Kỳ 1: Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn
Kỳ 2: Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Lần ra dấu vết Saddam Hussein từ... một con ngựa trắng
Kỳ 3: Số phận những người cuối cùng che giấu Saddam Hussein
Kỳ 4: Những ngày cuối đời của Saddam Hussein qua lời cai ngục Mỹ
---
Đào lên chôn lại chỉ trong vài tiếng
Ngay sau khi bị tử hình bằng hình thức treo cổ vào ngày 30/12/2006, thi hài nhà lãnh đạo Iraq bị lật đổ Saddam Hussein đã được 2 thành viên trong gia tộc tới nhận và được một máy bay trực thăng của Mỹ, nhờ sự phê chuẩn của đích thân Tổng thống George W. Bush, chở thẳng về quê hương Awja (tỉnh Salaheddin).
Tại đây, thi hài ông đã chôn cất tại sân trong của một ngôi đền ở địa phương. Nhưng chỉ sau vài tiếng, nó được khai quật và an táng lần thứ hai trong tòa nhà 2 tầng mái vòm, hình bát giác, lát đá cẩm thạch, do ông xây tặng dân làng từ những năm 1980, phục vụ các lễ hội tôn giáo.
Phủ lên trên ngôi mộ này là lá cờ Iraq dưới thời Hussein với dòng chữ "Chúa Trời vĩ đại", do chính tay ông viết khi còn sống. Chiếc đèn chùm cỡ lớn soi sáng nơi Hussein nằm, bức ảnh chân dung cỡ to đặt bên cạnh, cùng với một cuốn sổ tang, những bức ảnh thời ông còn đương quyền và một con đại bàng bằng gỗ - loài vật Hussein từng rất thích .
Lăng mộ nguy nga từng là nơi Saddam Hussein được an táng. Ảnh: Reuters
Sự dịch chuyển chớp nhoáng này chỉ là khởi đầu của những "truân chuyên" mà Saddam Hussein phải trải qua ngay cả sau khi đã chết.
Những thông tin thêu dệt về số phận thi hài của Hussein đã bắt đầu được ngay từ khi ông được chôn cất, và lan truyền tới khắp các quốc gia trong thế giới Ả Rập.
Một trong các thông tin đó là một nhóm người từ bộ tộc con rể Saddam Hussein, Hussein Kamel - người đã bị xử tử vì phản bội vào năm 1996, đã trả thù Tổng thống quá cố bằng cách đào mộ, khai quật thi hài ông lên và ném cho chó dày. Đoạn video quay bằng điện thoại, ghi lại cảnh một nhóm đàn ông đang hành hạ một thi thể cũng được công bố kèm theo đó.
Thông tin này khiến những người ủng hộ Hussein phẫn nộ tới mức, Phó Thống đốc Salahuddin đã phải lên tiếng trấn an, khẳng định tất cả chỉ là giả.
Tác giả người Ai Cập Anis al-Daghidi đã xuất bản cuốn sách chỉ vài ngày sau khi Hussein bị xử tử, khẳng định ông có tới 147 bằng chứng về việc Saddam Hussein chưa chết, người bị treo cổ chỉ là một trong những người thế thân. Chính tại Awja, không ít người người cũng cùng chung suy nghĩ như vậy.
Lăng mộ tan hoang, thi hài mất tích
Tại Awja, Saddam Hussein vẫn được người dân ca ngợi là anh hùng, là "đại bàng của người Ả Rập". Khu lăng mộ được họ gọi với cái tên mới là "Thánh đường Tử vì đạo", nơi không chỉ các thành viên trong bộ tộc mà cả người Hồi giáo dòng Sunni cũng lui tới thể hiện lòng tôn kính với vị Tổng thống của họ.
Nhưng sự xuất hiện của thi hài Hussein tại đây cũng là lý do khiến Awja là một trong những nơi diễn ra xung đột ác liệt nhất giữa quân đội chính phủ Iraq với các nhóm nổi dậy, giữa các nhóm nổi dậy Shitte và Sunni. Ngôi mộ trở thành mục tiêu phá hoại hàng đầu, nhất là khi nó lại nằm trong khu vực khi đó đang bị IS chiếm đóng.
Tòa nhà nơi đặt thi hài Hussein chỉ còn là đống đổ nát sau những cuộc giao tranh, phá hoại của các lực lượng nổi dậy.
Đỉnh điểm của những đồn đoán là khi hình ảnh về khu lăng mộ tan hoang, đổ nát xuất hiện, quan tài của Hussein bị bật nắp. Không ai biết chính xác tung tích thi hài Hussein.
Một sĩ quan cảnh sát đóng tại thành phố Sammara gần đó cho hay: "Lực lượng nổi dậy đã vào lăng mộ của Hussein, phá tan mọi thứ và châm lửa đốt". Bức chân dung khổ to của Hussein bị xé toạc, mái nhà và cột nhà bị kéo sập, gạch lát sàn vỡ nát, sắt thép ngổn ngang."
Lực lượng nổi dậy người Shiite cáo buộc IS đặt bom xung quanh khu an táng. Nhưng giữa đống đổ nát, ảnh của Hussein lại được thay thế bằng bức ảnh Tướng Iran Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cùng lá cờ của người Shitte.
Chỉ huy an ninh Jaafar al-Gharawi của Lực lượng huy động nhân dân (PMF), nhóm vũ trang người Shitte do Iran hậu thuẫn - một lực lượng thân cận với chính phủ Iraq, khẳng định: "Thi hài ông ấy vẫn ở đây".
Một số người khác tin rằng, Raghd, con gái Hussein đã đưa thi hài cha mình tới Jordan, nơi cô sống lưu vong. Haytham al-Harash, luật sư của Raghd sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.
Mọi đồn đoán chỉ tạm lắng xuống khi một thủ lĩnh trong bộ tộc của Hussein tiết lộ vào tháng 8/2014: "Tám tháng trước, chúng tôi đã đưa thi hài ông ấy tới nơi an toàn hơn. Chúng tôi lo sợ sẽ có chuyện xảy ra... 4 người đã thực hiện nhiệm vụ này... Chúng tôi đã đưa ông ấy xa khỏi tầm tay kẻ thù. Chúng giết ông ấy một lần là quá đủ rồi. Giờ đây, chúng sẽ phải sợ hãi ông ấy".
Tuy nhiên, cho tới về sau này, vẫn có nhiều người tin rằng, người bị treo cổ năm nào chỉ là thế thân, Saddam Hussein thực sự vẫn sống đâu đó ngoài kia.