụ án cũng đã nguội lạnh. “Đó là một bí ẩn ngoạn mục - bởi cả giá trị của những bức tranh lẫn sự liều lĩnh của những gã xấu xa”, tác giả Stephen Kurkjian viết trong cuốn sách của ông nói về vụ cướp chấn động tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner.
Theo Kurjian, cách mà các đối tượng “đối xử” tàn bạo với các kiệt tác triệu đô cho thấy khả năng vụ này không phải do một nhà sưu tầm chuyên nghiệp và lắm tiền chủ mưu.
Tác giả tin rằng phi vụ này do thế giới ngầm ở Boston thực hiện bởi nó xảy ra trong thời điểm hai băng đảng đối địch của Frank Salemme và Vincent Ferrara đang tranh giành lãnh địa dữ dội.
Ông cho biết thêm, 9 năm trước khi vụ cướp xảy ra, FBI từng cảnh báo bảo tàng này về việc có một nhóm mafia chuyên đóng giả cảnh sát để cướp tài sản.
Kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, theo suy luận của Kurkjian, thì Bobby Donati - tài xế của trùm sỏ Vincent Ferrara - đã đánh cắp những bức tranh quý rồi giấu đi.
Ở trong tù, Ferrara khai nhận rằng hắn đã chỉ thị cho Donati hợp tác với “bậc thầy” trộm tranh Myles Conner Jr và thăm dò bảo tàng nhiều lần.
Hai đối tượng này cũng từng bị bắt gặp tại một câu lạc bộ với bộ đồng phục cảnh sát nằm trong túi xách. Băng nhóm này dự tính dùng những bức tranh để thỏa hiệp với phía cảnh sát để đổi lấy sự tự do cho Ferrara, kẻ đang phải chấp hành án tù 20 năm vì tội kiếm tiền phi pháp.
Phương thức “trao đổi” kiểu này từng có tiền lệ trước đó khi vào năm 1975, Connor đã được giảm án tù sau khi đồng ý trao trả một bức tranh mà hắn lấy cắp từ Bảo tàng Nghệ thuật Boston. Đây có thể là lý do khiến Ferrara quyết tâm hành động.
Thế nhưng, người lái xe - đầu mối chính trong trường hợp này - lại bị sát hại vào năm 1991. Nếu ông ta đúng là hung thủ thì bí mật về nơi cất giữ các kiệt tác triệu đô cũng bị chôn sâu xuống đáy mồ.
Từ năm 1995, chính quyền liên bang tuyên bố sẵn sàng xóa tội tàng trữ tài sản mất cắp, hơn thế còn trao thưởng 5 triệu USD cho người trao trả các hiện vật quý lại cho bảo tàng. Tuy nhiên, những bức tranh vẫn “một đi không trở lại”.
Theo ý nguyện lúc qua đời của chủ nhân bảo tàng, tất cả hiện vật tại đây sẽ không bao giờ được xê dịch khỏi vị trí bà đã sắp đặt chúng. Vì thế mà 25 năm sau vụ trộm, các khung tranh trống rỗng vẫn được treo nguyên ở trên tường.
Một phần để gợi nhắc nỗi mất mát lớn của những người yêu nghệ thuật, phần khác thể hiện niềm hy vọng ngày nào đó các bức họa sẽ quay trở lại.