Khoa học của chúng ta đã đạt những thành tựu vượt bậc và giúp con người có cái nhìn đúng đắn hơn về thế giới xung quanh, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đã có lời giải cho mọi vấn đề.
Và những hiện tượng tự nhiên sau chính là những bí ẩn nằm ngoài tầm với của khoa học (ít nhất là tới thời điểm hiện nay):
Thạch vũ trụ - Star Jelly
Ảnh: BBC.
Mưa, tuyết, mưa đá và mưa tuyết là những hiện tượng quá quen thuộc xuất hiện từ trên bầu trời, nhưng liệu bạn đã bao giờ nghe tới hiện tượng star jelly (thạch vũ trụ).
Đây là hiện tượng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, gồm những chất lạ trông như thạch thường bắt gặp trên bãi cỏ hay thân cây, quá trình phân tích cho thấy chất thạch này chứa dấu vết của vi khuẩn và DNA của giun đất.
Loại chất này sẽ nhanh chóng bay hơi nên càng trở nên hiếm gặp, do nhiều nhân chứng nói rằng chúng rơi từ trên trời xuống nên nhiều người cho rằng chúng có nguồn gốc từ vũ trụ. Loại chất này chứa thành phần kỳ lạ còn có thể dùng trong y học để chữa áp xe.
Mây hào quang buổi sáng - Morning Glory Clouds
Ảnh: news.com.au.
Đây là một hiện tượng rất hiếm và xuất hiện tại bang Queensland (Úc) vào buổi sáng mỗi mùa xuân, chúng giống như những cuộn mây (có hình ống) hơn là đám mây với chiều dài có thể lên tới 1 km và ở độ cao 1 đến 2 km từ mặt đất.
Những đám mây này còn có tốc độ chuyển động khá nhanh lên tới 60 km/h. Các thổ dân Úc xem sự xuất hiện của hiện tượng này là điềm báo cho sự gia tăng số lượng của các loài chim ở nơi đây. Sự xuất hiện này còn kèm theo gió giật đột ngột, gió nghịch chiều.
Nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng này là do sự kết hợp độc đáo của gió biển và sự thay đổi độ ấm nhưng khoa học vẫn chưa có lời giải thấu đáo cho bí ẩn này.
Ngôi sao Tabby
Ảnh: National Geographic.
Đây là ngôi sao có tên KIC 8462852 và là bí ẩn lớn trong vũ trụ mà giới khoa học phát hiện cách đây không lâu, ngôi sao này có độ sáng bất thường chứ không giống các ngôi sao bình thường nên bị gán cho là "hang ổ" của người ngoài hành tinh.
Nhưng giới khoa học cũng có lời giải thích khác thực tế hơn như ngôi sao Tabby bị các vật thể như mảnh vụn vũ trụ bao quanh khiến cho độ sáng của nó liên tục thay đổi hay sự thay đổi độ sáng này là do sao Tabby đã hấp thụ một hành tinh làm tăng độ sáng của nó nhanh chóng.
Những giả thuyết này vẫn chưa thể được kiểm chứng và ngôi sao Tabby cùng với vật chất tối, năng lượng tối là những bí ẩn vũ trụ thách thức các nhà khoa học thiên văn cũng như vật lý.
Bầu trời máu (Bloody Sky)
Bầu trời máu. Ảnh: georgianewsday.com.
Màu đỏ có vẻ là điềm xấu vì giống với màu máu, do đó sự xuất hiện của hiện tượng này thường bị gán là điềm gở, xui xẻo liên quan tới chiến tranh, nạn đói hay dịch bệnh...
Tháng 4 năm 2016, trên bầu trời Chalchuapa, El Salvador đã xuất hiện hiện tượng khó tin này, với bầu trời bị bao trùm bởi màu đỏ đáng sợ nhưng chỉ xuất hiện rất nhanh trong khoảng 1 phút rồi nhường chỗ cho màu hồng nhạt.
Một số người cho rằng, đây là hiệu ứng của các trận mưa sao Băng vào tháng 4.
Nguồn hấp dẫn cực lớn (The Great Attractor)
Điểm hấp dẫn cực đại. Ảnh: sci-news.com.
Nằm ở vùng lân cận của Siêu đám thiên hà Trường Xà-Nhân Mã, ở gần với trung tâm của Siêu đám Laniakea ncos một khu vực "bí ẩn" có lực hấp dẫn lớn dị thường, có độ lớn hấp dẫn gấp Mặt Trời của chúng ta cả một triệu tỷ lần!
Năm 2016, bằng việc sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Parkes của CSIRO, các nhà thiên văn đã quan sát xuyên qua bụi khí Ngân Hà và nhiều ngôi sao để đi tìm kiếm câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ này, từ đó phát hiện ra gần 900 siêu cụm thiên hà tại nơi đây!
Lực hấp dẫn này lớn tới mức dù xa tới 220 triệu năm ánh sáng thì chính Ngân Hà của chúng ta cũng đang bị kéo về phía nó với tốc độ hơn 2 triệu km/h.
Tuy Lý thuyết Big Bang (cho rằng một vụ nổ 14 tỉ năm trước đã tạo nên toàn vũ trụ ngày nay) có thể lý giải rất nhiều hiện tượng xảy ra trong vũ trụ và được chấp nhận rộng rãi nhưng lại chưa thể giải thích được sự tập trung của một lượng lớn các thiên hà như ở khu vực Geat Attractor.
Bài viết được dịch từ nguồn: Listverse.com